Tại báo cáo chiến lược giữa năm 2022 vừa công bố, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng VN-Index sẽ phục hồi trong nửa cuối năm với 3 kịch bản dự kiến được đưa ra.
TTCK Việt Nam duy trì mức định giá hấp dẫn so với các thị trường khác
Theo nhóm nghiên cứu, trong khi lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ, kỳ vọng tăng trưởng GDP và EPS tương đối cao giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương đối cao và P/E tương đối thấp.
Hơn nữa, nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và phát triển thị trường vốn Việt Nam trong thời gian gần đây cũng như các sáng kiến để đáp ứng tiêu chí của thị trường mới nổi sẽ giúp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường lên mới nổi.
Dù vậy, MASVN cho hay, Việt Nam đã bỏ lỡ qua kỳ đánh giá tháng 6 của MSCI với 9 tiêu chí sau đây cần phải cải thiện: Giới hạn sở hữu nước ngoài; room ngoại còn lại; quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài; mức độ tự do trên thị trường ngoại hối; đăng ký đầu tư và mở tài khoản; các quy định về thị trường; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng.
Sau một năm lợi nhuận tăng trưởng mạnh như năm 2021, MASVN cho rằng mức tăng trưởng của thị trường trong năm 2022 sẽ giảm tốc do một phần so sánh với mức nền cao của năm 2021. Gánh nặng lạm phát toàn cầu cũng sẽ tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, cũng như chi phí vận tải gia tăng. Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng nhanh lãi suất cũng sẽ tạo áp lực tăng lãi suất trong nước.
Trên cơ sở các giả định trên, nhóm nghiên cứu đưa ra dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index xuống 17,5%, thấp hơn so với mức đồng thuận chung của thị trường theo thống kê Bloomberg là 18%.
"Dự phóng của chúng tôi nhìn chung phù hợp với kế hoạch tăng trưởng năm 2022 của các doanh nghiệp, với tổng lợi nhuận trước thuế của 320/402 doanh nghiệp (~92% tổng vốn hóa thị trường) dự kiến tăng 15,8% so với thực hiện năm 2021", báo cáo nêu.
Tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 - 15,1x, MASVN cho rằng, VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 - 1.530 điểm trong nửa cuối năm. Theo đó, 3 kịch bản cho thị trường đã được đưa ra:
Ở kịch bản xấu, VN-Index sẽ tiếp tục giảm điểm do tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế và tìm thấy ngưỡng hỗ trợ mạnh ở mức 1.060 điểm (tại mức P/E trung bình 10 năm trừ 2SD là 10,5 lần).
Ở kịch bản cơ sở, VN-Index đã tìm thấy mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm và sẽ tiếp tục tăng lại mốc 1.300 điểm (tương đương mức P/E trung bình 10 năm trừ 2SD là 12,8 lần).
Ở kịch bản tích cực, VN-Index sẽ lấy lại mốc 1.530 điểm, tương đương P/E trở về mức trung bình dài hạn.
Các rủi ro cần theo dõi trong thời gian tới
Song song với các yếu tố thuận lợi hiện hữu, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra 2 rủi ro chính cần theo dõi trong thời gian tới.
Thứ nhất, rủi ro gia tăng với kỳ vọng tăng lạm phát và lãi suất. MASVN kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại cho trong nửa cuối năm nhờ vào 3 yếu tố: Lạm phát vẫn ở dưới mức 4%; NHNN sẽ linh hoạt sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết thị trường; Hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Trên thực tế, NHNN đã rút ròng hơn 151 nghìn tỷ đồng từ ngày 21 - 30/6/2022 do thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào với lãi suất liên ngân hàng qua giảm xuống dưới 1%.
"Tuy nhiên, do Fed tăng nhanh lãi suất điều hành và trước áp lực đồng USD tăng giá cũng như áp lực lạm phát gia tăng, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành trong quý I/2023", báo cáo cho hay.
Thứ hai, lạm phát và các chính sách thắt chặt quyết liệt hơn của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Theo đó, trong nửa cuối năm, lạm phát và chính sách lãi suất là hai rủi ro chính cần theo dõi. Thị trường chứng khoán trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục biến động theo các thông tin lạm phát, lạm phát kỳ vọng và hành động của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang Mỹ./.