Aa

60 dự án bị đề xuất thanh tra: “Thanh tra không có nghĩa là luôn có sai phạm”

Thứ Tư, 17/05/2017 - 00:31

Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) xoay quanh thông tin Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra, tạm dừng 60 dự án chuyển đổi “đất vàng” của các doanh nghiệp cổ phần hoá vì giá trị đất giao trước đây chưa được tính vào giá trị doanh nghiệp, có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Mặc dù mới chỉ là đề xuất song trên thực tế, kiến nghị của Bộ Tài chính đã khiến cho thị trường BĐS một phen lao đao, cả doanh nghiệp và người dân đều hoang mang, lo lắng.

Doanh nghiệp lao đao, người mua hoang mang

Cụ thể, tại Công văn số 2000/BTC-TTr, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ báo cáo rà soát sơ bộ của Tổng Cục thuế tính từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016, có 60 trường hợp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên việc xác định giá trị doanh nghiệp trong thời kỳ chế độ quy định không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, nhưng không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.

Việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường.

Chủ đầu tư một dự án tại Thanh Xuân, Hà Nội cho hay khoảng 2 ngày nay, khách mua nhà liên tục gọi điện đến công ty đòi tiền sau khi thấy tên dự án nằm trong danh sách có thể bị tiến hành thanh tra.

Trong khi đó, tại TP. HCM, những dự án có tên trong danh sách này mấy ngày gần đây giao dịch cũng giảm mạnh, nhiều khách hàng đến xin rút lại tiền cọc, hủy hợp đồng… khiến doanh nghiệp lao đao. Nhiều người mua nhà lo lắng dự án sau thanh tra sẽ bị định giá lại, khiến dân phải tăng đóng góp nên đã liên hệ chủ đầu tư.

Đại diện nhiều đơn vị có dự án trong danh sách bị đề xuất thanh tra cho rằng, danh sách những dự án này để Thanh tra Chính phủ tham khảo, chưa chính thức có được đưa vào thanh tra hay không. Trong khi đó, thông tin trên một số phương tiện truyền thông khiến người mua nhà bất an, hiểu rằng dự án của họ sẽ bị thanh tra, dừng thi công...

Điều đáng lưu ý là danh sách được Bộ Tài chính rà soát trong giai đoạn từ 1/7/2014 tới ngày 30/11/2016; trong khi đó, một số dự án đã thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuế đất nhưng không được cập nhật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đơn cử như Dự án Thương mại dịch vụ, văn phòng, office-tel và căn hộ tại 128 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận, chủ đầu tư - CTCP Thương mại Phú Nhuận, đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; hoàn tất thi công xây dựng và đã tiến hành bàn giao nhà cho cư dân vào tháng 3/2017.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Địa ốc Việt - Vietcomreal cho biết, dự án chung cư tại số 504 Nguyễn Tất Thành quận 4 đã được Công ty mua lại của Công ty Công nghệ cao su Miền Nam năm 2015 với giá chuyển nhượng là hơn 103 tỷ đồng.

Vietcomreal đã đóng xong tiền sử dụng đất, đã xây dựng và đang trong quá trình bàn giao nhà nhưng lại nằm trong danh sách đề nghị dừng thi công để thanh tra. Điều này khiến công ty rất hoang mang dù tới thời điểm này vẫn chưa nhận được văn bản nào về việc sẽ thanh tra dự án.

Một trong những vấn đề lo ngại khác của nhiều chủ đầu tư là kiến nghị tạm thời đình chỉ thi công nếu chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất mà không qua đấu giá. Bởi theo lãnh đạo các doanh nghiệp, điều này càng khiến khách hàng nghi ngờ về tiến độ dự án, đặc biệt là những người đã mua nhà sẽ rất hoang mang.

Về việc này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM nhận định: “Vẫn còn ở đâu đó những cuộc đấu giá, đấu thầu thiếu minh bạch, có quân xanh, quân đỏ. Chính việc này khiến nhiều dự án có thể thiếu minh bạch, gây thất thoát ngân sách nhà nước”.

