Aa

2 tháng nữa, tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sẽ khởi công dự án nhà máy điện khí LNG hơn 47.000 tỷ

Thứ Sáu, 25/07/2025 - 09:55

Dự án có công suất thiết kế 1.500MW, do liên danh ba nhà đầu tư gồm Công ty TNHH Tokyo Gas (Nhật Bản), Tập đoàn quốc tế Kyuden (Nhật Bản) và CTCP Công nghiệp Trường Thành Việt Nam thực hiện.

Theo Báo Hưng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng mới đây đã chủ trì cuộc họp UBND tỉnh nhằm nghe báo cáo và cho ý kiến về tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Thái Bình.

Theo đó, dự án có công suất thiết kế 1.500MW, do liên danh ba nhà đầu tư gồm Công ty TNHH Tokyo Gas (Nhật Bản), Tập đoàn quốc tế Kyuden (Nhật Bản) và CTCP Công nghiệp Trường Thành Việt Nam thực hiện.

Diện tích sử dụng khoảng 269,43ha (bao gồm cả đất liền và mặt nước) với tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD). Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 298,6 triệu USD (chiếm 15%), được phân bổ theo tỷ lệ gồm Tokyo Gas 40%, Kyuden 30% và Trường Thành Việt Nam 30%. Phần còn lại sẽ huy động từ các nguồn vốn khác.

Hình ảnh tại buổi làm việc. Nguồn ảnh: Báo Hưng Yên

Hình ảnh tại buổi làm việc. Nguồn ảnh: Báo Hưng Yên

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tính đến ngày 22/7, nhiều hạng mục quan trọng của dự án đã được các sở, ngành, địa phương phối hợp với nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ.

Riêng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hiện mới chi trả được khoảng 2,2ha trong tổng số 57ha đất trên bờ. Phần diện tích còn lại bao gồm đất nuôi trồng thủy sản, đất giao thông, đất ở trong khu dân cư, đất công ích 5% đang được khẩn trương kiểm đếm, xác minh nguồn gốc và lập hồ sơ phương án bồi thường theo quy định.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng giao Ban Quản lý Khu kinh tế Thái Bình chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cùng các Sở, ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý, bảo đảm đủ điều kiện để khởi công dự án trong tháng 9/2025.

Được biết, dự án này được UBND tỉnh Thái Bình (trước khi sáp nhập) chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư từ tháng 12/2023.

Về công nghệ, nhà máy sử dụng tuabin khí chu trình hỗn hợp (Combined Cycle Gas Turbine – CCGT), vận hành khoảng 6.000 giờ mỗi năm, dự kiến sản xuất khoảng 9 tỷ kWh/năm.

Tỷ lệ điện tự dùng ở mức 2,8%. Theo đánh giá, công nghệ CCGT phát thải CO2 và NOx chỉ bằng một nửa so với công nghệ nhiệt điện than hiện đại sử dụng siêu tới hạn (USC), đồng thời không phát thải SO2.

Nhờ đó, nhà máy sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường và hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Về nhiên liệu, nhà máy dự kiến tiêu thụ 1,2 triệu tấn LNG nhập khẩu mỗi năm, bên cạnh khoảng 17.000 tấn dầu diesel/năm sử dụng làm nhiên liệu dự phòng được cung cấp từ nguồn nội địa.

LNG sẽ được nhập khẩu từ các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới như Úc, Qatar, Hoa Kỳ, Nga... với cam kết giá cả cạnh tranh.

Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Hưng Yên chính thức sáp nhập với tỉnh Thái Bình. Sau sáp nhập, Hưng Yên mới trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, với tổng diện tích chỉ khoảng 2.514,81km2.

Dù diện tích hạn chế, tỉnh này lại có dân số vượt 3,56 triệu người, đưa mật độ dân số lên khoảng 1.400 người/km2 - thuộc nhóm cao nhất tại Việt Nam hiện nay.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top