Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến 20/4/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là con số kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 4 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây (năm 2016 đạt 7,5 tỷ USD, năm 2017 đạt 10,6 tỷ USD và năm 2018 đạt 8 tỷ USD).
Ngoài phần điều chỉnh vốn giảm hơn so với cùng kỳ thì vốn đầu tư vẫn tăng mạnh ở 2 hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần. Trong đó:
Cấp mới: Đến ngày 20/4/2019, cả nước có 1.082 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Điều chỉnh vốn: Có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.
Góp vốn, mua cổ phần: Trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.
Cũng theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, hoạt động khoa học công nghệ, xây dựng,...
Hiện, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp đó là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 742,7 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Tính đến ngày 20/4/2019, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,47 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư.
TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD chiếm 7% tổng vốn đầu tư...