Như Reatimes đã thông tin, Thanh tra Chính phủ vừa công bố Thông báo số 2222/TB-TTCP về kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra 5 khuyết điểm vi phạm. Thứ nhất, chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu thư theo hình thức đối tác công tư; việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm tháng 1 hằng năm là thiếu chặt chẽ và ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Thứ hai, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch; phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch.
Thứ ba, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết và giám sát thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ; nhà đầu tư đã lập, duyệt không đúng nhiều khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình.
Thứ tư, việc thanh quyết toán xác định giá trị công trình dự án còn bất hợp lý, hầu hết các công trình dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đã đưa vào khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán được theo đúng thời gian hợp đồng.
Thứ năm, kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông.
Trên cơ sở kết luận những khuyết điểm, vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, GTVT phối hợp rà soát những quy định pháp lý về lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn thiếu, còn chưa thống nhất để bổ sung điều chỉnh hoặc trình bổ sung điều chỉnh theo thẩm quyền.
Trước hết, bổ sung quy định chặt chẽ về lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu; những dự án chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký phải xem xét lại tính khả thi của dự án trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm trong việc đàm phán ký kết hợp đồng dự án, trong việc giám sát thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đặc biệt việc quản lý chất lượng công trình và tổng giá trị đầu tư, giá thu phí và thời gian thu phí phải thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán như công trình sử dụng vốn ngân sách.
Rà soát quy định về lập, phê duyệt và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đặc biệt là định mức đơn giá và việc công bố chỉ số giá thị trường.
Điều chỉnh quy định về cơ cấu nguồn vốn đầu tư nhằm đa dạng nguồn vốn và thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời giảm tỉ lệ vốn vay ngân hàng ở mức hợp lý. Về năng lực nhà đầu tư, hình thức góp vốn cần quy định cụ thể, tránh tình trạng lựa chọn nhà đầu tư chỉ dựa trên cơ sở vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính nhưng không có năng lực thực sự.
Ngoài ra, rà soát để bổ sung vào quy hoạch hệ thống giao thông toàn quốc tiêu thức trạm thu phí giao thông, trên cơ sở ban hành tiêu chí cụ thể hợp lý và đúng quy định; điều chỉnh vị trí những trạm thu phí bất hợp lý, sửa đổi điều kiện khoảng cách các trạm thu phí dưới mức tối thiểu (70 km) trong Thông tư 159/2013/TT-BTC, ban hành quy định về giá, phương pháp xác định giá sử dụng kết cấu hạ tầng cụ thể cho từng lĩnh vực của ngành GTVT trên cơ sở đề cập đầy đủ các yếu tố và đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư, người sử dụng hạ tầng và Nhà nước; theo đó ban hành và điều chỉnh giá thu phi giao thông hợp lý.
Việc thu phí phải đảm bảo tuyệt đối minh bạch, trên cơ sở bổ sung hoàn thiện quy trình chặt chẽ, có giám sát bằng công nghệ tiên tiến và thực hiện bắt buộc công nghệ thu phí tự động.
Đối với giá thu phí Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cần thực hiện ngay việc điều chỉnh tương ứng với vốn đầu tư thực tế giai đoạn 1.
Khắc phục ngay tình trạng quá chậm trễ quyết toán công trình bằng những giải pháp mạnh, cụ thể, trong đó gắn chặt với quyền thu phí. Có cơ chế thực hiện việc thanh tra liên ngành phải gắn với giám định khối lượng, chất lượng công trình nhằm xác định rõ thực chất khối lượng, giá trị công trình, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhưng hiệu lực, hiệu quả thấp.
Đối với Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ kiến nghị trên cơ sở kết luận thanh tra, chủ động điều chỉnh và khắc phục toàn bộ những nội dung đã kết luận thuộc trách nhiệm của mình; phối hợp rà soát toàn diện hồ sơ các dự án; các hợp đồng để bổ sung, điều chỉnh đúng quy định.
Đối với các nhà đầu tư, thực hiện nghiêm túc các quy định về đầu tư xây dựng, những điều khoản hợp đồng dự án đã ký kết, đặc biệt là việc lập, phê duyệt thiết kế, dự toán, quản lý chất lượng trong xây dựng; khắc phục và thực hiện nghiêm túc những nội dung kết luận và kiến nghị xử lý thanh tra./.