Aa

11/1 - "ngày sóng gió tranh vương" của Vinaconex

Thứ Năm, 10/01/2019 - 23:00

Đại hội cổ đông bất thường của Vinaconex nhằm bầu nhân sự chủ chốt dự cảm sẽ nhiều phen gay cấn khi mà các phe cổ đông đang nỗ lực không ngừng trong việc giành lợi thế đề cử.

Sau khi chi 7.366 tỷ đồng ôm trọn 254,9 triệu cổ phần tại Vinaconex, đại diện Công ty TNHH An Quý Hưng đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinaconex. Ngày 13/12/2018, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã ban hành Quyết định HĐQT về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh về người đại diện theo pháp luật.

HĐQT Vinaconex phê duyệt đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đỗ Trọng Quỳnh. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Đông giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty.

Cùng với đó, Vinaconex cũng công bố thay đổi người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty cổ phần Vinaconex từ ông Đỗ Trọng Quỳnh sang ông Nguyễn Xuân Đông.

Trong một chia sẻ gần đây, Chủ tịch HĐQT Vinaconex hiện nay, ông Nguyễn Đức Chi cho biết, theo luật định cần tối thiểu 6 tháng nhà đầu tư mới có thể vào được Vinaconex, nhưng đại diện phần vốn góp SCIC cho biết "đã chủ động phối hợp, chấp nhận lời đề nghị hợp lý, hợp tình để tạo điều kiện cho họ vào ngay, giữ vị trí người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc từ sớm”.

Việc bầu nhân sự chủ chốt mới tại Vinaconex cũng đang gấp rút được thực hiện.

Ngày 11/1 tới đây, Vinaconex sẽ tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường bầu nhân sự HĐQT và BKS. Liên quan đến cuộc họp này, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cũng đã bày tỏ lo ngại rằng, các nhóm nhà đầu tư sau đấu giá sẽ khó có thể hòa hợp.

Hiện tại, 3 cổ đông lớn của Vinaconex đã hoàn toàn lộ diện, trong đó, có 2 nhà đầu tư mua cổ phần từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Viễn Thông quân đội (Viettel), 1 nhà đầu tư mua cổ phần từ PYN Elite Fund, quỹ đầu tư Hà Lan.

Tuy nhiên, việc bầu “ngôi vương” và người cầm quyền thật sự tại Vinaconex dự kiến sẽ nhiều tranh cãi như ông Chi dự báo.

Vinaconex chắc phải trải qua một thời gian dài để nội bộ lãnh đạo có thể ổn định trở lại. Nhưng đây là gia đoạn tất yếu mà doanh nghiệp này phải trải qua khi được cổ phần hóa. Có điều đích đến hậu cổ phần hóa về đâu thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ

Cuộc chạy đua lợi thế quyền biểu quyết trước ngày đại hội càng thêm gay cấn

Với 57,71% vốn đang sở hữu, An Quý Hưng đang có lợi thế hơn so với những cổ đông lớn khác. Tuy nhiên, phe cổ đông này chưa hẳn đã nắm trong tay ngôi vương và những quyết sách quan trọng khác của Vinaconex.

Gay cấn ở chỗ, quy chế của Vinaconex, cổ đông lớn (sở hữu trên 5% vốn) phải nắm giữ ít nhất 6 tháng mới có thể đề cử ứng viên HĐQT và BKS. Nếu như vậy An Quý Hưng và Đầu tư Star Invest đều không có quyền đề cử người. Tuy nhiên, như Chủ tịch HĐQT hiện tại của Vinaconex chia sẻ, An Quý Hưng đã được tạo điều kiện nắm vị trí Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật ngay.

Hơn nữa, điều lệ của Vinaconex đề cập, thành viên HĐQT và BKS mới được bầu chỉ khi tối thiểu 65% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua.

Tuy nhiên, quyền lực vẫn chưa chắc chắn cho An Qúy Hưng. Ở một diễn biến khác, Cường Vũ lại có động thái nhờ cổ đông lớn “cũ” đề cử hộ và chờ đến ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua.

Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ là doanh nghiệp trúng lô cổ phần 21,3% vốn Vinaconex từ Viettel với giá hơn 2.000 tỷ đồng, gấp 100 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Cường Vũ được thành lập tháng 11/2017, cùng khoảng thời gian đấu giá cổ phần VCG lần đầu của SCIC diễn ra. Công ty đặt trụ sở tại 64 đường 85, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM, do ông Vũ Xuân Cường làm người đại diện theo pháp luật.

