Đầu tư nước ngoài tăng cao nhất trong vòng 9 năm
Số liệu thống kê từ công ty tư vấn BĐS hàng đầu thế giới CBRE cho thấy tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, đã đổ vào thị trường nhà đất Singapore là khoảng 6,2 tỷ USD, con số kỷ lục kể từ năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.
Theo đó, trong tổng giá trị toàn bộ giao dịch đầu tư trên thị trường BĐS Singapore thì sản lượng đầu tư nước ngoài đã chiếm đến 6,2 tỷ USD, tương ứng với khoảng 41,7%. Con số này được đánh giá là đã tăng 62% so với lượng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường này trong năm 2015, chỉ đạt 3,8 tỷ USD. Và khi so sánh với mức 3,2 tỷ USD trong năm 2014 thì con số 6,2 tỷ dường như đã tăng gần gấp đôi.
Điểm mặt một số giao dịch đình đám trên thị trường Singapore ta cũng có thể cảm nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ như thế nào trong lượng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp BĐS nước này.
Đầu tiên phải kể đến đó là thương vụ “khổng lồ” của Quỹ đầu tư quốc gia Qatar. Trong tháng 6 vừa qua, ông lớn nhà giàu này đã mạnh tay vung khoảng 2,4 tỷ USD để mua lại “siêu” dự án Asia Square Tower One tại vịnh Marina của Singapore.
Tiếp đó là đến đại gia Malaysia, Wealthy Link, một đơn vị thuộc Tập đoàn đầu tư BĐS IOI. Công ty này đã phá kỷ lục đầu thầu tại quốc đảo sư tử khi chiến thắng gói thầu đất trống xây dựng tại vùng miền Trung Boulevard, cũng thuộc vịnh Marina hồi tháng trước với tổng giá trị lên đến 1,8 tỷ USD.
Không thể không kể đến đó là Qingjian Realty, một công ty đầu tư BĐS Trung Quốc với việc mua lại dự án Shunfu Ville tại Singapore với tổng giá trị gần 448 triệu USD. Ngoài ra, “tay đầu tư nhà đất” này còn giành được cho mình gói thầu là một khu vực phát triển phức hợp tại phía Tây Bukit Batok, có giá trị lên đến 211,3 triệu USD.
Có thể thấy lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các giao dịch mua bán và xây dựng trên thị trường BĐS Singapore đã tăng nhanh chóng và đạt mốc kỷ lục trong vòng 9 năm nay kể từ năm 2007.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào thị trường nước này xuất phát từ quan điểm, hay nói chính xác hơn là tâm lý của các nhà đầu tư cho rằng Singapore là một điểm đến an toàn trong bối cảnh một thị trường nhà đất toàn cầu đầy rẫy những sự không chắc chắn.
“Thị trường toàn cầu đã, đang và sẽ còn những biến động, dư âm của Brexit, vị Tổng thống Mỹ kế nhiệm Donald Trump và những bất ổn trong khu vực dầu mỏ, khi đốt. Điều này sẽ càng khiến giới đầu tư lựa chọn Singapore cho lối chơi phòng ngự của mình nhờ sức mạnh tự bảo vệ của đồng đô la Sing”, Christine Li, giám đốc nghiên cứu của Cushman & Wakefield, công ty hàng đầu trong lĩnh vực BĐS thương mại, cho biết.
JLL cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng với những nỗ lực hạ nhiệt tại nhiều thị trường BĐS đã tạo áp lực lên khu vực BĐS thời gian gần đây. “Trong thời gian này, các thị trường lớn khác trong khu vực Châu Á đã trải qua giai đoạn tăng trưởng cao của thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ đến giai đoạn tiếp theo sẽ là một đường dốc đi xuống. Chính điều này đã thúc đẩy Singapore, thị trường đang trong quá trình tăng trưởng, trở thành một gợi ý đầu tư hấp dẫn”, Greg Hyland, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn tại JLL Singapore, cho biết.
Trong số các phân khúc hút vốn đầu tư nước ngoài tại thị trường nhà đất đảo quốc sư tử thì văn phòng là lĩnh vực đón nhận được lượng vốn này nhiều nhất. Các giao dịch văn phòng đã giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư ngoại tại Singapore lên mức cao nhất kể từ năm 2007.
Theo ghi nhận của CBRE, giao dịch có vốn nước ngoài trong lĩnh vực văn phòng đã chiếm 4,75 tỷ USD trong tổng số 6,2 tỷ USD toàn thị trường, tương đương với tỷ lệ là 76,5%.
“Trong khoảng 3 đến 5 năm tới, có rất ít không gian văn phòng được hoàn thành và tung ra thị trường. Vì vậy, vào thời điểm khan hiếm nguồn cung cộng với việc nhu cầu cho thuê tăng cao như hiện nay, rất nhiều các nhà đầu tư đang chớp lấy cơ hội này”, Jeremy Lake, giám đốc điều hành bộ phận tài sản đầu tư tại CBRE Singapore cho biết.
Dựa trên những đánh giá về dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Singapore trong năm 2016, các chuyên gia nhận định năm 2017 lượng vốn này sẽ tiếp tục giữ vững phong độ và có thể hơn thế.
Nhu cầu nhà ở tư nhân của người nước ngoài tiếp tục tăng cao
Số lượng người mua nước ngoài đối với sản phẩm nhà ở tư nhân tại Singapore trong 9 tháng đầu năm 2016 đã tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu là những khách hàng đến từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Hoa Kỳ. Trong đó, người mua Trung Quốc được đánh giá là hoạt động tích cực nhất, chiếm 29,4% tổng lượng doanh thu bán hàng cho người nước ngoài, tiếp sau đó là Indonesia với 14,6%.
“Khách hàng từ Trung Quốc đã vượt qua Indonesia để trở thành nhóm khách hàng “quen” của thị trường nhà ở Singapore từ năm 2010. Điều này có thể xuất phát từ xu hướng phát triển nhanh chóng của giới trung lưu và thượng lưu đại lục cùng với việc họ ngày càng trở nên quen thuộc hơn với những động thái trên thị trường nhà ở Singapore”, trích nghiên cứu của JLL.
Người Mỹ bắt đầu tỏ thái độ quan tâm đến thị trường nhà ở Singapore bằng số lượng giao dịch đã đạt con số 57 trong 3 quý đầu năm 2016. Tuy chỉ chiếm 7,3% trong tổng doanh thu bán hàng cho khách hàng nước ngoài và chỉ đứng ở vị trí thứ 4 trong 4 quốc gia có lượng khách hàng đặt mua sản phẩm nhà ở nhiều nhất tại Singapore, nhưng điều này đã cho thấy một sự gia tăng đáng kể trong tỷ lệ khi so sánh với con số khiêm tốn 1,1% trong năm 2011.
Dựa trên những khảo sát thị trường nhà ở trong năm 2016, JLL dự báo rằng xu hướng phục hồi về nhu cầu mua nhà ở của người nước ngoài tại Singapore trong năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, những sản phẩm trên thị trường các thành phố lớn được dự kiến sẽ hút khách.