Aa

6 mảng xám của kinh tế Việt Nam năm 2017 qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế Quốc hội

Thứ Ba, 22/05/2018 - 06:00

Chỉ 1/13 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là kết quả báo cáo của Chính phủ được Ủy ban Kinh tế Quốc hội cơ bản nhất trí. Tuy nhiên, sau thẩm tra đánh giá bổ sung, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ ra nhiều vấn đề trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, môi trường kinh doanh,… cần có biện pháp khắc phục.

1. Quy mô GDP thấp hơn so với dự kiến

Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.


Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị tiếp tục đánh giá đầy đủ về bài học, kinh nghiệm từ kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 trong bối cảnh các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp trong nước chưa có thay đổi lớn, căn bản; cần phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân từ kết quả tăng trưởng cao nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo một cách bền vững hơn.

2. Xuất khẩu còn phụ thuộc vào FDI

Xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 72% (riêng Tập đoàn Samsung tại Việt Nam xuất khẩu 53,3 tỷ USD, chiếm khoảng 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam); chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế trong nước.


3. Chỉ tiêu giảm tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP thực tế kém xa con số đã báo cáo

Chỉ tiêu Giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 là 1,5%, đạt kế hoạch nhưng kết quả đánh giá bổ sung lại thấp hơn nhiều (chỉ được 0,5%). Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã không còn đưa ra chỉ tiêu này. Dù vậy, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần lưu ý đến nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu vì có sự khác nhau lớn về số liệu giữa hai lần báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị đánh giá cụ thể việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế qua việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất thông qua một số chỉ tiêu về tiêu hao năng lượng, nguyên liệu… để có giải pháp phù hợp, hoàn thành chỉ tiêu này một cách thực chất (bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 1-1,5%/năm), góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.


4. Số vượt thu ngân sách phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức, và lợi nhuận còn lại của DNNN

Thu cân đối NSNN năm 2017 vượt 76,48 nghìn tỷ đồng (6,3%) so với dự toán. Tuy nhiên, ngân sách trung ương bị hụt thu, chưa phát huy được vai trò chủ đạo theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; số tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương và phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của DNNN mà không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh thấp hơn khá nhiều so với dự toán và thấp hơn số đã báo cáo.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn về tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và tạo đà cho 3 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 khi ngân sách trung ương và thuế từ sản xuất, kinh doanh đều không đạt kế hoạch, dư địa tăng thu NSNN thiếu bền vững. Nợ đọng thuế năm 2017 là 73.145 tỷ đồng, tuy giảm so với năm 2016 nhưng còn lớn, chiếm 7,6% tổng thu nội địa nhưng chưa được báo cáo rõ về nguyên nhân, giải pháp chống thất thu, nâng cao hiệu quả công tác thu NSNN.

5. Giải ngân vốn thấp hơn dự toán

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ chậm ; số chuyển nguồn NSNN còn khá lớn, kéo dài phản ánh không đúng số thực thu, thực chi ngân sách địa phương. Việc giải ngân chậm vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho thấy những hạn chế đã tồn tại từ lâu trong khâu tổ chức thực hiện, chưa có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, ban quản lý dự án trong từng khâu của quá trình giải ngân để sớm khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân của việc chậm triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập ở một số địa phương; cần có đánh giá bổ sung về nguyên nhân, các giải pháp kiểm soát chi NSNN chưa đạt hiệu quả như yêu cầu, tình trạng chi NSNN sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị.

6. Giấy phép con và danh mục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều

Nhiều giải pháp, cải cách hành chính đã được thực hiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một số bộ, ngành tiếp tục cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính; tuy nhiên, tình trạng "giấy phép con, cháu" còn khá nhiều , môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Theo Trung tâm thông tin và dự báo KTXH quốc gia (Bộ KH&ĐT), hiện nay có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu với khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại 3 lần. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top