Aa

4 xu hướng thiết kế, xây dựng khu công nghiệp

Thứ Sáu, 10/05/2019 - 10:00

Những năm gần đây, nguồn vốn FDI tăng là tương lai sáng cho sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp. Vậy đâu là những xu hướng thiết kế, xây dựng khu công nghiệp từ góc nhìn quy chuẩn?

Rõ ràng, thực trạng các doanh nghiệp FDI “nô nức” đặt chân tới Việt Nam đã tạo ra sự sôi động trên thị trường bất động sản công nghiệp. Nhu cầu nhà xưởng thiết kế sẵn trong các khu công nghiệp tăng vọt, hàng trăm khu công nghiệp quy hoạch mọc lên trên địa bàn cả nước để đáp ứng nhu cầu ấy. Trước thực trạng khan hiếm đất khu công nghiệp và giá thành thuê đất ngày một cao, việc tìm đến các khu công nghiệp có nhà xưởng xây sẵn phù hợp với công năng và nhu cầu của doanh nghiệp và ngành sản xuất đang được ưu tiên hàng đầu do tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Tất nhiên, việc quy hoạch và thiết kế khu công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008/BXD của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/04/2008 và các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành khác. Vậy đâu là xu hướng thiết kế, xây dựng khu công nghiệp đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp từ góc nhìn quy chuẩn? Hội thảo Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2019 được tổ chức tại Hà Nội ngày 23/4 vừa qua đã đề cập đến điều này qua phần phát biểu của ông Ngô Hữu Tiệp, Chủ tịch GIZA E&C., JSC.

Ảnh 1 - CEO Giza E&C Ngô Hữu Tiệp tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019

CEO Giza E&C Ngô Hữu Tiệp tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019

Quy hoạch khu công nghiệp sạch, xanh, an toàn

QCXDVN 01:2008/BXD đã nhấn mạnh yêu cầu phải: ”Bố trí các công trình phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, cảnh quan, hài hoà với các quần thể kiến trúc khác trong đô thị”. Cũng trong đó quy định rõ ràng về bố trí các nhóm cây xanh công cộng dạng công viên, vườn hoa, mặt nước, nhóm cây xanh dọc tuyến đường chủ yếu tạo bóng mát, ngăn bụi và tiếng ồn và nhóm cây xanh cách ly với tiêu chuẩn cụ thể khác nhau.

Khi xu hướng phát triển bền vững được cả thế giới công nhận thì việc quy hoạch khu công nghiệp xanh, sạch an toàn và nhân văn là điều tất yếu. Mật độ cây xanh trong từng lô đất công nghiệp, công tác xử lý nước thải, chất thải và bùn thải khu công nghiệp, các tiêu chí đo lường mức độ ô nhiễm cần được làm rõ và đi vào cụ thể. Đơn vị quan trắc môi trường chịu trách nhiệm việc đo đạc chính xác trong khi Bộ Tài Nguyên và Môi Trường kết hợp với Bộ Xây Dựng tạo điều kiện, khuyến khích các khu công nghiệp xanh, sạch phát triển trên cả nước.

Quy hoạch phát triển hạ tầng sản xuất gắn liền hạ tầng xã hội

Xét cho cùng, quy hoạch hạ tầng sản xuất không thể xa rời quy hoạch hạ tầng xã hội. Công nhân cũng là một bộ phận dân cư, quần thể khu công nghiệp cũng bao gồm quần thể đô thị trong đó công nhân và gia đình họ sinh hoạt, phát sinh các nhu cầu cấp thiết về ăn, ở, mặc, sinh hoạt gia đình, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí…

Yếu tố nhân văn và bền vững trong quy hoạch khu công nghiệp gắn liền với đô thị thể hiện ở việc quy hoạch cơ sở hạ tầng, các tiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, giải trí...phục vụ nhu cầu cơ bản cấp thiết của người công nhân. Việc chăm sóc và nâng cao chất lượng đời sống công nhân chắc chắn sẽ dẫn đến chuyển dịch tích cực trong mô hình và hiệu quả sản xuất của khu công nghiệp. Một số mô hình khu công nghiệp của các nhà đầu tư như TNI, Phú Mỹ, Rạng Đông, Viglacera, IDICO… đều đang hướng tới quy hoạch theo xu hướng phát triển hạ tầng sản xuất gắn liền hạ tầng xã hội này.

