Aa

4 “nguyên tắc vàng“ phối màu trong thiết kế nội thất

Thứ Năm, 10/06/2021 - 17:00

Khi đã hiểu những quy tắc cơ bản này, bạn sẽ cảm thấy việc lựa chọn màu sắc trong thiết kế nội thất, trang trí nhà cửa trở nên dễ dàng và ngày càng thú vị hơn.

Đối với những người đam mê thiết kế nội thất hoặc chỉ đơn giản là yêu thích sắp xếp, bố trí, trang hoàng nhà cửa thì việc lựa chọn màu sắc cho căn phòng, ngôi nhà thường là phần việc khó khăn nhất. Bởi có rất nhiều sắc thái màu sắc để gia chủ lựa chọn, hơn nữa chúng còn cần được kết hợp với nhau theo đúng tỷ lệ để có thể đem lại hiệu quả cao nhất, bằng không, căn phòng sẽ khó có thể hài hòa.

Chính vì lẽ đó, một số quy tắc phối màu đã ra đời và giúp các gia chủ đảm bảo màu sắc trong ngôi nhà luôn cân bằng. Khi đã hiểu những quy tắc cơ bản này, bạn sẽ cảm thấy việc lựa chọn màu sắc trong thiết kế nội thất, trang trí nhà cửa trở nên dễ dàng và ngày càng thú vị hơn.

Dưới đây là 4 “nguyên tắc vàng” sẽ giúp bạn làm chủ màu sắc trong thiết kế nội thất một lần và mãi mãi!

Quy tắc 60 - 30 - 10

Đây là nguyên tắc phối màu cơ bản cần biết của bất kỳ một người hâm mộ thiết kế nội thất nào. Bất kể thẩm mỹ cá nhân của bạn là gì hoặc bạn muốn căn phòng của mình trông như thế nào, bạn đều có thể sử dụng quy tắc này để đảm bảo rằng bảng màu bạn sử dụng luôn cân bằng. 

Trong quy tắc này, bạn sẽ sử dụng 3 màu sắc và các con số 60, 30, 10 thể hiện tỷ lệ phần trăm mỗi màu sẽ xuất hiện trong thiết kế của bạn. Trang trí một căn hộ với ba màu khác nhau thường tạo ra ấn tượng tốt về thị giác, mỗi màu đã mang trong nó một ý nghĩa và khi kết hợp với nhau tạo ra sự đa dạng.

Quy tắc 60-30-10 giúp căn phòng trở nên cân bằng và thú vị hơn về mặt thị giác
Quy tắc 60 - 30 - 10 giúp căn phòng trở nên cân bằng và thú vị hơn về mặt thị giác. (Ảnh: Photographee.eu/Shutterstock)

Đầu tiên, bạn sẽ chọn một màu sắc làm chủ đạo và chiếm khoảng 60% căn phòng. Thông thường, đây sẽ là một màu trung tính hoặc một số loại màu sắc dịu nhẹ, có thể chiếm nhiều không gian mà không gây nên cảm giác choáng ngợp cho người ở.

Khi áp dụng thực tế trong thiết kế nội thất các căn phòng (phòng khách, phòng ngủ) thì những mảng lớn như mảng tường, trần, vách… sẽ được dành cho màu sắc chủ đạo.

Tiếp theo sẽ là màu phụ của bạn (còn có thể gọi là màu cấp 2), thường đậm hơn màu chủ đạo một chút và chiếm khoảng 30% không gian. 

Cuối cùng, màu nhấn mạnh của bạn là màu đậm nhất và sẽ chiếm 10% còn lại. 

Lấy ví dụ như trường hợp trong bức ảnh ở trên, màu xám là màu chủ đạo mà ta có thể thấy nó trên các bức tường và ghế sofa. Sau đó, màu đen là màu phụ thể hiện ở giá sách, bàn cạnh ghế sofa, gối, ghế ăn và trong tấm thảm. 

Cuối cùng, hồng cam san hô là màu nhấn mạnh, có thể thấy ở gối tựa lưng và chậu cây.

Một số mẫu bánh xe màu sắc dựa trên nguyên tắc 60 - 30 - 10 dưới đây có thể là lựa chọn lý tưởng dành cho thiết kế ngôi nhà của bạn:

Quy tắc này là một công cụ hiệu quả khi bạn sáng tạo ý tưởng thiết kế nội thất kết hợp với bánh xe màu. Tuy nhiên, khi bạn muốn không gian có nhiều hơn ba màu thì bạn có thể điều chỉnh công thức một cách tương đối, chỉ cần đảm bảo được tỷ lệ màu chủ đạo là nhiều nhất, tỷ lệ màu tạo điểm nhấn là ít nhất. Bên cạnh đó, bạn có thể tạo ra màu thứ tư, thứ năm… bằng cách chia màu chính - phụ hoặc thêm bóng sáng - tối cho màu đó.

