Aa

163.800 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng năm 2024

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 10/10/2024 - 19:10

Tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường 9 tháng năm 2024 cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để đánh giá đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ cần có thống kê về số lượng doanh nghiệp thực hoạt động, có phát sinh thuế hằng năm.

Tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 121.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.158,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 735.000 lao động, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký và giảm 3,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh doanh nghiệp thành lập mới, cả nước còn có hơn 61.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2024 lên gần 183.000 doanh nghiệp, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân mỗi tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động ghi nhận khả quan, song trong 9 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng tăng đáng kể.

Theo đó, 9 tháng qua ghi nhận hơn 86.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; 15.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%.

Bình quân mỗi tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường 9 tháng năm 2024 là 89,7%. Tỷ lệ này cao nhất trong 6 năm trở lại đây (2019 là 50,3%; 2020 là 56,8%; 2021 là 74,9%; 2022 là 68,7% và 2023 là 79,3%).

Theo Ủy ban Kinh tế, để đánh giá đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ cần có thống kê về số lượng doanh nghiệp thực hoạt động, có phát sinh thuế hằng năm. Ngoài ra, cơn bão số 3 Yagi đã có những ảnh hưởng nặng nề lên nền sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt dẫn đến sự chậm trễ ở các dây truyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời. Hệ quả là sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI trong tháng 9 đã giảm xuống còn 47,3 điểm từ mức 52,4 điểm trong tháng 8, kết thúc thời kỳ mở rộng các điều kiện sản xuất 5 tháng liên tiếp.

"Đề nghị Chính phủ cập nhật kịp thời thiệt hại từ thiên tai, bão lũ, đặc biệt là của cơn bão số 3 (Yagi) tới 26 tỉnh miền Bắc và có giải pháp hữu hiệu trước mắt và lâu dài trong việc ứng phó với thiên tai, không làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ. Chính phủ cũng cần báo cáo rõ hơn về việc đã và sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau bão số 3 Yagi, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ du lịch", báo cáo của cơ quan thẩm tra nêu rõ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top