Aa

5 dự án khơi thông cửa ngõ TP.HCM về miền Tây

Thứ Hai, 04/04/2022 - 15:30

Mở rộng quốc lộ 50 cùng bốn dự án xây mới, nâng cấp các tuyến huyết mạch về miền Tây được đầu tư thời gian tới giúp TP.HCM khơi thông cửa ngõ và tăng kết nối vùng.

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh thành, hơn 17 triệu dân, có nhiều tiềm năng nhưng nhiều năm qua kinh tế phát triển chưa tương xứng do hạ tầng giao thông yếu kém.

Hiện, 80% lượng hàng hóa của vùng vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TP.HCM để xuất khẩu. Tuy nhiên cả khu vực mới có gần 100km cao tốc hoạt động, trong khi tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1, 50, N2... đều quá tải. Do đó gần đây nhiều dự án giao thông kết nối các tỉnh miền Tây với Đông Nam Bộ, nhất là với TP.HCM được đẩy nhanh.

Hướng tuyến 5 dự án cửa ngõ phía Tây TP.HCM kết nối Long An, Tiền Giang. Đồ họa: Khánh Hoàng

Tuần trước, dự án mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm phê duyệt, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Đây là dự án được thành phố ấp ủ nhiều năm, nhằm tháo điểm nghẽn ùn tắc, tai nạn cho tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây.

Quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ, hẹp thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: Hữu Khoa

Quốc lộ 50 sẽ được mở rộng trên chiều dài 7km, rộng 34m, 6 làn xe, điểm đầu tại giao lộ đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối giáp ranh Long An. Công trình chia làm hai đoạn: đoạn một dài gần 4,4km xây đường mới song song quốc lộ 50; đoạn còn lại dài hơn 2,5km mở rộng tuyến hiện hữu. Dự án cũng xây mới cầu Bà Lớn băng qua rạch Bà Lớn và cầu Ông Thìn vượt sông Cần Giuộc, đáp ứng 6 làn xe. Công tác giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do huyện Bình Chánh triển khai, hiện sắp hoàn thành. Đây là thuận lợi để việc mở rộng tuyến đường hoàn thành năm 2024 như kế hoạch.

Quốc lộ 50 dài 88km, đi qua TP.HCM, Long An và Tiền Giang. Đoạn qua TP.HCM hiện chỉ hai làn xe, trong khi đây là đường dẫn vào khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước nên mỗi ngày dày đặc xe chở rác, container, ô tô tải... Dự án mở rộng khi hoàn thành ngoài giảm ùn tắc, tai nạn sẽ tạo thuận lợi cho giao thương hàng hoá từ TP.HCM về miền Tây; tăng kết nối cho cao tốc Bến Lức - Long Thành cùng các tuyến vành đai ở thành phố đưa vào khai thác vài năm tới.

Cùng với mở rộng quốc lộ 50, tuyến quốc lộ 50B kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang, mới được Thủ tướng phê duyệt. Tuyến đường có điểm đầu tại đường Phạm Hùng (TP.HCM), điểm cuối tại ngã ba Trung Lương (Tiền Giang), tổng chiều dài 55km, rộng 78m, dự tính tổng mức đầu tư khoảng 18.600 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua địa phận Long An hơn 35km, qua Tiền Giang hơn 14km, đoạn qua TP.HCM 5,8km.

Phối cảnh quốc lộ 50B kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Ảnh: Ban Quản lý dự án

Tại Long An - nơi tuyến đường đi qua nhiều nhất với tổng chiều dài hơn 35km, địa phương đã lên kế hoạch chia 4 phân đoạn lớn để đầu tư. Hiện tỉnh tập trung triển khai giải phóng mặt bằng, trong đó đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông dự kiến hoàn tất trong năm 2022. Long An cũng đang lập kế hoạch khai thác quỹ đất dọc tuyến và chuẩn bị kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong khi đó phía TP.HCM và Tiền Giang đang sớm xúc tiến các kế hoạch triển khai.

