Aa

TTCK điều chỉnh giảm nhẹ, hàng loạt cổ phiếu BĐS tiếp tục đi xuống trong tuần từ 6 - 10/6

Chủ Nhật, 12/06/2022 - 06:06

Rất nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá sâu trong tuần giao dịch từ 6 - 10/6, trong khi đó, nhiều mã bất động sản khu công nghiệp lại có biến động tích cực.

Thị trường điều chỉnh giảm nhẹ sau ba tuần hồi phục liên tiếp, tuy nhiên biến động tăng giảm về điểm số giữa các phiên trong tuần lại khá lớn, thanh khoản theo đó cũng tăng nhẹ. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 3,9 điểm (-0,3%) xuống 1.284,08 điểm, HNX-Index giảm 4,04 điểm (-1,3%) xuống 306,44 điểm, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,48%) xuống 93,72 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 4,0% so với tuần trước đó với 81.169 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 4,1% lên 2,9 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 17,5% so với tuần trước đó với 12.050 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 12,8% lên 473 triệu cổ phiếu.

Rất nhiều nhóm ngành cổ phiếu có biến động tiêu cực trong tuần từ 6 - 10/6, trong đó có bất động sản. Thống kê 124 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán có 78 mã giảm trong khi chỉ có 36 mã tăng.

Rất nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá, trong đó, BII của CTCP Louis Land giảm mạnh nhất với 22,2% từ 5.400 đồng/cp xuống chỉ còn 4.200 đồng/cp. Biến động về nhân sự của Louis Land vẫn tác động xấu đến giá cổ phiếu này. Louis Land đang là một trong những trường hợp hy hữu trong lịch sử các doanh nghiệp niêm yết khi hiện tại không còn ai trong ban điều hành. Tổng giám đốc và Chủ tịch cùng nộp đơn từ nhiệm. Thậm chí nhân sự cấp cao duy nhất là ông Trần Sĩ Chương, người được bổ nhiệm chức danh Phó chủ tịch vào tháng 11/2021 cũng mới được CTCP Louis Land công bố là đã nộp đơn từ nhiệm từ ngày 17/5. Thời gian gần đây, nhân sự cấp cao của Louis Land liên tục có sự biến động. Chỉ trong vòng ba tháng, công ty đã đổi tới ba Chủ tịch HĐQT và hai Tổng giám đốc. Nếu tính trong vòng một năm qua thì công ty đã thay tới 5 Chủ tịch.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2022, Louis Land lên mục tiêu 320 tỷ đồng tổng doanh thu, 50,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm 35% về doanh thu nhưng tăng 156% về lợi nhuận so với năm 2021. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho thuê các cụm công nghiệp Thắng Hải 1 và Thắng Hải 2.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 6 - 10/6.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 6 - 10/6.

Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là BVL của CTCP BV Land với 18,9%. Tuy nhiên, BVL nằm trong diện thanh khoản rất thấp.

Cổ phiếu DRH của CTCP DRH Holdings tiếp tục lao dốc khi giảm hơn 15% chỉ sau một tuần giao dịch. Theo công bố mới đây, ông Ngô Đức Sơn - Thành viên HĐQT đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu DRH theo nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 13/6 đến 25/6/2022 thông qua phương thức khớp lệnh.

PVL của CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt cũng giảm 14,7% trong tuần giao dịch từ 6 - 10/6. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra lần 3 ngày 7/6, công ty dự kiến đạt doanh thu 30 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021; lãi sau thuế 2 tỷ đồng, tăng gần 200%. Cổ đông thông qua việc chào bán riêng lẻ với giá thỏa thuận nhưng đảm bảo không thấp hơn mệnh giá. Công ty dự kiến phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu, tương ứng 100 tỷ đồng. Nếu hoàn tất việc phát hành này, vốn điều lệ của PVL sẽ đạt 600 tỷ đồng.

Cổ đông cũng phê duyệt chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand). Công ty sẽ nhượng lại toàn bộ số cổ phần PVCLand đang sở hữu (2,44 triệu cổ phiếu) với giá chuyển nhượng không thấp hơn mệnh giá. Hình thức chuyển nhượng là chào bán công khai cho cán bộ công nhân viên công ty (nếu CBCNV công ty không mua hoặc mua không hết thì sẽ chào bán cho các đối tác khác). Ngoài ra, cổ đông thông qua việc đổi tên cũng như chấp nhận ủy quyền cho HĐQT được chủ động quyết định đầu tư vào các tổ chức, doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng và hiệu quả thông qua các hình thức: Mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… theo nguyên tắc bảo toàn vốn của doanh nghiệp và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hai cổ phiếu thuộc cùng “hệ sinh thái” là AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone và FLC của Tập đoàn FLC biến động tiêu cực khi giảm lần lượt 11,6% và 9,3%. Chiều 4/6, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã cung cấp thêm thông tin về một số vụ việc được dư luận quan tâm như vụ Việt Á, FLC... Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra thông báo tìm các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Các mã bất động sản thanh khoản cao giảm giá còn có CEO của Tập đoàn C.E.O (-11%), DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (-9,1%), IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (-8,2%)…

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu STL của CTCP Sông Đà - Thăng Long tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản với 11,4%. Hiện tại, STL vẫn nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch ở phiên thứ Sáu hàng tuần.

HDG của Tập đoàn Hà Đô gây bất ngờ khi đi ngược lại xu thế chung của nhóm bất động sản và tăng 8,2% trong tuần vừa qua. Mới đây, HĐQT của doanh nghiệp này thông qua việc phát hành thêm 40,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 20%. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng lẻ kiếm toán năm 2021 (khoảng 1.905 tỷ đồng). Thời gian phát hành dự kiến quý II - quý III năm nay và không bị hạn chế chuyển nhượng. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 407,6 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ của công ty lên khoảng 2.445 tỷ đồng. Trước đó, ngày 20/4, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 với tỷ lệ 10% tiền mặt. Như vậy, tổng mức cổ tức năm 2021 của Hà Đô là 30%.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 6 - 10/6.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 6 - 10/6.

Khá nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp biến động tích cực như SZB của CTCP Sonadezi Long Bình tăng 8,9%, LHG của CTCP Long Hậu tăng 5,7%, IDC của Tổng công ty IDICO tăng 3,4%, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tăng 2%...

Theo thông báo mới đây, CTCP Đầu tư Vinatex - Tân Tạo đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC từ ngày 16/6 đến 15/7 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch hoàn tất, đơn vị này sẽ nâng sở hữu từ 21 triệu cổ phần (tỷ lệ 2,7%) lên 26 triệu cổ phần (tỷ lệ 4,5%). Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, là Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Vinatex - Tân Tạo. Hiện tại, ông Tâm đang sở hữu 85,3 triệu cổ phiếu KBC tương đương 14,8% vốn. Chủ tịch HĐQT Đầu tư Vinatex - Tân Tạo là bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, con gái ông Tâm. Bà Quỳnh Anh cũng là Thành viên HĐQT Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Hiện bà Quỳnh Anh nắm giữ 10 triệu cổ phiếu KBC (tỷ lệ 1,7%).

Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn có biến động không quá mạnh ở tuần giao dịch từ 6 - 10/6. VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của CTCP Vinhomes giảm lần lượt 1% và 1,6%. Tương tự, NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va và BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp cũng đều có mức giảm giá nhẹ. Chiều ngược lại, VRE của CTCP Vincom Retail tăng 1,8% sau một tuần giao dịch. KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng tăng nhẹ 0,4%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top