Aa

20ha “đất vàng” di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ làm gì?

Thứ Tư, 26/04/2017 - 14:01

Kiểm tra đột xuất dự án Thanh Hà Cienco 5; 20ha “đất vàng” di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ làm gì?; Đất phía Tây Sài Gòn tăng giá gấp đôi trong 4 tháng; Thanh tra toàn diện dự án Usilk City: Hơn 1 năm vẫn chưa công bố kết luận!; Khi xảy ra tranh chấp.. cư dân nên làm gì, gặp ai để đòi quyền lợi? … là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

20ha “đất vàng” di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ làm gì?

Liên quan đến việc mới đây tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo quận Long Biên kiến nghị TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cùng các ngành liên quan sớm di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm để sử dụng quỹ đất phù hợp với quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận và thành phố. Điều mà dư luận quan tâm hiện nay là nếu di dời thì khu đất “vàng” 20ha này sẽ được làm gì? 

 Theo tìm hiểu hiện khu đất nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm ở vị trí trung tâm của quận Long Biên, địa giới hành chính thuộc phường Gia Thuỵ và Ngọc Lâm. Theo quy hoạch phân khu, vị trí đất nhà máy xe lửa Gia Lâm đang sử dụng thuộc ô quy hoạch A6/CCTP có chức năng đất công cộng của thành phố.

aa

Lãnh đạo ngành đường sắt cho hay, họ chưa có ý kiến phản hồi chính thức vì việc di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm mới chỉ là đề xuất của lãnh đạo cấp quận.

Đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho biết, khu đất nhà máy xe lửa Gia Lâm có tổng diện tích 20 ha, trong quy hoạch đã tính đến việc di dời ra vị trí khác. Tuy nhiên, đề xuất trên của quận Long Biên cần có thêm thời gian để các cấp ngành của thành phố nghiên cứu.

Cũng theo đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc, hiện mới có ý tưởng chuyển đổi quỹ đất nhà máy này sau khi di dời thành đất công cộng, trong đó có bảo tàng ngành đường sắt. “Ý kiến của lãnh đạo thành phố tại buổi làm việc cũng đồng tình với kiến nghị của quận Long Biên vì đây là cơ sở ô nhiễm nằm giữa trung tâm quận này. Tuy nhiên, việc di dời cần phải có lộ trình, dựa trên những đề xuất hợp lý. Và thời gian tới thành phố sẽ làm việc với cơ quan chủ quản thống nhất việc di dời nhà máy, vì  đây là đề xuất phù hợp với quy hoạch của thành phố”, vị cán bộ cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho hay: “Các đề xuất về việc di dời nhà máy chỉ là đề xuất của quận, chưa phải chủ trương của cấp có thẩm quyền. Còn trong trường hợp chuyển đổi vị trí khác cần phải có vị trí phù hợp hơn và về nguyên tắc là không làm tăng chi phí”.

Cũng theo ông Minh, đến nay ngành Đường sắt chỉ có 2 cơ sở công nghiệp lớn là Gia Lâm (Hà Nội) và Dĩ An (Bình Dương), đã được quy hoạch phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt, trường hợp có thay đổi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xem chi tiết tại đây.

Kiểm tra đột xuất dự án Thanh Hà Cienco 5

Thông báo do Chánh thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng ký nêu rõ: Đoàn kiểm tra do Thanh tra Sở Xây dựng chủ trì tiến hành kiểm tra công trình xây dựng tại dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco 5.

Đoàn kiểm tra sẽ thực hiện kiểm tra điều kiện khởi công xây dựng công trình (hồ sơ pháp lý của dự án), kiểm tra việc thi công xây dựng công trình theo hồ sơ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng.

Một góc Khu đô thị Thanh Hà. Ảnh: Trần Kháng.

Một góc Khu đô thị Thanh Hà. Ảnh: Trần Kháng.

Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện kết luận Thanh tra số 21 ngày 1/12/2016 của Sở Xây dựng Hà Nội và việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại nội dung văn bản số 12591 ngày 31/12/2016 của UBND TP Hà Nội.

Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư có báo cáo về quá trình thực hiện dự án, hiện trạng xây dựng công trình và các nội dung được kiểm tra về Sở Xây dựng trước ngày 26/4.

Xem chi tiết tại đây.

