Bộ Nội vụ vừa đề xuất Chính phủ một phương án mới về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, trong đó chỉ có 11 tỉnh, thành trên cả nước dự kiến được giữ nguyên hiện trạng. Trong số đó, có 4 tỉnh ở miền Trung được đề xuất không sáp nhập gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và TP. Huế.
Dự thảo Nghị quyết mới được xây dựng trên cơ sở các tiêu chí diện tích và dân số theo Nghị quyết 1211 (năm 2016) và các cập nhật tại Nghị quyết 27 (năm 2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thanh Hóa
Là một trong những tỉnh có diện tích lớn, dân số đông và vị trí chiến lược của Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa chưa từng bị chia tách hay sáp nhập kể từ khi hình thành. Trong gần một thiên niên kỷ, tên gọi "Thanh Hóa" đã gắn bó với lịch sử phát triển liên tục của vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi khởi nguồn nhiều triều đại và danh nhân văn hóa nổi tiếng.

Một góc TP. Thanh Hóa. Ảnh: Báo Dân trí
Từ thời nhà Lý, khoảng năm 1029, vùng này đã được xác lập là một đơn vị hành chính độc lập mang tên lộ Thanh Hóa, là một trong 24 lộ đầu tiên của Đại Việt. Từ đó đến nay, tỉnh chưa từng thay đổi về ranh giới địa lý cấp tỉnh và tên gọi Thanh Hóa đến nay cũng đã gần 1.000 năm tuổi.
Nghệ An – Hà Tĩnh
Khác với Thanh Hóa, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh từng trải qua nhiều biến động về mặt hành chính. Trước năm 1831, cả hai cùng thuộc trấn Nghệ An. Dưới triều Minh Mạng, Hà Tĩnh được tách ra thành tỉnh riêng. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất năm 1976, hai tỉnh lại được sáp nhập thành Nghệ Tĩnh với diện tích khoảng hơn 22.400km2, chiếm khoảng 1/15 diện tích của cả nước.

TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Việc sáp nhập với tên gọi Nghệ Tĩnh duy trì đến năm 1991 thì được Quốc hội thông qua chia tách lại như ban đầu.
Hiện nay, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16.490km2), giữ vai trò kết nối kinh tế - giao thương giữa Lào, Thái Lan và biển Đông. Trong khi đó, Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, trở thành một trong những điểm sáng của khu vực miền Trung.
TP. Huế

TP. Huế trước là tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Internet
Trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương, Huế là thành phố mới nhất và có diện tích tự nhiên lớn nhất (gần 5.000km2). Việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2024.
TP. Huế hiện gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận, với dân số trên 1,2 triệu người. Theo quy hoạch dài hạn đến năm 2045, Huế sẽ trở thành thành phố Festival đặc trưng, trung tâm văn hóa – giáo dục – y tế hàng đầu cả nước và khu vực.