Asia-Pacific 14 chiếm 65% dân số thế giới
Quy mô dân số là một lý do khiến châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu trong thế kỷ 21, đặc biệt là từ góc độ kinh tế. 14 quốc gia dẫn đầu khu vực - Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và New Zealand - chiếm gần 2/3 (65%) dân số toàn thế giới.
Khu vực đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á - Thái Bình Dương đóng góp khoảng 60% mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2017. Đóng góp của khu vực này dự kiến sẽ còn lớn hơn với sự phát triển của những nền kinh tế châu Á. Vào năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc tăng hơn 800 tỷ USD, vượt mức tổng sản lượng GDP của Ả Rập Saudi. Riêng mức tăng trưởng đó đã tương đương với quy mô của nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới.
Sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ không chỉ tạo ra nhu cầu đầu tư bất động sản, mà còn đòi hỏi sự phát triển hơn nữa của thị trường này trong tương lai.
Có nhiều tỷ phú ở Trung Quốc hơn ở Mỹ
Viện Nghiên cứu Hurun ước tính có 658 tỷ phú tại Trung Quốc, nhiều hơn con số 584 của Mỹ. Nhiều tỷ phú Trung Quốc, như Vương Kiện Lâm - Chủ tịch tập đoàn Vạn Đạt, đã làm giàu trong lĩnh vực bất động sản, và nhiều cá nhân khác cũng đang làm rung chuyển thị trường bất động sản trên thế giới, từ việc mua trọn các tòa nhà văn phòng ở London, hay những căn penthouse đắt đỏ tại New York. Ấn Độ là quốc gia có nhiều tỷ phú thứ hai tại châu Á với 104 người, xếp vị trí thứ 5 trên thế giới, sau Đức và Anh Quốc.
Đông Nam Á sẽ là "nhà máy" tiếp theo của thế giới
Trong bối cảnh chi phí nhân lực và đất đai ngày càng tăng tại Trung Quốc, những mặt hàng gắn mác “Made in Vietnam” hay “Made in Indonesia” dự kiến sẽ xuất hiện nhiều hơn. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang dần chuyển hướng tìm kiếm nhân lực sang các nước láng giềng Đông Nam Á, nơi có mức lương trung bình bằng một nửa kỳ vọng của người lao động Trung Quốc. Xu hướng thuê ngoài đang tác động đến nguồn cầu bất động sản công nghiệp, bao gồm diện tích sản xuất và kho vận để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và cơ sở hạ tầng.
Đánh giá lợi thế của thị trường Việt Nam, ông John Campbell, Tư vấn Cấp cao, Bộ phận Công nghiệp Savills Việt Nam nhận định: “Khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực đến từ chi phí lao động thấp, giá đất tương đối thấp, mức thuế doanh nghiệp ưu đãi, lực lượng lao động năng động, và vị trí địa lý gần những thị trường nguồn, cũng như thị trường mục tiêu”.
Chi phí lao động thấp tiếp tục thu hút những công ty từ Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực thâm dụng lao động. Dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các công ty nước ngoài và nội địa tại Trung Quốc đại lục đang chạy đua để có diện tích sản xuất tại Đông Nam Á.
Là một trong những thị trường công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam là điểm đến thuận lợi đối với nhà đầu tư quốc tế. Ví dụ, thời gian gần đây các đơn vị sản xuất của Apple đã thể hiện mong muốn chuyển dịch hoạt động tới Việt Nam nhằm tránh mức thuế 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc.
Nhân khẩu học đa dạng
Châu Á có sự phân cực rõ ràng trong nhân khẩu học giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia có dân số trẻ và tăng trưởng mạnh, tạo ra nguồn cầu khổng lồ đối với nhà ở và cơ sở hạ tầng.
Nhiều người nói đến việc dân số Nhật Bản đang già hóa, nhưng ít người để ý rằng dân số Trung Quốc cũng đang già hóa nhanh không kém. Tuy nhiên, già hóa dân số không nhất thiết là một vấn đề tiêu cực: Nhật Bản dự kiến sẽ dẫn đầu thế giới trong các giải pháp chăm sóc người cao tuổi - ví dụ như robot Kirobo Mini của Toyota có khả năng trò chuyện và bầu bạn cùng những người cô đơn - và các giải pháp giúp người cao tuổi tiếp tục hoặc trở lại làm việc.
