Báo cáo của CBRE cho biết, tỷ lệ trống thị trường bán lẻ của quý này giảm 7,7 điểm phần trăm theo quý và 5 điểm phần trăm theo năm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự cải thiện này là do tỷ lấp đầy cao ở những dự án mới.
Ngoài ra, việc đóng cửa Trung tâm Thương mại Tổng hợp vốn có tỷ lệ trống cao cũng góp phần làm tăng tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường. Gíá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại tại Hà Nội giảm 7,6% so với quý trước do giá thuê vùng ngoại thành sụt giảm.
Bên cạnh đó, việc Trung tâm Thương mại Tổng hợp đóng cửa dẫn tới nguồn cung trên thị trường còn 758.216m2, tương đương với tăng 4,9% so với quý trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhìn chung, CBRE Việt Nam đánh giá, thị trường bán lẻ Hà Nội tương đối trầm lắng trong 6 tháng đầu năm và trở nên sôi động hơn trong nửa năm còn lại với 3 dự án đáng chú ý. Những trung tâm thương mại không thành công đã phải đóng cửa, di dời hoặc sắp xếp lại để cải thiện tình hình hoạt động. Điều này càng nhấn mạnh hơn tầm quan trọng trong việc xác định lĩnh vực, khách hàng mục tiêu và cơ cấu người thuê một cách hợp lý.
CBRE cho rằng, quỹ đất ở khu vực trung tâm rất hạn chế, vì vậy, xu hướng dịch chuyển ra vùng ngoại ô được dự đoán vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm tới. Lượng cung trong năm 2017 rơi vào khoảng 106.000 m2, toàn bộ đều ở khu vực ngoại thành, góp phần làm tăng thêm tính cạnh tranh của khu vực này.
Có thể nói, năm 2016 được xem là 1 năm khá sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là những bước chân của các doanh nghiệp ngoại từ các thương vụ mua bán đang dần chiếm lĩnh thị trường.
Theo dự báo của CBRE, thị trường bán lẻ tại Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng trong năm 2017 được kỳ vọng với sự gia nhập của các nhà bán lẻ mới và sự tăng cường đầu tư, đặc biệt là từ nước ngoài trong đó có Thái Lan.
Các nhà bán lẻ Thái Lan đang có dấu hiệu gia tăng sự quan tâm tới thị trường bán lẻ Việt Nam, thể hiện qua 2 thương vụ sát nhập đáng chú ý trong năm vừa qua, đó là tập đoàn của Thái Lan mua lại cả 2 hệ thống siêu thị hàng đầu tại Việt Nam là Metro và Big C.
Theo thống kê của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hơn 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang thuộc về các doanh nghiệp Thái Lan. Bên cạnh đó, năm 2016 vừa qua thị trường bán lẻ Việt Nam còn chứng kiến sự chiếm lĩnh của các doanh nghiệp Nhật Bản, khi mà họ đã hoàn thành công đoạn cuối cùng của thế trận "Kiềng ba chân": trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Trong đó cửa hàng tiện lợi được xem là kênh chủ lực, hiện số lượng đã cán mốc hơn 200 cửa hàng. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường cho dù cạnh tranh tăng cao cho cả các nhà bán lẻ và các nhà đầu tư.