Đất phía Tây Sài Gòn tăng giá gấp đôi trong 4 tháng

Tại huyện Bình Chánh, cuối năm 2016, giá lô đất nông nghiệp 4.000 m2 đường nội bộ ở xã Tân Nhựt được chào giá 500.000 đồng mỗi m2. Đến tháng 4/2017, khu đất này đã thiết lập mặt bằng giá mới, một triệu đồng mỗi m2, tăng gấp đôi chỉ trong 4 tháng qua.

Đất nông nghiệp tại Bình Chánh tăng giá gấp đôi chỉ trong 4 tháng qua. Ảnh: V.L.

Đất nông nghiệp tại Bình Chánh tăng giá gấp đôi chỉ trong 4 tháng qua. Ảnh: V.L.

Các tuyến đường có giá đất tăng mạnh gấp 1,5-2 lần tại huyện vùng ven này gồm có: Quách Điêu, Nữ Dân Công, Võ Văn Vân... nhưng đa số là đất nông nghiệp, thổ cư rất ít. Điều đáng chú ý là trên địa bàn này vẫn xuất hiện bất động sản giao dịch bằng giấy tay, đất có pháp lý hoàn chỉnh khá ít. Giá đất liên tục thay đổi do người bán tự nâng lên, song khách vẫn sang tay nhiều lần.

Trong khi đó, quận 12 cũng ghi nhận biến động giá đất 4 tháng đầu năm. Tên đường Thạnh Lộc, chỉ là hẻm bê tông, lô đất 64m2, cuối năm 2016 có giá 900 triệu đồng, đến đầu tháng 4/2017 đã được mua bán với giá 1,4 tỷ đồng, tăng 500 triệu đồng sau 4 tháng, vị chi leo thang lên 1,5 lần. Giữa tháng 4, lô đất này tiếp tục được giao dịch 1,5 tỷ đồng, khách mua sang tay ăn chênh lệch 100 triệu đồng chỉ trong 10 ngày.

Xem chi tiết tại đây.

Thanh tra toàn diện dự án Usilk City: Hơn 1 năm vẫn chưa công bố kết luận!

Việc thanh tra dự án Usilk City (phường La Kê, quận Hà Đông) do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố sau hơn một năm tiến hành thanh tra. Cụ thể, cuối tháng 2/2016, UBND TP. Hà Nội giao Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện đối với dự án Usilk City theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Hàng loạt các công trình thuộc dự án Usilk City bỏ hoang khiến hàng nghìn khách hàng mua căn hộ tại đây lao đao.

Hàng loạt các công trình thuộc dự án Usilk City bỏ hoang khiến hàng nghìn khách hàng mua căn hộ tại đây lao đao.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội tại thời điểm đó, nhiều nhóm khách hàng mua nhà tại dự án này liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng của thành phố tố cáo Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long có các dấu hiệu vi phạm pháp luật như huy động vốn tại dự án không đúng; không sử dụng đúng mục đích số tiền huy động, tiến độ bị chậm trong nhiều năm.

Sở Xây dựng khẳng định, đây là dự án có quy mô đầu tư lớn, chủ đầu tư đã bán và thu rất nhiều tiền của khách hàng. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng đối với xã hội là nghiêm trọng nếu chủ đầu tư không hoàn thành dự án.

Trước việc im lặng của cơ quan thanh tra, đại diện hàng nghìn khách hàng là nạn nhân trong dự án đã làm đơn đề nghị cung cấp kết luận thanh tra toàn diện dự án tới Thanh tra TP. Hà Nội và cơ quan chức năng.

Xem chi tiết tại đây.

TP. HCM: Xác định chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc tất cả các chung cư cũ

Cũng theo UBND thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần đề xuất trình UBND thành phố xem xét nếu trong quá trình thực hiện có những khó khăn vướng mắc.

UBND các quận có liên quan được giao phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan xác định các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc tất cả các chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng cần xây dựng mới; tổ chức công bố, công khai và phân nhóm kêu gọi đầu tư (kết hợp các chung cư cần sửa chữa, không phải xây dựng mới).

Trên cơ sở kết quả kiểm định và việc xác định các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc cho các chung cư cũ trước năm 1975, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận có liên quan thực hiện theo Khoản K, Điều 1 Quyết định số 1017/QĐ-UBND ngày 11/3/2017 của UBND thành phố về ủy quyền, phân công cho UBND quận có liên quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây trước năm 1975. Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, nhiều chung cư có nguy cơ sụp đổ cao, được kiểm định là hư hỏng nặng hoặc bị xếp loại nguy hiểm cấp D (cấp cao nhất).