Ảnh 2 - Khu công nghiệp Bỉm Sơn A của TNI Holdings

Khu công nghiệp Bỉm Sơn A của TNI Holdings

Tập đoàn TNI Holdings Việt Nam là một minh chứng tiêu biểu trong việc phát triển các khu công nghiệp gắn liền với khu đô thị. Bên cạnh việc chú trọng xây dựng hệ thống dịch vụ trọn gói cho các nhà đầu tư, TNI còn hướng tới phát triển một môi trường làm việc phức hợp và tiện ích, đáp ứng mọi nhu cầu của người lao động bằng việc đầu tư ký túc xá nhân viên, hệ thống siêu thị, khu trường học, khu giải trí… Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, hướng tới an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển khu công nghiệp khép kín.

Liên kết nội khu, các khu công nghiệp chặt chẽ; thúc đẩy thu hút đầu tư phù hợp đặc thù địa phương

Liên kết nội khu kinh tế thực chất là sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một nội khu, dựa trên lợi ích kinh tế là chính, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo ra tính cạnh tranh kinh tế cao hơn cho nội khu kinh tế. Sự hình thành liên kết nội khu và khu công nghiệp thường dựa trên vị trí địa lý, chuỗi ngành hàng và tổ chức sản xuất.

Thực trạng hiện nay, các khu công nghiệp ở Việt Nam cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác, làm triệt tiêu đi lợi thế so sánh, thậm chí kéo lùi sự phát triển. Trong khi đó, liên kết nội khu, khu công nghiệp sẽ giúp tận dụng, phát triển triệt để hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, du lịch và dịch vụ; song song với phát triển nguồn nhân lực, di chuyển lao động và nhà ở, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; xây dựng các đô thị gắn liền với khu công nghiệp, các công trình, dự án xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Rõ ràng, việc liên kết nội khu và khu công nghiệp chặt chẽ sẽ giúp khai thác được tiềm năng kinh tế một cách trọn vẹn, từ đó thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị để sản xuất, tăng hiệu quả hoạt động kinh tế của từng chủ thể.

Ảnh 3 - Dự án nhà máy dệt nhuộm Chain Yarn tại KCN Bàu Bàng - Bình Dương do Giza E&C làm tổng thầu

Dự án nhà máy dệt nhuộm Chain Yarn tại KCN Bàu Bàng - Bình Dương do Giza E&C làm tổng thầu

Các cụm, khu công nghiệp có định hướng ngành nghề rõ ràng, đặc thù hơn, thúc đẩy ngành công nghiệp trọng điểm, thu hút đầu tư theo nhóm

Điều này đòi hỏi công tác quy hoạch thiết kế khu công nghiệp và vùng công nghiệp tập trung hơn, phù hợp với nhóm ngành trọng điểm để phát huy được lợi thế vùng công nghiệp cũng như tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với công năng ngành sản xuất. Từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp mũi nhọn của địa phương, giảm sự cạnh tranh và tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các cụm, khu công nghiệp để tạo nên một nền công nghiệp thống nhất và đồng bộ, tính phân hóa cùng chuyên môn hóa rõ rệt.

Như vậy, có thể thấy, nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã mở ra một hành lang pháp lý mới, khái niệm mới về đô thị trong khu công nghiệp, qua đó giải quyết những bất cập về quy hoạch tiện ích nhà ở, sinh hoạt xã hội cho người lao động và hướng đến môi trường khu công nghiệp xanh, sạch, nhân văn, phát triển bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top