Aa

300 triệu USD vốn FDI chảy vào BĐS – con số biết nói: Giải pháp nào để biến "tiền trên giấy" thành hiện thực?

Thứ Hai, 13/02/2017 - 15:21

Con số 300 triệu USD vốn đăng ký đổ vào BĐS trong tháng 1/2017 đã đặt ra nhiều nghi vấn và tranh cãi xung quanh những cơ hội và thách thức cho thị trường địa ốc Việt Nam trong thời gian tới. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Reatimes có thêm cuộc trò chuyện với TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.

PV: Liên quan đến thông tin trong tháng 1/2017, đã có gần 300 triệu USD vốn FDI đăng ký chảy vào BĐS Việt Nam, nhiều chuyên gia đánh giá rằng con số này sẽ mở ra nhiều khả năng thu hút FDI trong thời gian tới. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào, thưa ông? 

TS. Phan Hữu Thắng: Để đánh giá được xu hướng của một lĩnh vực ngành nghề theo tôi cần thời gian tương đối dài, ít nhất 1 năm, nếu 1 năm thì ít nhất phải đi được 1/3 quãng đường. Đồng thời phải đặt trong bối cảnh hiện tại ở cả trong nước và quốc tế.

Dù vậy cũng phải thừa nhận rằng, đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào BĐS vẫn tiếp tục ở vị thế cao. Năm 2016, FDI vào BĐS đứng ở vị trí thứ 3 sau công nghiệp chế biến chế tạo và bán buôn bán lẻ. Với tổng vốn thu hút đầu tư đăng ký khoảng 1,7 tỷ USD, BĐS chiếm khoảng 6,9% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong  năm qua.

TS. Phan Hữu Thắng.

TS. Phan Hữu Thắng.

Đáng chú ý, trong tháng 1/2017, số vốn FDI đăng ký vào BĐS đạt khoảng 300 triệu USD (chiếm tới 20% tổng vốn đầu tư đăng ký), vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, thời gian còn quá ngắn và phía trước tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, do đó cần căn cứ vào nhiều yếu tố tiếp theo mới có thể dự đoán được con số sát thực cho cả năm nay.

PV: Theo ông, con số thực hiện được sẽ rơi vào khoảng bao nhiêu phần trăm tổng số vốn đăng ký? 

TS. Phan Hữu Thắng: Tôi cho rằng con số thực hiện được và không thực hiện được như đăng ký đạt tỷ lệ 50/50. Số vốn FDI thực hiện được bao nhiêu phần trăm số đăng ký còn phụ thuộc vào chúng ta. Nếu Chính phủ và địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thì 300 triệu USD sẽ được thực hiện đúng thời hạn.

Với tình hình kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay, cũng như từ con số đăng ký trong tháng 1, tôi cho rằng, FDI 2017 sẽ không vượt được trần năm 2016.

PV: Thưa ông, dựa vào cơ sở nào để chúng ta có thể kỳ vọng vốn FDI vào BĐS thực hiện được sẽ có thể đạt tỷ lệ 50/50?

TS. Phan Hữu Thắng: Việt Nam và thị trường BĐS nước ta vẫn đang có những lợi thế riêng. Trước hết là sự tăng trưởng kinh tế so với khu vực dù không đạt mục tiêu như đã đề ra nhưng năm 2016 vẫn đạt 6,21%. Năm 2017, chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, đây là một mức cao trong bối cảnh khu vực hiện nay.

Việt Nam có các đối tác đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, ASEAN (Singapore, Malaysia...). Bên cạnh đó, nhìn vào thứ tự xếp hạng khả năng thu hút FDI trong 16 lĩnh vực ngành nghề sẽ thấy, nhiều năm nay, BĐS đều đứng ở vị trí thứ 2 - 3.

Với tình hình kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay, cũng như từ con số đăng ký trong tháng 1, tôi cho rằng, FDI sẽ không vượt được trần năm 2016.

Với tình hình kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay, cũng như từ con số đăng ký trong tháng 1, tôi cho rằng, FDI 2017 sẽ không vượt được trần năm 2016.

Ngoài ra, dân số Việt Nam gần 100 triệu người, nhu cầu về nhà ở lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, công nghiệp phát triển, các KCN mọc lên ngày càng nhiều. Mặt khác, những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn du lịch. Sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS du lịch, cộng với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, đầy đủ vào quốc tế, là thành viên của nhiều tổ chức thương mại... Từ những dẫn chứng nêu trên không khó để nhận thấy, BĐS ở Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng để đặt nhiều kỳ vọng.

PV: Đánh giá thì như vậy, nhưng theo ông, để biến con số 300 triệu USD vốn FDI đăng ký "trên giấy" này thành hiện thực thì Việt Nam cần thay đổi điều gì? 

TS. Phan Hữu Thắng: Thực ra, muốn triển khai thuận lợi dự án cũng như luồng vốn FDI vào BĐS, doanh nghiệp cần bám sát nhu cầu thị trường, Chính phủ cần tạo điều kiện thuân lợi về thủ tục hành chính. Về phía Chính phủ, việc cấp phép cần được thực hiện một cách chính xác, nhanh, gọn. Trong 3 tháng đầu thủ tục hành chính phải xong. Nếu vướng khâu này, địa phương cũng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, FDI đổ vào BĐS nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 40% tổng vốn FDI) trong khi chủ trương của nước ta là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một khi thực hiện điều này, việc mở cửa chỉ là một phần, quan trọng là dịch vụ, môi trường sống, nơi ở và tất cả những yếu tố liên quan đến phương tiện... phục vụ thị trường du lịch – yếu tố quyết định nhà đầu tư có chịu rút hầu bao hay không, vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải chú ý.

PV: Có ý kiến cho rằng, hệ thống chính sách của nhiều nước đã mở toang cánh cửa từ lâu và xuyên suốt. Trong khi chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn “nhỏ giọt”. Điều này đang gây khó khăn cho việc thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS?

TS. Phan Hữu Thắng: Luật pháp nước ta khá phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Nhưng rào cản hiện nay là thủ tục hành chính và việc thực hiện thủ tục còn chồng chéo, không rõ ràng trong các bộ luật, nghị định.

Thủ tục làm cho nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, không chỉ đối với nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước cũng nhức đầu vì vấn đề này. Theo tôi, dòng FDI đang gặp cản trở bởi hệ thống luật pháp chính sách và người thực thi công vụ. Chính sách còn cứng nhắc và việc thiếu trách nhiệm của người thực hiện công vụ đôi khi làm mất cơ hội của nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra, những trở ngại khác như đất đai, sự tương tác giữa trong nước và quốc tế cũng ảnh hưởng đến kết quả thực hiện vốn đăng ký FDI. Nếu giải quyết được các vấn đề nêu trên, tôi cho rằng kết quả thực hiện vốn đăng ký FDI sẽ khả quan hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top