Quốc lộ 50B khi hoàn thành tạo trục kết nối giao thông với các tuyến Vành đai 3, 4 TP.HCM, góp phần liên kết các cửa ngõ quốc tế bằng đường biển (cảng Hiệp Phước, cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép, cảng Long An) và đường hàng không (sân bay quốc tế Long Thành). Dự án cũng tạo quỹ đất để chỉnh trang, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút đầu tư, phát triển các khu dân cư, thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp dọc hai bên.

Một dự án được kỳ vọng giúp liên kết TP.HCM với Long An là nối dài đường Võ Văn Kiệt, huyện Bình Chánh đến Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hoà). Tuyến đường được đề xuất xây dựng từ Vành đai 3 TP.HCM đến tỉnh Long An tại đường tỉnh 822, 823. Đây là các tuyến đường tỉnh đã có sẵn, nối vào Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô. Đoạn còn lại qua TP.HCM dài khoảng 12,5km, đang chờ bổ sung vào quy hoạch.

Cuối đường Võ Văn Kiệt giao quốc lộ 1 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, tháng 2/2021. Ảnh:Gia Minh

Đường nối Võ Văn Kiệt dự kiến rộng 33m, 6 làn xe, tổng đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng. Công trình khi hoàn thành giúp giảm tải cho trục chính Trần Văn Giàu - tỉnh lộ 10 kết nối từ Bình Chánh qua Đức Hòa đang đông xe, khó mở rộng. Đồng thời, việc kéo dài tuyến tạo thuận lợi cho nhu cầu chở hàng hóa từ các khu công nghiệp Long An đến Vành đai 3, các cụm cảng, công nghiệp... ở TP.HCM.

Trong kế hoạch đầu tư hạ tầng từ nay đến năm 2025, TP.HCM ưu tiên dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa, kết nối từ huyện Hóc Môn đến Long An tại vị trí cầu Lớn, tổng chiều dài 22km. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 3,7km sẽ được mở rộng lên 40m; xây mới đường song hành Phan Văn Hớn, dài 8,5km, rộng 30m, kinh phí 3.800 tỷ đồng. Đoạn qua tỉnh Long An sẽ mở rộng đường tỉnh 824 dài hơn 2km, rộng 30m, kinh phí khoảng 470 tỷ đồng.

Năm ngoái, ngành giao thông TP.HCM và Long An cũng thống nhất triển khai dẹ án mở đường phía Tây Bắc, nối từ quốc lộ 1 (quận Bình Tân) đến Vành đai 4 ở thị trấn Hậu Nghĩa. Đoạn qua TP.HCM, dự án nâng cấp đường Nguyễn Thị Tú, liên ấp 6-2-5 với tổng chiều dài khoảng 10km, rộng 40m, kinh phí khoảng 5.200 tỷ đồng. Đoạn qua Long An xây đường mới dài gần 5km, rộng 40m, vốn đầu tư khoảng 1.260 tỷ đồng. Tuyến đường khi hình thành sẽ tạo trục giao thông quan trọng kết nối TP.HCM về miền Tây. Công trình cũng giúp chia lửa cho giao thông các tuyến tỉnh lộ 9, 10 hiện hữu...

Ngoài các dự án trên, kế hoạch phát triển giao thông tại TP.HCM theo lộ trình ưu tiên dự án trọng điểm, cấp bách. Tại cửa ngõ phía Tây, Sở Giao thông Vận tải đề xuất từ nay đến năm 2025 ưu tiên các dự án quan trọng là đường song song quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), dài 5,8km, rộng 40m, kinh phí 3.200 tỷ đồng; dự án xây cầu Rạch Dơi (huyện Nhà Bè), tổng vốn đầu tư khoảng 781 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22, dài 5,4km, tổng vốn 935 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top