Ấn Độ là một người khổng lồ ngủ quên
Quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đã và đang đi sau Trung Quốc về tăng trưởng và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với bộ máy chính quyền ổn định, thân thiện với doanh nghiệp được thiết lập bởi Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đang bù lại khoảng thời gian đã mất bằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cho ra đời cơ sở lập pháp thúc đẩy kinh tế, bao gồm sự thành lập của một quỹ tín thác bất động sản (REIT).
Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 và được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai tới. Những nhà đầu tư bất động sản lớn nhất trên thế giới nhận thấy điều này và bắt đầu tích cực đầu tư vào các khu văn phòng và kho xưởng.
Châu Á - Thái Bình Dương là "nhà" của những thành phố lớn nhất thế giới
Đô thị hóa là yếu tố cốt lõi nhất tác động đến thị trường bất động sản, và châu Á - Thái Bình Dương đang trong giai đoạn đô thị hóa với tốc độ chưa từng có. Trên thế giới hiện có 45 khu đô thị với hơn 10 triệu dân; 2/3 số đó thuộc châu Á. Trong khi đó, những siêu khu vực như Khu vực Tokyo Bay hay Khu vực Greater Bay ở phía Nam Trung Quốc còn lớn hơn cả các siêu đô thị và sẽ là những điểm tập trung đô thị hóa, tăng trưởng và phát triển.
Tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng
Một trong những đặc tính của nền kinh tế thế giới thế kỷ 21 là sự tăng trưởng của người tiêu dùng châu Á. Dù có GDP bình quân đầu người thấp hơn Mỹ, hàng trăm triệu người châu Á đã gia nhập tầng lớp tiêu dùng với sức mua chưa từng có đối với đồ điện tử, thời trang hàng hiệu và những sản phẩm giải trí khác.
Đến năm 2030, dự đoán có hơn 60% tầng lớp trung lưu của thế giới sẽ sống tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm thị phần lớn hơn Mỹ trong lượng tiêu dùng toàn cầu.
Tên tuổi của nhiều công ty Trung Quốc đang ngày càng được biết đến
Chúng ta quá quen với sự thống trị toàn cầu của những tập đoàn Mỹ và Châu Âu, ai cũng biết đến những thương hiệu như Coca-Cola hay BMW. Tuy nhiên, nhiều công ty Trung Quốc cũng đang mở rộng với danh tiếng và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn.
Hơn 1/5 trong số các công ty Fortune Global 500 năm 2018 có trụ sở chính tại Trung Quốc. Các công ty như Tencent và Alibaba không phải là những thương hiệu thân thuộc trên toàn cầu, nhưng cũng chỉ có ít người chưa từng nghe tới những cái tên này.
Nhu cầu cơ sở hạ tầng quy mô lớn
Sự tăng trưởng dân số, kinh tế và đô thị hóa của khu vực đang tạo ra nguồn cầu rất lớn đối với cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng châu Á chiếm quá nửa lượng cầu đối với cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Trung Quốc có “Sáng kiến Vành đai và Đường bộ” đầy tham vọng, các nước đang phát triển như Ấn Độ và Indonesia cần thêm đường, sân bay và trạm phát điện.
Một châu Á phát triển cần có năng lượng sạch và có thể tái sử dụng, mạng điện thoại 5G và dịch vụ giao hàng trong ngày. Một số quốc gia đang phát triển đang nhảy cóc để bắt kịp các quốc gia phát triển: ví dụ như Ấn Độ xác định mục tiêu dẫn đầu thế giới về phát triển thành phố thông minh.
Châu Á ngày càng là một nhân tố quan trọng trong cải tiến công nghệ
Nền công nghệ châu Á đã qua thời kỳ copy từ các nước phương Tây. Nhật Bản đã là quốc gia tiên phong trong công nghệ hàng thập kỷ nay (Nhật Bản có mạng lưới đường ray cao tốc trước Anh Quốc đến 50 năm) và Trung Quốc hiện đã vượt nhiều quốc gia toàn cầu trong một số lĩnh vực.
Đến nay, khu vực này là thị trường thương mại điện tử lớn nhất và hiện đại nhất, đồng thời hứa hẹn sẽ dẫn đầu trong công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Thách thức lớn nhất đối với các công ty công nghệ là tìm kiếm và giữ chân nhân tài: với hơn năm triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm trong ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), Trung Quốc có nguồn nhân tài lớn nhất thế giới. Theo sau đó là Ấn Độ với 2,5 triệu sinh viên tốt nghiệp STEM mỗi năm.