Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đã chính thức thông báo mua xong 33.455.400 cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG). Trước giao dịch, Star Invest chưa sở hữu cổ phần Vinaconex. Sau giao dịch trên, Star Invest chính thức trở thành cổ đông lớn nắm tỷ lệ 7,57% vốn.
Trước đó, phiên giao dịch chiều 24/12, cổ phiếu VCG gây chú ý khi khối ngoại thực hiện bán thỏa thuận 33,9 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 840 tỷ đồng, tương đương gần 25.000 đồng/cp.
Theo số liệu cập nhật tới tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tổng cộng 10,86% vốn cổ phần tại Vinaconex bao gồm PYN Elite Fund (sở hữu 7,1% vốn, tương đương 31,4 triệu cp VCG) và Market Vector Vietnam ETF (sở hữu 1,79% vốn, tương đương 7,9 triệu cp), cùng nhiều nhà đầu tư ngoại cá nhân khác.
Nhóm cổ đông lớn của Vinaconex đã dần hình thành sau phiên đấu giá bán cổ phần thuộc sở hữu SCIC và Viettel. Cụ thể, An Quý Hưng trở thành cổ đông lớn nhất của Vinaconex sở hữu 57,71% vốn, trong khi doanh nghiệp trúng giá lô cổ phần VCG của Viettel nắm 21,3% vốn và Star Invest là cổ đông lớn tiếp theo nắm 7,57% vốn.
Theo tìm hiểu, Star Invest mới thành lập ngày 9/11/2018 do ông Đặng Thế Anh Đức làm Giám đốc - chỉ vài ngày trước phiên đấu giá cổ phần Vinaconex. Công ty chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Star Invest là công ty đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà ở, tư vấn, môi giới bất động sản, …
Star Invest là một trong những nhà đầu tư tham gia đấu giá lô cổ phần tương đương trên 57% vốn điều lệ Vinaconex thuộc sở hữu của SCIC. Trong bản đăng ký, Star Invest khẳng định công ty có định hướng đầu tư, gắn bó lợi ích lâu dài với Vinaconex.
Doanh nghiệp này cam kết sẽ tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ Vinaconex trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Vinaconex sau khi đấu giá thành công.
Như vậy, trong 3 đơn vị tham gia đấu giá và mua thành công cổ phần của Vinaconex, An Qúy Hưng là đơn vị mua với “giá hớ” nhất khi phải chi hơn hàng nghìn tỷ đồng so với hai đơn vị còn lại. Vinaconex không hấp dẫn nhà đầu tư bằng tên tuổi hay sự tăng trưởng giá trị cổ phiếu; mà là ở quỹ đất và đặc biệt là hơn 50% quyền lực.
Đó là lý do có thông tin cho rằng để mua được 57,7% vốn tại Vinaconex, An Quý Hưng cũng đã “sứt đầu mẻ trán” và cũng phải kêu gọi hỗ trợ nhiều. Doanh nghiệp này cũng đánh cược chấp nhận trả thêm 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm để mua lô cổ phiếu của SCIC. So với năng lực của An Quý Hưng thì số tiền này không hề nhỏ.
Được biết, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của Vinaconex hiệu quả không cao. Hiện, doanh nghiệp này đã có 6 đơn vị đang gặp khó khăn, 7 đơn vị đã tạm dừng hoạt động (trong tổng số 43 danh mục đầu tư). Vinaconex cũng đang có ít nhất 7 dự án đang chậm tiến độ một thời gian dài do vướng các thủ tục và liên quan đến câu chuyện vốn đầu tư.
Theo kết quả kinh doanh mới nhất, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Vinaconex ghi nhận 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017. Tại thời điểm cuối quý III/2018, tổng tài sản Vinaconex đạt 20.170 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng tồn kho chiếm 3.385 tỷ đồng; khoản phải thu ngắn hạn khách hàng gần 4.000 tỷ đồng, giảm khoảng 250 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ vay của Vinaconex hiện chiếm hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 25% cơ cấu nguồn vốn công ty. Cùng với đó, nợ xấu của Vinaconex cũng tăng gần 40% trong những tháng đầu năm 2018, lên hơn 600 tỷ đồng.
Vào ngày 11/1/2019 tới đây, Vinaconex sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường theo đề nghị của cổ đông lớn An Quý Hưng. Nội dung họp dự kiến là việc kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022 và các nội dung khác (nếu có).