Xem chi tiết tại đây.

Ai “chống lưng" cho chủ đầu tư dự án Tân Bình Apartment?

Theo quyết định ngày 8/8/2014, do Sở Xây dựng TP. HCM ban hành, dự án Tân Bình Apartment gồm 2 block, cao 14 tầng (không kể một tầng hầm và mái che cầu thang) với 168 căn hộ có diện tích từ 30m2 - 68,3m2.

Qua kiểm tra, tháng 8/2016 Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện chủ đầu tư xây sai phép (vượt tầng so với giấy phép). Theo đó, Sở Xây dựng TP. HCM lập biên bản xử phạt và ra quyết định cưỡng chế, buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ phần diện tích sai phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án vẫn phớt lờ yêu cầu này, cơ quan chức năng ban hành quyết định cưỡng chế chỉ để đó.

Khách hàng đề nghị cơ quan chức năng cưỡng chế ngay những sai phạm của dự án Tân Bình Apartment.

Khách hàng đề nghị cơ quan chức năng cưỡng chế ngay những sai phạm của dự án Tân Bình Apartment.

Điều đáng nói, ngày 02/12/2016, Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) TP. HCM lại ban hành giấy phép quy hoạch, theo đó, Sở QHKT điều chỉnh hàng loạt các chỉ tiêu của dự án. Trong đó, cho phép dự án tăng từ 14 tầng lên 18 tầng, chiều cao công trình từ 45m lên 65m, quy mô dân số từ 392 lên 975 người, mật độ xây dựng toàn khu từ 43,75% lên 50%, hệ số sử dụng đất từ 4,73 lên 7.0... Với giấy phép điều chỉnh này của Sở QHKT, dự án được tăng thêm 28 căn hộ.

Rõ ràng việc thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi khách hàng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở để Sở QHKT đưa ra việc thay đổi các chỉ tiêu trên là ý kiến của UBND quận Tân Bình và biên bản lấy ý kiến cộng đồng dân cư đạt 100%, cho rằng thay đổi này phù hợp. Đáng nói biên bản lấy ý kiến cộng đồng chỉ có 22 người. Tuy nhiên, theo khách hàng của dự án, họ không hề hay biết về biên bản lấy ý kiến trên. Rõ ràng việc tổ chức lấy ý kiến không thực hiện đúng theo quy định.

Xem chi tiết tại đây.

Khi xảy ra tranh chấp.. cư dân nên làm gì, gặp ai để đòi quyền lợi?

Trước những câu hỏi của độc giả về việc khi có tranh chấp xảy ra tại những dự án chưa bàn giao, quyền lợi của cư dân được bảo vệ như thế nào? Khi gặp trường hợp xảy ra tranh chấp, cư dân nên làm gì? Nên kiện ai, tìm kênh nào để bảo vệ mình? Luật sư Trương Thanh Đức Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho rằng hiện nay Luật nhờ ở vẫn chưa có những chế tài cụ thể bảo vệ người mua nhà.

"Bản thân nhà ở liên quan đến dân chúng, an sinh xã hội thế nhưng cơ chế của Nhà nước chưa được chặt chẽ, nhiều CĐT không có uy tín vẫn được cấp phép xây dựng dẫn đến nhiều khách hàng phải chịu hậu quả", ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, không có gì ràng buộc khi xảy ra tranh chấp, người dân thường chỉ gây sức ép bằng báo chí, căng băng rôn khẩu hiệu làm chủ đầu tư sốt ruột, đẩy nhanh tiến độ. Có cư dân còn dọa kiện chủ đầu tư đi tù, cầm tiền mà xây chưa đâu vào đâu nhưng cơ quan công an không khởi tố. Trường hợp này tốt nhất nên đề nghị thanh lý, tự bán cắt lỗ được đồng nào hay đồng ấy.

"Theo tôi, Luật Nhà ở cần xem xét, bảo vệ người dân từ quá trình mua đến lúc ở", ông Đức cho biết.

Nói về tình hình tranh chấp chung cư đang bùng nổ thời gian gần đây, ông Trương Thanh Đức cũng khẳng định: "Đây không phải là vấn đề pháp lý mà là vấn đề xử lý tình huống. Vấn đề bán nhà cả chủ đầu tư và cư dân đều quan tâm, có thể bên này là lợi thế, bên kia là yếu thế".

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top