Những tác động của sự phát triển thị trường tiền tệ - ngân hàng
Sự phát triển về quy mô và hoạt động của thị trường tiền tệ - ngân hàng có những tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế cũng như góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. Một số điểm chính có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, sự phát triển của thị trường tiền tệ thể hiện qua cung tiền di động/GDP và tổng tín dụng tư nhân/GDP có quan hệ cùng chiều với tăng trưởng kinh tế. Điều này hàm ý rằng thị trường tiền tệ - ngân hàng phát triển hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Kết quả tìm ra là nhất quán với các nghiên cứu thực nghiệm trước đây.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam đang bớt lệ thuộc vào nguồn vốn từ thị trường tiền tệ với sự xuất hiện đa dạng các kênh hỗ trợ vốn khác nhau như là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trái phiếu và cổ phiếu. Nếu như trong giai đoạn 2003 - 2004, cần tới 25% tăng trưởng cung tiền rộng và 30% tăng trưởng tín dụng tư nhân để tạo ra khoảng 6,9% tăng trưởng kinh tế, thì tới giai đoạn 2017 - 2018, con số này giảm xuống còn khoảng 13% và 15%, tương ứng.
Thứ ba, đối với sự ổn định kinh tế, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy cung tiền rộng và tổng tín dụng tư nhân tương quan dạng chữ U ngược với biến Bank Z-score (Bank Z-score càng cao thì rủi ro càng thấp). Điều này hàm nghĩa là việc tăng cung tiền rộng và tín dụng tư nhân có tác dụng thúc đẩy ổn định tài chính tại Việt Nam, nhưng chỉ đến một giới hạn nhận định. Vượt qua ngưỡng này (93,65% với M2/GDP và 82,87% với tín dụng/GDP), sự tăng lên của cung tiền rộng và tín dụng tư nhân tạo áp lực tới ổn định kinh tế. Lý giải cho điều này, nghiên cứu của Arcand và cộng sự năm 2015 đã chỉ ra, với quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng và thị trường tiền tệ thì các cú sốc trên thị trường này sẽ có lan tỏa mạnh tới các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra sự bất ổn kinh tế.
Thứ tư, tồn tại mối quan hệ ngược chiều giữa sự phát triển của thị trường tiền tệ và bất ổn tài chính của hệ thống ngân hàng thương mại (thể hiện ở chỉ tiêu NPL). Mối quan hệ ngược chiều này được thấy ở cả mối quan hệ giữa cung tiền M2 tăng trưởng tín dụng đối với chỉ tiêu nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy, việc thị trường tiền tệ phát triển đã làm tăng hiệu quả phân bổ vốn trong nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro tín dụng vốn là rủi ro trọng yếu nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Một số khuyến nghị
Một là, đổi mới khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ hướng tới ổn định giá cả, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cụ thể: Xây dựng khuôn khổ chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu ưu tiên cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô;
Điều hành nghiệp vụ thị trường mở theo hướng là công cụ điều tiết chủ yếu vốn khả dụng của các TCTD theo mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước;
Xác định cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ phù hợp trong từng thời kỳ. Đồng thời, đánh giá thường xuyên hiệu quả của các cơ chế truyền dẫn để không ngừng cải tiến, hoàn thiện;
Từ nay đến năm 2030, tiếp tục thực hiện cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý, điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt cao hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Bước sang giai đoạn tiếp theo (tầm nhìn đến năm 2045): thực hiện cơ chế tỷ giá thả nổi trong điều kiện pháp lý và thực tế cho phép.
Từng bước mở rộng phạm vi của các giao dịch vốn phù hợp với lộ trình hội nhập theo cam kết quốc tế và mức độ phát triển của hệ thống các TCTD và thị trường tài chính tiền tệ tại Việt Nam.
Hai là, nâng cao năng lực tài chính của các thành viên trên thị trường tiền tệ, đặc biệt, về phía các TCTD: Đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện, triệt để các TCTD với trọng tâm nâng cao năng lực tài chính và quản trị; Cơ cấu lại hoạt động theo hướng tới an toàn, hiệu quả và bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế: Áp dụng rộng rãi Basel II chi giai đoạn 2020 - 2030; Áp dụng rộng rãi Basel III cho giai đoạn 2030 - 2045.
Ba là, Ngân hàng Nhà nước cần thúc đẩy mua bán sáp nhập trên cơ sở tự nguyện các TCTD hiện hữu thành các định chế có quy mô lớn hơn và năng lực quản trị tốt hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Bốn là, khuyến khích tăng cường chất lượng thông tin công bố của các TCTD, hướng tới áp dụng chế độ báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) để cải thiện lòng tin của nhà đầu tư. Bước sang giai đoạn tiếp theo cần áp dụng chế độ báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế là yêu cầu bắt buộc đối với mọi TCTD để củng cố vững chắc lòng tin của nhà đầu tư.
Năm là, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, các TCTD cần nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện hữu, song song với việc phát triển đa dạng các dịch vụ mới chứa đựng hàm lượng tri thức và công nghệ cao, phát triển hoàn thiện và áp dụng rộng rãi các công cụ, nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro trong hoạt động.
Nhóm chuyên gia Học viện Ngân hàng