Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, dù áp lực lạm phát đã hạ nhiệt so với thời điểm cuối quý I, NHNN sẽ thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ hiện tại với mức độ hỗ trợ vừa phải (tập trung vào việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp), trong khi tăng trưởng tín dụng mục tiêu sẽ ổn định tương đương mức tăng giai đoạn trước dịch (quanh 12% - 14%).
Việc lượng lớn tiền đồng (ước tính vào khoảng 175.000 tỷ đồng) sẽ chảy vào thanh khoản hệ thống vào đầu quý 3 thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn USD được tiến hành vào đầu năm sẽ giúp thanh khoản hệ thống quay trở lại trạng thái dồi dào, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt và kênh OMO sẽ tiếp tục không được sử dụng thường xuyên trong nửa cuối năm.
Trong khi nguồn cung tín dụng sẽ không có biến động đáng kể với chính sách điều hành thận trọng xuyên suốt và mang tính hỗ trợ vừa phải của NHNN, cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ chịu tác động tiêu cực bởi làn sóng Covid-19 hiện tại.
Các số liệu về hoạt động sản xuất và tiêu dùng đã cho thấy sự suy yếu trong tháng 6 và không loại trừ khả năng tiếp tục sụt giảm trong quý III hoặc các quý về sau nếu dịch bệnh không được đẩy lui.
Trong 3 kịch bản NHNN đưa ra cho tăng trưởng tín dụng 2021, kịch bản tiêu cực nhất dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ chỉ đạt trong khoảng 7 - 8%. Như vậy, trong khi nguồn cung tín dụng ổn định, thanh khoản hệ thống dồi dào, việc cầu tín dụng suy yếu cùng với rủi ro lạm phát ở mức thấp sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay khó tăng mạnh.
Dù vậy, KBSV cho rằng việc lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và có thể khiến lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài sẽ nhích nhẹ 0,1 - 0,25%.