Aa

5 năm tăng thêm 1 triệu người, TP.HCM bàn cách "giải cơn khát" nhà ở

Khởi Minh
Khởi Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 19/09/2019 - 06:30

Vấn đề nhà ở đang trở thành câu chuyện cấp bách của TP.HCM khi cứ 5 năm, thành phố này lại tăng thêm 1 triệu người, trong khi thu nhập của người dân tăng chậm khiến nhà ở vẫn là giấc mơ xa vời với nhiều người.

Gia tăng áp lực nhà ở cho người thu nhập thấp

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, công nhân lao động, người nhập cư. Trong đó có gần 300.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất.

Số lượng công nhân ngoại tỉnh khoảng 190.000 người, chiếm 69% tổng số lao động. Số lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI khoảng 195.000 người, chiếm tỉ lệ 71%.

Hiện TP.HCM có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình. Trong đó có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở. Thành phố cũng có hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch; 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp. Do đó, nhu cầu về nhà ở của người dân rất cao nhưng nguồn cung về nhà ở lại luôn thiếu hụt và không đáp ứng hết nhu cầu của người dân.

Phát biểu tại hội thảo “Tìm giải pháp phát triển nhà ở để đáp ứng gia tăng dân số một triệu người sau mỗi năm năm” tại TP.HCM diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định:

“TP.HCM đang đứng trước thách thức không nhỏ với quy mô dân số lớn, việc tiếp nhận 200.000 người mỗi năm đặt ra những yêu cầu cao về nơi cư trú cho người dân”.

Theo ông Phong, thống kê năm 2019, dân số Thành phố chỉ khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, học tập, du lịch tại đây.

Trung bình cứ 5 năm dân số TP.HCM lại tăng thêm 1 triệu người, dẫn đến những áp lực rất lớn về nhu cầu nhà ở. Do vậy, việc đáp ứng nhu cầu này được TP. HCM coi là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng.

“Hiện nay, diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP là 19,9m2, đến 2025 là 20,3m2. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận lớn người lao động, nhất là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí thuê nhà với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn", ông Phong nhìn nhận. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Thiếu nhà ở thương mại và nhà cho thuê

Theo Chủ tịch HOREA - ông Lê Hoàng Châu, nguyên nhân khiến người dân khó tiếp cận nhà ở xã hội, thành phố đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có mức giá vừa túi tiền dành cho người thu nhập thấp; thiếu nhà cho thuê giá thấp dành cho công nhân, sinh viên.

Mặt khác, giá nhà ở hiện nay tăng cao qua các năm, mỗi năm tăng từ 10 - 20 lần nhưng thu nhập của người dân lại tăng khá chậm, thậm chí có người thu nhập không tăng theo các năm vì vậy người dân không có đủ tích lũy tài chính để tiếp cận mua nhà ở giá rẻ, nhà ở thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, Nhà nước cũng chưa có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013 - 2016, đến nay đã hết ngân sách giải ngân. Các thủ tục hành chính liên quan đến mua nhà ở xã hội, vay mua nhà ở xã hội cũng nhiêu khê, phức tạp, phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt khiến người dân mệt mỏi, nản lòng với các chính sách nhà ở xã hội ....

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng đánh giá, vấn đề nhà ở hiện nay rất cấp bách và bức xúc, đặc biệt với một đô thị lớn như TP.HCM. Do đó, muốn giải quyết không đơn giản và phải có những quan điểm rất rõ ràng.

Theo ông Hoan, phát triển nhà ở phải gắn với phát triển kinh tế, gắn với phát triển hạ tầng và gắn với phát triển vùng. Ví dụ, phải hỗ trợ các khu vực lân cận Thành phố phát triển kinh tế ở đó, nếu không thì dân nhập cư vào Thành phố càng nhiều, lại thêm khó khăn khi đáp ứng nhu cầu nhà ở. Theo đó, Thành phố cùng các khu vực lân cận phải phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cho cả vùng, chứ không chỉ cho TP.HCM.

Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, nguyên nhân do Thành phố chưa giải quyết các thủ tục hành chính liên quan về ưu đãi giảm tiền thuê đất, thuế đất… khi xây nhà ở xã hội.

“Khi đơn vị hỏi sở ngành này thì chỉ nhận được câu trả hồ sơ đang ở sở kia… hình như có sự đùn đẩy trách nhiệm ở đây. Vì vậy, chúng tôi muốn kiến nghị nhà nước nên giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất, đồng thời cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích đầu tư từ xã hội hóa?”, ông Lê Hữu Nghĩa nói.

TP.HCM đang thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ...

Giải pháp nào?

Trước các vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, việc tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị đặc biệt với mức độ đô thị hóa cao như TP.HCM.

Để giải quyết các vướng mắc, theo ông Nguyễn Thành Phong, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, bố trí các quỹ đất, cũng như cân đối nguồn vốn ngân sách xây dựng nhà ở xã hội tại quận, huyện.

Đối với các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, hoặc các khu đất nhà ở xã hội, sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo phương thức hoán đổi giá trị quyền sử dụng đất để tạo lập qũy nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Ngoài ra sẽ có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ. Đối với các nhà quản lý, UBND TP. HCM sẽ yêu cầu các Sở, ban ngành sớm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội.

Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ, công chức, thành phố cũng đã nâng mức vay mua nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước từ 500 lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà, đến nay nguồn vốn đã giải ngân được 15.000 tỷ đồng….

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, Thành phố cần khuyến khích và đẩy mạnh mô hình hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở, cho thuê nhà ở; mô hình phát triển các điểm dân cư nông thôn; mô hình văn phòng - lưu trú, căn hộ dịch vụ, căn hộ du lịch, cửa hàng - lưu trú đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, kết hợp vừa làm việc, kinh doanh vừa lưu trú. Cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp, người nhập cư. Ngoài ra, cần phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM.

“Để giải quyết các vấn đề đó, Nhà nước cần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch; Doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao tính chuyên nghiệp, có năng lực tài chính; xây dựng tinh thần doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật và tôn trọng lợi ích chính đáng của khách hàng”, lời ông Châu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa nêu quan điểm, để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, Thành phố có thể cân nhắc những khu đất chừng 10ha tại các khu vực quy hoạch phát triển để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp:

“Nếu làm được việc này, thị trường bất động sản TP. HCM mới phát triển bền vững, không lệch pha cung cầu và đẩy lùi được tình trạng mua nhà để đầu tư nhiều hơn mua nhà để phục vụ nhu cầu sinh sống thực tế như hiện nay”.

Theo ông Quang, vì lệch pha cung cầu nên những người có nguồn tiền thu nhập ổn định hằng tháng không mua được nhà và nhà ở xã hội lại rơi vào tay những người mua để đầu tư, vô tình đẩy giá nhà lên cao.

Ngoài ra, ông Quang cho rằng, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý để làm sao xây dựng được những căn nhà 40 - 50m2 cho người thu nhập thấp. Đồng thời, cần chính sách hỗ trợ lãi suất cho những người mua căn nhà đầu tiên ở mức 6 - 7%, tức thấp hơn thị trường 3  - 4%, trong 3 - 5 năm đầu tiên để người dân có điều kiện mua nhà ở. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top