Aa

4 ngân hàng nào “găm” vốn nhiều nhất tại các dự án BOT, BT?

Thứ Tư, 16/08/2017 - 05:56

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay BOT, BT 4 tổ chức tín dụng: BIDV, VietinBank, Vietcombank và SHB chiếm tới 91% dư nợ toàn ngành. Trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.

Ngày 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức Hợp đồng Xây dựng–Kinh doanh–Chuyển giao (BOT).

Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tính đến ngày 31/12/2016 có 20 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức cấp tín dụng là 163.097 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 84.235 tỷ đồng (chiếm 67,48% dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực giao thông), chiếm 1,58% và thấp hơn 1,08 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (18,39%).

Hầu hết các khoản tín dụng đều thuộc nhóm 1; nợ nhóm 2 là 23,44 tỷ đồng, nợ xấu 2,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,003%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cam kết cấp tín dụng và dư nợ đến hết năm 2016 vẫn tăng, tuy nhiên tốc độ tăng đã giảm mạnh so với năm 2015.

Tỷ trọng dư nợ BOT, BT giao thông trên tổng dư nợ cấp tín dụng ở mức thấp (từ năm 2014 đến nay chỉ dao động từ 1% đến 1,6%), tỷ lệ nợ xấu thấp chiếm 0,003%. Tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro khả năng chuyển thành nợ xấu ở một số dự án chậm tiến độ.

Cũng theo báo cáo này, dư nợ tính đến thời điểm này tập trung vào 4 tổ chức tín dụng: BIDV, VietinBank, Vietcombank và SHB chiếm 91% dự nợ toàn ngành, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.

Để hạn chế các rủi ro trong việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách có hiệu quả để cảnh báo kịp thời đối với các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án có độ rủi ro cao, mặt khác góp phần định hướng tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động cho vay theo dự án BOT giao thông. Định kỳ hàng quý, yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cụ thể hạn mức, chất lượng tín dụng đối với các khoản vay BOT, đã phát hiện các tồn tại và kịp thời chấn chỉnh .

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top