Aa

2017, tín dụng BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ

Chủ Nhật, 15/01/2017 - 07:00

Nhận định về thị trường BĐS Việt Nam thời gian tới, chuyên gia BĐS cho rằng ngoài những cơ hội như tình hình kinh tế vĩ mô, tốc độ đô thị hóa... vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến nguồn vốn và chính sách sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS 2017 sẽ không có những cú “bứt tốc” như vài năm trước mà thay vào đó là sự ổn định, phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững. Đây cũng chính là năm bản lề cho sự phát triển của thị trường BĐS nhà ở đặc biệt hướng tới mục tiêu cho năm 2020.

Ông Hà cho biết, sự phát triển này thể hiện ở nhiều cơ hội. Tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2017 tiếp tục được cải thiện nên thị trường nhà ở sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Cụ thể, hiện nay, Việt Nam có lượng dân số lớn thứ 14 trên thế giới. Dân số Hà Nội ước tính đạt 7 – 8,2 triệu người vào năm 2020, đến năm 2030 là 9,3 triệu người cũng là nguyên nhân thúc đẩy thị trường nhà ở tiếp tục phát triển.

Về tốc độ đô thị hóa, ông Hà cho biết đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS nhà ở phát triển đẩy mạnh nhu cầu sở hữu nhà ở đặc biệt là tại Hà Nội. Với 35%, Việt Nam đang là một trong các nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực châu Á.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS 2017 sẽ không có những cú “bứt tốc” như những năm trước mà thay vào đó là sự ổn định, phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS 2017 sẽ không có những cú “bứt tốc” như những năm trước mà thay vào đó là sự ổn định, phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững.

Cũng theo ông Hà, Luật Nhà ở được sửa đổi đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Cùng với việc nới lỏng điều kiện sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, thị trường BĐS Việt Nam được nhìn nhận có nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư và tạo ra chuyển biến tích cực cho tất cả các phân khúc, đặc biệt là nhà ở.

Bên cạnh đó, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS, xây dựng, đấu thầu… hứa hẹn sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong năm 2017. Ngoài ra, năng lực điều hành và vận dụng hệ thống pháp luật của Chính phủ và các bộ ngành sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS…

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, bên cạnh những cơ hội, thị trường BĐS 2017 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, năm 2017, tín dụng BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo đúng lộ trình của Thông tư 06 (thay thế Thông tư 36 của NHNN) với mục tiêu nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh BĐS từ 150% lên 200% và đưa ra lộ trình hạn chế dần việc sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Theo ông Hà, nguồn vốn tín dụng luôn được xem là có vai trò quyết định để phát triển thị trường BĐS với ước tính cơ cấu vốn chiếm 70% - 80% giá trị. Năm 2017, nguồn vốn này có thể bị thu hẹp hơn nhiều so với năm 2015 – 2016 do khó khăn về nguồn vốn trung và dài hạn, trong khi các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017.

Tình trạng một số doanh nghiệp BĐS đang nhận nguồn vốn tín dụng lớn và huy động nhiều nguồn vốn xã hội, trong đó có người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp cũng là những nhân tố tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Theo ông Hà, đây là biến số tác động đến thị trường BĐS trong chu kỳ 2017 - 2021.

Ngoài ra, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi dù mới là định hướng nhưng trong tương lai là tất yếu sẽ có tác động đến thị trường BĐS. Cùng với đó là việc tăng thuế nhà đất đối với các khu vực đô thị, các thành phố lớn… cũng là rào cản ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thị trường nhà ở. 

Yếu tố bất định của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được ông Hà đánh giá sẽ là thách thức đối với thị trường BĐS Việt Nam 2017. Theo đó, Mỹ có khả năng chưa (hoặc không) phê chuẩn, hoặc đàm phán lại và nhân tố Trung Quốc với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dự kiến trở thành hiện thực. Điều này sẽ tác động đến sự chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam, chuyển dịch dòng vốn đầu tư và cũng sẽ tác động trực tiếp đến thị trường BĐS trung và dài hạn. 

năm 2017, tín dụng BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo đúng lộ trình của Thông tư 06

năm 2017, tín dụng BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo đúng lộ trình của Thông tư 06

Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng, xét về toàn cục, gồm cả BĐS nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng, tài sản có giá trị 5 – 7 tỷ đồng thậm chí hàng chục tỷ đồng đang tăng lên và có nguy cơ đe dọa sự cân bằng của thị trường. 

Theo nhận định của Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong năm 2017 và sang đến năm 2018, tốc độ của nguồn cung mới cho phân khúc hạng sang và cao cấp được bổ sung vào thị trường có thể chậm lại khi tâm lý thị trường giảm nhiệt.

Dựa trên những dự báo về thách thức cho thị trường BĐS trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Mạnh Hà đã đưa ra những đề xuất liên quan đến việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường và xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thị trường BĐS một cách thống nhất.

Cụ thể, ông Hà đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị theo Luật Nhà ở 2014 vào cuộc sống; Thành lập ngân hàng tiết kiệm (tham khảo từ quỹ tiết kiệm nhà ở Bausparkassen của Đức) để người dân chủ động tham gia tạo nguồn vốn cải thiện nhà ở của bản thân.

Bên cạnh đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ vận động các doanh nghiệp góp vốn thành lập quỹ đầu tư BĐS, hoạt động theo pháp luật chứng khoán nhằm tạo dòng tiền đầu tư cho thị trường BĐS, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng cũng như tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu có thể đầu tư vào thị trường BĐS. Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị Ngân hàng nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước ủng hộ và hướng dẫn các thủ tục có liên quan.

Ngoài ra, ông Hà cho rằng cần minh bạch hóa thông tin thị trường qua việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thị trường BĐS. Theo ông Hà, hiện nay, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS đã được quy định trong Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS và Nghị định số 76/2015NĐ-CP.  Tuy nhiên đến nay, hệ thống này vẫn chưa được xây dựng và đi vào vận hành trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có thông tin chính xác về thị trường để điều tiết kịp thời, hoạch định chính sách, các chủ đầu tư cần có thông tin để quyết định đầu tư chính xác, người dân cần thông tin để quyết định mua/bán…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top