Đó là trăn trở của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khi trao đổi với Reatimes xung quanh thông tin "Trong tháng 1/2017, BĐS Việt Nam đón nhận con số 300 triệu USD vốn FDI" mới được Tổng cục thống kê công bố mới đây.
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, con số 300 triệu USD vốn FDI vào lĩnh vực BĐS ngay trong tháng đầu tiên của năm 2017 là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường địa ốc nước ta trong năm nay. Theo ông, liệu 300 triệu USD này có cơ hội dẫn dắt luồng FDI vào Việt Nam trong năm 2017 theo hướng tích cực?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nhà đầu tư nước ngoài "rót" 300 triệu USD trong tháng đầu năm là tin mừng cho thị trường BĐS Việt Nam. Tôi cũng kỳ vọng đây là xu hướng dẫn dắt luồng vốn này cho cả năm 2017. Thực tế, Việt Nam đang có nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta đang phát triển rất mạnh và nhanh, đặc biệt tại TP. HCM và những vùng lân cận xung quanh. Trong khi đó, thị trường BĐS vốn là thị trường có xu hướng tăng trưởng tốt trong một nền kinh tế ổn định và phát triển nhanh. Dẫu có một vài giai đoạn thị trường đi xuống hay khủng hoảng, nhưng nhìn chung thị trường BĐS Việt Nam cùng với nền kinh tế tăng trưởng tốt đang có sức hút lớn.
Nếu như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP được thông qua, năm 2017 sẽ trở thành một năm "nóng" đối với dòng vốn ngoại. Vì không có TPP, độ nóng giảm đi. Nhưng nói như vậy không có nghĩa thị trường BĐS không có cơ hội bởi vì Việt Nam vẫn còn chờ đợi những Hiệp định thương mại song phương khác. Do đó thị trường BĐS vẫn được giới đầu tư quan tâm nhiều.
PV: Nói như vậy, FDI vào BĐS Việt Nam đang bị cản trở bởi thất bại của TPP và chính sách của tân Tổng thống Donald Trump?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước khi thông tin TPP thất bại, năm 2016 đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mặn mà và muốn tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như giới đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore. Những nhà đầu tư này kỳ vọng rằng, khi TPP được thông qua, nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất và xuất khẩu, kéo theo thị trường BĐS cũng phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là phân khúc BĐS thương mại, BĐS tại các khu công nghiệp và chế xuất và BĐS cho chuyên gia và chuyên viên nước ngoài cư trú và nghỉ dưỡng.
Thực tế là năm 2016 đã có một lượng tiền đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore vào những phân khúc này. Tuy nhiên, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, một số nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ cuộc sau ý định đầu tư vào BĐS Việt Nam. Ngay trên thị trường chứng khoán, thời gian gần đây đã có hàng trăm triệu USD bị rút khỏi thị trường sau thông tin TPP thất bại.
Mặt khác, năm 2017 cũng sẽ là năm sẽ có biến động lớn của nền tài chính thế giới, tùy theo chính sách của Donald Trump. Cho tới thời điểm này giới đầu tư thế giới phản ứng khá hoang mang với những kế hoạch và sắc lệnh của Tổng thống Mỹ. Trong tháng 1/2017 Dow Jones Index đã có lúc lên đến trên 20.000 điểm, một mức đột phá trong lịch sử của thị trường chứng khoán New York, nhưng rồi rơi xuống dưới mức này và hiện nay lại ngoi lên trên 20.000 điểm.
Kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế, đối ngoại, mậu dịch của Trump trong thời gian tới. Nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, có thể nhà đầu tư sẽ tin tưởng vào chính phủ Trump và "nhào" vào thị trường Mỹ, và ít quan tâm hơn đến thị trường mới nổi như Việt Nam. Do đó, có thể kết luận rằng, tùy theo biến động của thị trường thế giới mà sức hút của thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
PV: Nếu như vậy, có thể tạm hình dùng rằng nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ chính sách của Donald Trump. Vậy theo ông, FDI vào BĐS trong năm 2017 liệu có khá hơn năm 2016?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: FDI vào thị trường BĐS trong năm 2017 có khả năng giảm so với 2016 hơn là khả năng tăng. Bởi diễn biến của thị trường tài chính thế giới đang gây bất lợi cho dòng vốn này chảy vào Việt Nam. Nếu thị trường tài chính của thế giới càng nhiều biến động thì các nhà đầu tư vì sự an toàn cho tài sản của họ càng có xu hưởng chuyển dòng vốn vào những thị trường tài chính truyền thống và bỏ rơi những thị trường mới nổi như Việt Nam.
PV: Nếu như dòng vốn có sự sụt giảm, cơ cấu FDI vào mảng BĐS trong năm 2017 sẽ có thay đổi gì so với 2016. Mảng phân khúc nào sẽ hấp dẫn hơn cả, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: BĐS khu công nghiệp và BĐS thương mại tại các khu vực TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương sẽ hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, BĐS nghỉ dưỡng sẽ còn phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch. Đặc biệt BĐS nghỉ dưỡng cũng phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới. Bởi nếu như nền kinh tế thế giới không khả quan, người dân trên thế giới có xu hướng giảm ngay những chi phí cho những nhu cầu không cấp thiết như du lịch, khách sạn, nhà hàng và các thú giải trí. Khi đó, BĐS nghỉ dưỡng và BĐS cao cấp tại bờ biển có thể bị ảnh hưởng theo.
PV: Tác động tích cực đã rõ ràng nhưng FDI vẫn có mặt trái, ông có thể phân tích những mặt trái của FDI đối với thị trường BĐS?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong những thập niên qua, ba nguồn tài chính từ bên ngoài đóng góp rất tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nguồn vốn FDI, nguồn tài trợ ODA và kiều hối. Với riêng FDI, nguồn vốn này chủ yếu đổ vào sản xuất cho xuất khẩu và BĐS. Dòng vốn FDI đổ vào BĐS đã giúp thị trường này hồi phục trong những năm qua. Đặc biệt là việc đổ vào BĐS thương mại tại những thành phố lớn, dự án BĐS cao cấp, BĐS tại các khu chế xuất tạo sự cân bằng giữa cung và cầu là điều tốt.
Nhưng dòng vốn FDI cũng rất bén nhạy với tình hình thị trường. Khi có những dấu hiệu bất lợi trên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài có thể tìm cách rút nhanh khỏi thị trường Việt Nam. Điều này đã xảy ra vào những tháng cuối năm 2016 khi triển vọng cho TPP bị dập tắt và một lượng lớn dòng vốn ngoại đã rút khỏi Việt Nam.
Ngược lại, khi thị trường tăng trưởng tốt, nhà đầu tư nước ngoài có thể mạnh dạn đổ tiền vào thị trường BĐS và giúp đẩy giá BĐS tại một vài phân khúc thị trường và có khả năng tạo ra hiện tượng bong bóng BĐS. Tuy nhiên, trong năm 2017 khả năng xuất hiện bong bóng BĐS là thấp vì theo tôi khả năng các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt khi rót tiền vào thị trường BĐS tại Việt Nam cao hơn là họ sẽ ào ạt nhảy vào thị trường này.
Xin cảm ơn ông!
Mời quý độc giả đón đọc bài viết số 3 trong loạt bài: "300 triệu USD vốn FDI chảy vào BĐS - con số biết nói" trên Reatimes.vn vào ngày 11/2.