Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hà đánh giá, vấn đề chính sách nhà ở thu nhập thấp đã được đặt ra từ lâu. Từ năm 2015, Luật Nhà ở mới được Quốc hội thông qua đã có quy định về phát triển NƠXH. Ở nông thôn, chương trình này được thực hiện khá tốt, có nhiều chính sách như chương trình 134 – nhà ở cho người miền núi, nhà ở cho khu vực ngập lụt Đồng bằng Sông Cửu Long, nhà ở cho người nghèo ở nông thôn…
Năm 2013, Chính phủ có Nghị quyết 02, dành 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Về cơ bản chương trình này đã hoàn thành. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, hiện đã giải ngân xong 30 nghìn tỷ. Thông qua chương trình này, có khoảng 50.000 hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở. Đây là chương trình rất thành công, không chỉ giúp người thu nhập thấp có nhà ở mà còn hỗ trợ thị trường BĐS trong giai đoạn 2008 – 2009.
Ông Hà cho biết, chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp tiếp tục được đưa vào luật 2014, Luật Nhà ở được Quốc hội sửa đổi có quy định việc giành nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo tại khu vực đô thị tại Nghị định 100, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thực hiện, Ngân hàng CSXH cũng đã có thông tư hướng dẫn là hiện nay lãi suất cho vay mua NOWXXH là 4,5%/năm. Tuy nhiên, nguồn để thực hiện gói hỗ trợ này chưa có.
Để giải quyết nhà ở cho dân, đặc biệt là nhà ở thu nhập thấp, ông Hà cho rằng ngoài chính sách về NƠXH thì việc phát triển quỹ nhà ở cho thuê và chính sách cho thuê cũng rất quan trọng, là một trong những điều trăn trở của những nhà hoạch định chính sách. Ở các nước phát triển, việc giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn chủ yếu là nhà ở cho thuê. “Bản thân tôi từng tham gia xây dựng chính sách nhà ở thì thấy, đối với các nước, nhà ở cho thuê chiếm tỷ trọng rất lớn như Đức chiếm 70%. Còn tại Việt Nam, theo thống kê năm 2009, chỉ có 14% nhà ở cho thuê, chủ yếu là thuê tư nhân, nhà nước không còn nhà cho thuê nữa”, ông Hà cho biết.
Ông Hà nói: “Khi làm chính sách, chúng tôi quy định, trong quỹ NƠXH phải dành 20% để cho thuê. Việc cho thuê bây giờ bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố như lãi suất, lạm phát… cho nên không khuyến khích được chủ đầu tư.
Đặc biệt nhà ở cho công nhân tại các KCN lại càng khó khăn. Đây là vấn đề cần sự nghiên cứu sâu hơn, đẩy mạnh hơn nữa nhà ở cho thuê mới có thể giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân tại khu vực đô thị. Chính sách thì có rồi nhưng tôi cho rằng chính sách về nhà ở cho thuê cần đồng bộ hơn đặc biệt là vấn đề thuế, thuế thu nhập, thuế đầu tư… phải mạnh hơn”.
Theo ông Hà, hiện nay đối với nhà cho thuê, Luật nhà ở đã có quy định sau 5 năm được bán nhưng việc thực hiện quy định này vẫn chưa mạnh mẽ.
Về tiềm năng phát triển của BĐS ngoại vi, ông Hà cho rằng BĐS nhà ở cho công nhân còn nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện nay, chúng ta có khoảng trên 284 KCN trên cả nước, thu hút khoảng hơn 3 triệu lao động trong khi nhà ở cho công nhân chủ yếu vẫn đi thuê của dân, hầu như không có hạ tầng… Chính phủ đã có Nghị quyết 18 phát triển nhà ở cho công nhân năm 2009 nhưng chúng ta chưa huy động được nguồn lực trong dân để thực hiện, việc triển khai nghị quyết vẫn dậm chân tại chỗ.
“Vì sao BĐS du lịch thời gian qua phát triển mạnh? Chủ yếu là nhờ nguồn vốn của dân. Vốn dân rất mạnh nhưng chúng ta chưa thu hút được để phát triển nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, cách triển khai sản phẩm condotel trên thị trường BĐS du lịch là làm rồi cho thuê, tôi cho là hình thức có thể áp dụng cho phân khúc nhà ở cho thuê”, ông Hà nhấn mạnh.