Kết hợp màu nóng và màu lạnh

Cụm từ "màu nóng và màu lạnh" đề cập đến vị trí các màu sắc cụ thể trên bánh xe màu. Theo đó, các sắc thái như đỏ, cam và vàng được coi là màu nóng bởi chúng rực rỡ hơn. Tuy nhiên, một số màu trung tính như nâu và màu da rám nắng (màu tan) cũng được đưa vào nhóm màu này. 

Đối lập với nhóm màu nóng là các màu lạnh như xanh lam, xanh lá cây, tím và cả màu xám.

Việc lựa chọn các màu nóng hoặc lạnh sẽ ảnh hưởng đến năng lượng của không gian. Bởi màu sắc ấm áp có xu hướng mang lại cảm giác lạc quan và thân thiện cho một căn phòng nên chúng sẽ phù hợp nhất trong không gian giải trí. Bạn cũng có thể cân nhắc về việc sử dụng những sắc thái màu này trong phòng ăn hoặc nhà bếp của mình. 

Mặt khác, màu lạnh sẽ dịu dàng hơn và hoạt động tốt nhất trong phòng ngủ cũng như không gian văn phòng, nơi mà những năng lượng êm dịu được đánh giá cao.

Kết hợp gam màu nóng và lạnh sẽ tạo nên sự đồng điệu cho không gian của bạn. (Ảnh: Marina_D / Shutterstock)

Bảng màu tương phản

Trong tất cả các quy tắc màu sắc mà những nhà thiết kế nội thất sử dụng, cách phối màu bổ sung thường được cho là đơn giản nhất, bởi nó thường chỉ sử dụng hai màu sắc. Hơn nữa, đó lại chính là hai màu nằm đối diện trực tiếp với nhau trên bánh xe màu.

Như vậy, bạn sẽ có được những sự kết hợp như xanh lam và cam, vàng và tím hoặc đỏ và xanh lục.

Như ta có thể thấy, các cặp màu này có độ tương phản cao và chắc chắn sẽ mang đến một nguồn năng lượng mạnh mẽ cho không gian, chính vì thế lựa chọn tối ưu cho gia chủ là sẽ chỉ sử dụng những cặp màu này với liều lượng nhỏ. Bạn nên coi chúng như màu điểm nhấn cho căn phòng của mình và sử dụng thêm nhiều màu trung tính để cân bằng cũng như tạo không gian cho mắt được nghỉ ngơi.

Màu tương phản

Sử dụng gam màu nóng hoặc lạnh sẽ tạo nên sự đồng điệu cho không gian của bạn
Các màu bổ sung nằm đối diện nhau trên bánh xe màu. (Ảnh: Africa Studio / Shutterstock)

Bảng màu liền kề - tương tự

Nếu bạn gặp khó khăn khi điều hướng bánh xe màu sắc, cách phối màu tương tự có thể dành cho bạn. Trong trường hợp này, tất cả những gì bạn phải làm là chọn một màu trung tâm, sau đó sử dụng 2 màu còn lại nằm ở 2 bên trên bảng màu. Hay hiểu đơn giản hơn, là chọn ra các màu gần nhau để bài trí và thiết kế nội thất.

Ở đây, sẽ có 2 màu cơ bản và màu thứ 3 là kết quả sự pha trộn của hai màu. Ví dụ như đỏ - cam - vàng hoặc đỏ - tím - xanh lam. 

Khi sử dụng ba màu trong cách phối này, bạn nên chia tỷ lệ phù hợp để đảm bảo không gian có cảm giác cân bằng. Bạn hoàn toàn có thể kết hợp cùng quy tắc 60 - 30 - 10 nêu trên để kiểm soát tỷ lệ màu sắc của mình.

Bảng màu liền kề tương tự

Các màu tương tự nằm cạnh nhau trên bánh xe màu
Các màu tương tự nằm cạnh nhau trên bánh xe màu. (Ảnh: Photographee.eu / Shutterstock)

Hãy nhớ rằng, bạn luôn có thể sử dụng các sắc thái khác nhau của cùng một màu như một cách để tạo ra sự đa dạng. Ngoài ra, nếu bạn không phải là người yêu thích những màu sắc rực rỡ, bạn cũng vẫn có thể sử dụng cách phối màu tương tự với việc sử dụng màu trung tính. Đây thường được gọi là bảng màu đơn sắc và những gì bạn cần làm là pha trộn màu đen, trắng và ghi để tạo nên một tổng thể thời thượng và hiện đại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top