Sau khi, nhận chuyển giao lô 21,3% vốn, doanh nghiệp này đã đề nghị Viettel hỗ trợ gửi đề xuất 4 cá nhân tham gia HĐQT và BKS.

Cường Vũ đề cử ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà vào HĐQT. Theo Tiền Phong đưa tin, ông Nguyễn Quang Trung là Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long. Trong khi đó, ông Thân Thế Hà là Phó Tổng giám đốc Vinaconex và Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Cả 2 cá nhân này đều liên quan đến dự án khu đô thị Bắc An Khánh của Vinaconex. Cường Vũ cũng đề cử 2 cá nhân vào Ban kiểm sát gồm ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh.

Như vậy, thế cục có vẻ đang bị đảo ngược. Như bài trước Reatimes đã đánh giá, “Mua quyền tại Vinaconex”, An Quý Hưng đã “thua ở hiệp hai”.

Trước đó, chiều ngày 24/12, giao dịch cổ phiếu VCG của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG, Vinaconex) gây chú ý với khối lượng lớn được thực hiện ở phía nhà đầu tư ngoại.

Tức 33,9 triệu cổ phiếu VCG đã được khối ngoại bán ra theo phương thức thỏa thuận trong phiên với giá trị hơn 840 tỷ đồng, tương đương gần 25.000 đồng/cp.

Theo số liệu tới trước phiên đấu giá cổ phần VCG của Viettel và Vinaconex, nhà đầu tư nước ngoài hiện nay sở hữu 10,86% vốn cổ phần tại Vinaconex bao gồm PYN Elite Fund (sở hữu 7,1% vốn, tương đương 31,4 triệu cp VCG) và Market Vector Vietnam ETF (sở hữu 1,79% vốn, tương đương 7,9 triệu cp, số liệu cập nhật tại thời điểm 9/11), cùng nhiều nhà đầu tư ngoại cá nhân khác.

Còn nhớ cách đây 1 tháng, hơn 50% cổ phần tại Vinaconex mà SCIC muốn bán ra được quan tâm đặc biệt trên thị trường. Một số diễn biến liên quan đến phiên đấu giá càng đẩy thương vụ mua bán thêm kịch tính.

Tại thời điểm đó, Vinaconex không hấp dẫn nhà đầu tư bằng tên tuổi hay sự tăng trưởng giá trị cổ phiếu; mà là ở quỹ đất và đặc biệt là hơn 50% quyền lực. Đó là lý do có thông tin cho rằng để mua được 57,7% vốn tại Vinaconex, An Quý Hưng cũng đã “sứt đầu mẻ trán” và cũng phải “kêu gọi anh em” hỗ trợ nhiều. Doanh nghiệp này cũng đánh cược chấp nhận trả thêm 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm để mua lô cổ phiếu của SCIC. So với năng lực của An Quý Hưng thì số tiền này không hề nhỏ.

Thế nhưng, mọi chuyện có vẻ đang nằm ngoài dự tính của An Quý Hưng và càng cho thấy nhà đầu tư mua cổ phần của Viettel đang tỏ ra “cao tay”. Theo Điều lệ của Vinaconex, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung Điều lệ, chào bán cổ phiếu, tổ chức lại doanh nghiệp, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn... chỉ được thông qua khi có từ 65% trở lên số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết.

Như vậy, nếu An Quý Hưng thêm gần 8% cổ phần nữa để tăng sở hữu lên 65% thì khi đó nhóm này sẽ có toàn quyền quyết định các quyết sách quan trọng.

Còn ở phía ngược lại, nhà đầu tư mua lại 21,3% cổ phần từ Viettel nếu tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 35% có thể phủ quyết được mọi quyết sách quan trọng do nhóm cổ đông đa số đưa ra. Nếu 2 bên muốn gia tăng sở hữu để củng cố tiếng nói thì người được lợi nhất sẽ là Pyn Elite Fund, cổ đông ngoại đang nắm 7,1% cổ phần.

Nhưng biết đâu phiên đại hội cổ đông bất thường của Vinaconex lại bình yên nếu các bên có thể thỏa hiệp và ngồi lại cùng nhau. Khi đó, miếng bánh “kho đất vàng” của Vinaconex có thể được các bên chia nhau cùng có lợi.

Tuy nhiên, đó chỉ là giả định, và giả định này cũng chưa hẳn là tốt khi mà câu chuyện hậu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đến đúng đích.

Reatimes sẽ tiếp tục cập nhật những nội dung liên quan đến Vinaconex và hậu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top