Aa

3 năm lãi nửa nghìn tỷ, ông lớn BOT Cường Thuận IDICO “ăn dày” ra sao?

Thứ Sáu, 15/09/2017 - 06:01

Việc đặt trạm thu phí trên tuyến đường quốc lộ huyết mạch đoạn TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận giúp Cường Thuận IDICO ghi nhận lãi ròng nửa nghìn tỷ sau 3 năm vận hành, với tỷ suất lợi nhuận vượt xa các “đại gia” BOT hàng đầu như CII hay TASCO.

Đặt trạm Quốc lộ 1, thu lãi nửa nghìn tỷ

Như đã phân tích ở kỳ trước, chỉ sau 3 năm vận hành, trạm thu phí BOT tuyến tránh TP. Biên Hoà đã mang về cho Công ty CP Phát triển đầu tư Cường Thuận IDICO (Mã chứng khoán: CTI) tới 730 tỷ đồng doanh thu và gần 500 tỷ đồng lãi ròng, tương đương tỷ suất lãi trên doanh thu là 68,5%, mức rất cao so sánh với những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực BOT như Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (Mã chứng khoán: CII) hay Công ty CP TASCO (Mã chứng khoán: HUT).

Cụ thể, CII năm 2016 thu về 593 tỷ đồng doanh thu phí giao thông, trong khi giá vốn ở mức 342 tỷ đồng. Lãi ròng qua đó là 251 tỷ đồng với tỷ suất lãi trên doanh thu 42%. Luỹ kế 3 năm trở lại đây, con số này cũng chỉ là 42,6%, với 1.713 tỷ đồng doanh thu và 984 tỷ đồng giá vốn.

Trạm BOT tuyến tránh Biên Hoà lãi ròng 500 tỷ đồng chỉ sau 3 năm vận hành.

Trạm BOT tuyến tránh Biên Hoà lãi ròng 500 tỷ đồng chỉ sau 3 năm vận hành.

CII được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực BOT ở các tỉnh phía Nam. Đơn vị này đang sở hữu quyền thu phí tại Xa lộ Hà Nội, quyền thu phí hoàn vốn dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A, đoạn qua TP. Phan Rang - Tháp Chàm; quyền thu phí hoàn vốn Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Thuận; quyền thu phí đường ĐT741 tại Bình Dương; hay quyền thu phí cầu Rạch Miễu nằm giữa tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Tổng cộng giá trị quyền thu phí của CII tới cuối tháng 6/2017 lên tới 3.500 tỷ đồng.

Tương tự, “ông vua” BOT phía Bắc TASCO trong 3 năm vừa qua thu về tổng cộng 756 tỷ đồng từ các trạm BOT, lãi ròng đạt 363 tỷ đồng, tỷ suất lãi trên doanh thu là 48%.

Qua đó có thể thấy, tỷ suất lãi ròng của Cường Thuận IDICO tại trạm BOT Biên Hoà vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành, khi chỉ sau 3 năm doanh nghiệp này đã thu về 730 tỷ đồng doanh thu thu phí, tức là bằng gần một nửa tổng mức đầu tư dự án (1.500 tỷ đồng), và ghi nhận tỷ suất lãi ròng lên tới gần 70%.

Đối với một dự án BOT, công trình hoàn vốn càng nhanh thì càng sớm được chuyển giao cho Nhà nước. Trạm BOT tuyến tránh TP. Biên Hoà trên Quốc lộ 1 có thể được dỡ bỏ sớm hơn so với khoảng thời gian dự kiến là hơn 10 năm.

Tuy nhiên, viễn cảnh này muốn đạt được sẽ phải đi kèm với sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng, cũng như sự tự giác của chủ đầu tư. Thực tế cho thấy, không ít vụ việc dự án BOT đã hết thời hạn song chủ đầu tư vẫn tiếp tục thu phí, như vụ việc tại hầm Đèo Ngang xôn xao dư luận hồi cuối năm ngoái.

“Say máu” BOT

Về phần mình, Cường Thuận IDICO dường như vẫn xác định BOT là “miếng bánh” béo bở, là kênh tạo lợi nhuận lớn.

Doanh nghiệp này vừa qua tiếp tục đưa vào sử dụng hai trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn từ Km14+000 đến Km50+889, với giá trị quyền thu phí tới cuối quý II/2017 là hơn 1.200 tỷ đồng.

Dữ liệu trên cổng thông tin Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT cho thấy, thời gian thu phí hoàn vốn lên tới 23 năm 5 tháng, tăng tới 6 năm so với phương án phê duyệt ban đầu.

Ngoài ra, Cường Thuận IDICO cũng đang triển khai một số công trình BOT khác như dự án đường vận chuyển VLXD tại xã Phương Tân và xã Tam Phước, TP. Biên Hoà, Đồng Nai hay dự án BOT 319 nối dài và nút giao với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Đồng thời đầu tư nhiều dự BOT quy mô lớn bắt buộc Cường Thuận IDICO phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, với số dư vay nợ ngắn và dài hạn tới cuối tháng 6/2017 là hơn 2.800 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn điều lệ (510 tỷ đồng).

Việc lệ thuộc vào công cụ đòn bẩy tài chính sẽ giúp Cường Thuận IDICO phát triển rất nhanh trong một thời gian ngắn. Nhưng với biên độ sử dụng vốn vay quá lớn, một khi rủi ro xảy tới cũng sẽ nhanh chóng “đánh quỵ” doanh nghiệp này.

Trạm BOT đường tránh TP. Biên Hoà hiện đang bị phản ứng tiêu cực, và không loại trừ khả năng lâm vào “vết xe đổ” của trạm BOT Cai Lậy - nơi cho tới nay vẫn chưa tiến hành thu phí trở lại sau 1 tháng xả trạm vì bị phản đối dữ dội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top