Ì ạch gần 10 năm mới xong 6km đường
Dự án trục đường phía Nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) làm chủ đầu tư. Sau đó, doanh nghiệp này giao cho đơn vị thành viên là Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) đầu tư.
Dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), có tổng chiều dài ban đầu lên tới 41,5km; mặt cắt đường 40m, 4 làn xe, điểm đầu từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thường Tín). Để xây dựng con đường này, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thời điểm đó đã “đánh đổi” với Cienco 5 đất để nhà đầu tư triển khai 3 khu đô thị, gồm: Thanh Hà A, Thanh Hà B và khu đô thị Mỹ Hưng.
Mặc dù được khởi công từ năm 2008 và đã qua nhiều lần điều chỉnh nhưng đến nay, sau gần chục năm triển khai, mới chỉ có đoạn đường dài khoảng 6km từ ngã ba Kiến Hưng đến cổng làng Thanh Thùy (Thanh Oai) được hoàn thiện thảm nhựa.
Trước tình trạng trên, tháng 7/2014, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản 152/TB-VP xử lý vướng mắc, trong đó yêu cầu nhà đầu tư phải tính toán lại giá trị của dự án, trình các sở, ngành thành phố xem xét trước khi trình UBND TP phê duyệt.
Cũng theo chỉ đạo, Cienco 5 phải hoàn thiện các hạng mục còn lại của đoạn tuyến 6km đã thảm nhựa theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt để bàn giao, đưa vào sử dụng trong tháng 6/2015 và cơ bản hoàn thành dự án điều chỉnh vào cuối năm 2016. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn còn dang dở. Tuyến đường vẫn bừa bộn, lổn nhổn những “cái bẫy” đối với phương tiện tham gia giao thông qua lại hàng ngày....
Sai phạm ngổn ngang
Liên quan đến công tác xây dựng tuyến đường này, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TP. Hà Nội; trong đó nêu ra hàng loạt sai phạm tại Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ do Cienco 5 làm chủ đầu tư.
Cụ thể, qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện tại dự án này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là chưa có cơ sở dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng.
Cũng theo kết quả thanh tra, UBND TP. Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định của hợp đồng BT đã ký kết.
“Nhà đầu tư đã chiếm dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) trong thời gian dài đối với số tiền chênh lệch phải nộp ngay vào NSNN là 510 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 4/2008). Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc UBND TP. Hà Nội có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện việc thu, nộp tiền theo quy định”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Ngoài các sai phạm trên, trong quá trình kiểm tra, nhà đầu tư đã không chấp hành cung cấp tài liệu, có biểu hiện chống đối, cản trở hoạt động thanh tra, ảnh hưởng đến kế hoạch, nội dung, tiến độ và thời gian thanh tra; vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 13; khoản 1 Điều 4; khoản 2 Điều 58 của Luật Thanh tra.
Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP. Hà Nội yêu cầu Cienco 5 nộp ngay vào NSNN 1.428 tỷ đồng (920 tỷ đồng chỉ phí lãi vay và 510 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất và công trình BT) là giá trị chênh lệch của toàn bộ hợp đồng BT đối trừ vào tiền sử dụng đất của các dự án khác và xác định tiền lãi chậm nộp do chiếm dụng vốn tại các thời điểm để yêu cầu nhà đầu tư nộp NSNN theo quy định.
“Dự án BT và dự án khu đô thị (dự án khác) đã bị chậm tiến độ (cơ bản chưa triển khai được nhiều), đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tiến hành xem xét, đánh giá toàn bộ năng lực tài chính của nhà đầu tư để quyết định việc tiếp tục triển khai, thực hiện và hoàn thành dự án”, Thanh tra Chính phủ yêu cầu.