Đánh giá thị trường địa ốc chưa xuất hiện các dấu hiệu bong bóng và vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng nhưng Hiệp hội BĐS TP. HCM khuyến cáo thị trường đang tồn tại nhiều "điểm nghẽn" lớn đáng lo ngại cần phải giải tỏa để tránh gây tác động tiêu cực đến thị trường BĐS trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Theo đó, HoREA cho rằng, hiện nay tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, là ẩn số, tạo ra cơ chế "xin - cho". Để giải quyết một phần “điểm nghẽn” này và để hỗ trợ doanh nghiệp, UBND TP. HCM đã cho phép doanh nghiệp được tạm nộp tiền sử dụng đất dự án ngay sau khi Sở Tài nguyên & Môi trường xác định giá đất nhằm để chủ đầu tư tiếp tục làm các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng. Việc này đã giúp cho doanh nghiệp giảm được khoảng 6 tháng chờ làm thủ tục thẩm định giá đất như quy trình trước đây, góp phần giảm giá thành nhà ở.
Ngoài ra, "điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng lại dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, "chôn" vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài. Đến cuối năm 2016, TP. HCM có đến 500 dự án ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án trì trệ chủ yếu do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng.
Để giải quyết thực trạng này, Chủ tịch HoREA đề xuất cơ quan chức năng xem xét thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất để sớm triển khai thực hiện dự án và giao cho "Tổ chức phát triển quỹ đất" của các tỉnh, thành phố thực hiện. Sau đó tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư, vừa đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tình trạng khiếu kiện như hiện nay, vừa tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Việc chuyển nhượng dự án BĐS cũng là một "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường BĐS, do pháp luật quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án, được xem là một hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.
Về chính sách tín dụng cho thị trường BĐS, theo ông Lê Hoàng Châu, chính sách tín dụng chưa phù hợp. Thị trường BĐS có đặc thù chu kỳ phát triển dự án kéo dài 2 - 3 năm thậm chí 3 - 5 năm. Do đó, đây là ngành cần sự hỗ trợ từ dòng vốn lâu dài. Tuy nhiên, chính sách tín dụng chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường và lãi suất cho vay vẫn còn cao và đáng tiếc hơn nữa là thiếu nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội. Hiện nay, mới chỉ có 1 quỹ đầu tư BĐS trong nước là Quỹ đầu tư TCREIT thuộc Techcombank thành lập tháng 7/2016.
Chủ tịch HoREA nhận định hiện lãi suất cho vay vẫn còn cao và có khả năng sẽ tăng trong năm 2017 và đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Ngoài ra, lãnh đạo HoREA cho rằng, thủ tục hành chính kéo dài nhiều khâu, chồng chéo, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất cũng đang tạo sức ì cho thị trường.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị giao cho cấp tỉnh thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1 (trên 20 tầng) để giảm thiểu lợi ích nhóm. Cụ thể, giao cho Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cấp 1 và cả các dự án nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng trên 20.000 m2. Đồng thời cần thống nhất quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Đó là miễn thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng đối với tất cả các công trình xây dựng trong dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng), đã có thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức này còn đề nghị giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng.