Dấu hiệu khôi phục thị trường cũng trở nên rõ nét hơn khi nhiều tập đoàn bất động sản lớn có kế hoạch tái khởi động hậu Covid-19. Vì sao ngành du lịch Việt Nam sớm hồi phục. Sự hồi phục này sẽ đem lại cơ hội ra sao. Reatimes xin lược ghi những phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong bài viết dưới đây:
Thứ nhất, có thể nói, thế mạnh lớn nhất và còn nhiều dư địa khai thác nhất của Việt Nam hiện nay chính là du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá - trải nghiệm và du lịch văn hóa - di sản - tâm linh. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng ven biển có triển vọng phát triển rất tốt. Về điều kiện tự nhiên, chúng ta có rất nhiều rừng, biển. Dựa trên điều kiện xã hội, đất nước ta có nhiều di sản, nhiều đặc điểm văn hóa, đa dạng dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc.
Đặc biệt, theo đánh giá của du khách phương Tây, Việt Nam có nét văn hóa ẩm thực độc đáo và lành mạnh nhất thế giới. Bởi ẩm thực Việt Nam không gây béo phì, mệt mỏi. Không phải ngẫu nhiên, Philip Kotler - “Ông vua” marketing của thế giới - đã nhận xét: Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là tự biến mình trở thành bếp ăn của thế giới. Câu nói đó đã được nghiền ngẫm rất kỹ khi ông nhận ra rằng, Việt Nam có một văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng, lành mạnh bậc nhất thế giới. Ngoài ra, Việt Nam là một trong số không nhiều các quốc gia còn nhiều nét văn hóa dân gian. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, tạo cơ hội phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch thưởng thức văn hóa, di sản…
Du lịch, nghỉ dưỡng trong tương lai có triển vọng rất lớn. Có nhiều tỷ phú nước ngoài đã nói với chúng tôi, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là mặt tiền Biển Đông. Khai thác hiệu quả mặt tiền Biển Đông quan trọng nhất vẫn là du lịch, nghỉ dưỡng. Từng kilômét vuông mặt tiền Biển Đông sẽ ngày càng trở nên quý hiếm để dành cho việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng.
Thứ hai, Việt Nam đang nổi lên trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn, mà còn an toàn nhất thế giới. Tạp chí hàng đầu của Mỹ, The Nation có bài viết “Việt Nam có lẽ là quốc gia ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiệu quả nhất thế giới”, đã ghi nhận Việt Nam như một quốc gia an toàn nhất trong và sau mùa dịch bệnh Covid-19. Chính sự thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam sẽ là “vũ khí” để ngành du lịch mở rộng thị trường khách, sớm hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ.
Thứ ba, Việt Nam đã có những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Chính sự bùng phát và xu hướng đầu tư, phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, đa chức năng, hội tụ tại như danh thắng của như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh... đã đón đầu được xu hướng mới, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam.
Và sau dịch, các tổ chức quốc tế dự báo, khách quốc tế sẽ bùng nổ ở thị trường du lịch Việt Nam, cộng thêm xu hướng nhiều nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, lượng khách du lịch cũng sẽ tăng theo. Với mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú kéo dài của khách quốc tế, áp lực lên nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng ven biển sẽ gia tăng thêm theo thời gian, cần tiếp tục đầu tư thêm nhiều tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng khác.
Thứ tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng du lịch quốc tế vẫn đình trệ do dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020. Việc kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng nhằm vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn, mà trong 4 năm gần đây đã tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Đại diện Google châu Á - Thái Bình nhận định sự phục hồi về nhu cầu du lịch nội địa ở Việt Nam từ giữa tháng 4 đến nay bằng việc dẫn số liệu tìm kiếm liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ. Các điểm đến được nhiều người tìm kiếm nhất trong 30 ngày qua lần lượt là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn...
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay đang nổi lên xu hướng du lịch đường bộ với cự ly gần sẽ phát triển sau dịch bệnh, du khách không muốn di chuyển xa bằng đường hàng không để tránh nguy cơ lây nhiễm. Đơn cử như Vân Đồn có lợi thế về điểm này vì dễ dàng di chuyển, chỉ mất 2,5 tiếng từ Hà Nội tới Vân Đồn (khái niệm travel Bubble: Du lịch an toàn).
Trước mắt, gần như tất cả các khu du lịch, nghỉ dưỡng đã được lấp đầy bởi khách trong nước, do nhu cầu và các gói kích thích giảm giá, phí…
Thứ năm, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhìn chung ổn định. Ngay trong đại dịch Covid-19, không có khả năng tạo ra những bất ổn về kinh tế vĩ mô. Điều đó cho thấy, tỷ giá hối đoái sẽ ổn định và cho phép các nhà đầu tư yêu tâm đầu tư vào các khu du lịch, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Vân Đồn, Phú Quốc trong dài hạn. Khách du lịch cũng cảm thấy có lợi khi chi tiêu ở Việt Nam, khi không phải lo đồng tiền Việt Nam tăng giá. Việt Nam cố gắng tỷ giá ổn định, xu hướng dài hạn là không tăng giá so với đồng đô la và các ngoại tệ khác.
Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (xã Hạ Long) của Tập đoàn CEO góp phần đưa bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Vân Đồn cất cánh
Tóm lại, phải khẳng định rằng, trong trung và dài hạn, du lịch sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, là ngành có tỷ trọng GDP cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành quan trọng nhất, có giá trị lan tỏa rất lớn. Chúng ta cũng chưa tính hết GDP của ngành du lịch, ví dụ như: Dịch vụ ăn uống, giao thông vận tải…, góp phần rất lớn cho du lịch nhưng lại không tính vào GDP du lịch, mà tính vào các dịch vụ khác. Du lịch hiện chiếm xấp xỉ 10% GDP, nếu tính đầy đủ sẽ cao hơn.
Trong tương lai, khoảng 5 - 10 năm tới, ngành du lịch sẽ có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Triển vọng tốc độ tăng trưởng du lịch nghỉ dưỡng hằng năm khoảng 12 - 14%, trong trung và dài hạn. Dự kiến đến năm 2025, doanh thu du lịch tính thuần vào khoảng 45 tỷ USD.
Với những bệ đỡ này, đất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và tăng giá. Điển hình, Vân Đồn đang trỗi dậy, là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin và kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Vân Đồn tương tự như Singapore, trước đây cũng là một làng chài, nhờ chính sách và sự đầu tư đúng đắn đã lột xác trong thời gian rất nhanh.
Nhìn thấy tiềm năng và cơ hội của Vân Đồn, hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn trên cả nước như: Vingroup, CEO Group, Sun Group, FLC, HD Mon... đã dần xuất hiện ở thị trường này. Nhiều dự án được rót vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, hứa hẹn làm “thay da, đổi thịt” thị trường bất động sản Vân Đồn trong tương lai gần.
Đơn cử như tại dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (xã Hạ Long) của Tập đoàn CEO, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác san nền, đầu tư xây dựng các hạng mục; trong đó đã hoàn thành 98% khối lượng thi công gần 200 căn shop house mang tên Singapore Shoptel, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng từ cuối quý II/2020. Hiện các hạng mục đang được đẩy mạnh thi công, đã hoàn thành 192 căn Singapore shoptel, thi công hạ tầng kỹ thuật, bãi tắm dài 2km và đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 Singapore shoptel; hoàn thiện thủ tục đầu tư khách sạn 5 sao công suất 1.000 phòng với 3 thương hiệu Pullman, Novotel, IBis do Tập đoàn Accor quản lý...
Dự kiến khi hoàn tất thủ tục đầu tư, Tập đoàn CEO tiếp tục triển khai đầu tư khách sạn 1.000 phòng, với tiêu chuẩn quốc tế 5 sao ở khu vực liền kề, tạo nên sự kết nối đồng bộ, với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách nội địa và quốc tế.