Trong bản kiến nghị của mình gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội BĐS TP. HCM đã nêu rõ mong muốn sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất, sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu không minh bạch. Từ đó sẽ tránh được việc thất thoát ngân sách Nhà nước.

Phải hạn chế làm xáo trộn hoạt động kinh doanh

Trao đổi về những dự án được chuyển cho Thanh tra Chính phủ tại TP. HCM, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM chia sẻ: “Thời điểm người dân mua căn hộ, dự án đã đủ điều kiện để huy động vốn, giao dịch. Nói chính xác hơn, giao dịch mua nhà của người dân là hợp pháp và quyền lợi phải được đảm bảo.

Tôi cho rằng người mua căn hộ ở những dự án này không cần quá lo lắng. Việc Thanh tra Chính phủ thanh tra hàng năm là chuyện hết sức bình thường. Thanh tra không có nghĩa là luôn có sai phạm, nếu thật sự các dự án có trường hợp thất thoát thì các chủ đầu tư phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính của mình”.

Bộ Tài chính đã chuyển danh sách 60 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 2014 - 2016 sang Thanh tra Chính phủ, phục vụ cho công tác thanh tra quản lý đất đai năm 2017.

Bộ Tài chính đã chuyển danh sách 60 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 2014 - 2016 sang Thanh tra Chính phủ, phục vụ cho công tác thanh tra quản lý đất đai năm 2017.

Đồng quan điểm, ông Phùng Viết Vĩnh, Luật sư đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật Vinawind cho rằng, theo nguyên tắc thì người mua nhà chỉ cần thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Việc thanh tra các dự án theo chỉ đạo của cơ quan quản lý là làm rõ việc sử dụng quỹ đất công, tức là giữa đơn vị sở hữu trước đây là doanh nghiệp Nhà nước với chủ đầu tư hiện tại. Còn đối với người mua là bên thứ 3 sẽ được luật và cơ quan quản lý bảo vệ về quyền lợi.

Ông Vĩnh trấn an người dân, rằng hoạt động kiểm tra, thanh tra cũng là hoạt động thông thường của cơ quan quản lý. Do đó, người mua nhà cũng không cần quá lo ngại trước những thông tin trên.

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Về nguyên tắc hoạt động, việc thanh, kiểm tra căn cứ theo Luật Thanh tra, khi cơ quan quản lý nhà nước nhận thấy có dấu hiệu rửa tiền, tham nhũng hoặc những hành vi sai phạm nhưng việc thanh tra phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, có thời điểm nhất định chứ không phải thanh tra tất cả dự án làm ảnh hưởng thị trường.

Mỗi dự án trong danh sách mà Bộ Tài chính đưa ra có những điểm đặc thù và tình trạng pháp lý khác nhau. Nếu các dự án này bị tạm dừng để thực hiện thanh tra thì có thể gây hoang mang cho thị trường, làm lãng phí thời gian, của cải của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư và người mua nhà tại các dự án này.

Động thái của Bộ Tài chính là đưa ra một thông báo không rõ ràng, không chỉ rõ là thanh tra định kỳ hay đột xuất. Kiến nghị tạm thời đình chỉ thi công (không nói rõ tạm dừng thi công trong thời hạn bao lâu) các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá (quy định tại điều 118 Luật Đất đai năm 2013) một cách vội vàng, áp dụng cho hàng loạt doanh nghiệp là không phù hợp, không chính xác, thiếu cơ sở pháp lý làm ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của nhiều hệ thống kinh doanh sản xuất liên quan đến thị trường BĐS.

Đành rằng, lành mạnh và minh bạch hoàn toàn phù hợp với chức năng quản lý của Nhà nước trên thị trường BĐS. Song việc thanh tra, quản lý phải có tính xây dựng, giúp các đơn vị có sai sót, khiếm khuyết khắc phục, sửa chữa mà không làm ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển của thị trường”.

Theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung, hậu quả của thanh tra sẽ dẫn đến hai mặt, nếu hoạt động thanh tra hiệu quả sẽ giúp thanh lọc thị trường, giúp nhà đầu tư yên tâm về dự án đó. Ngược lại, nếu hoạt động thanh tra xảy ra thiếu sót, sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng trì trệ vì khách hàng ngần ngại không dám đầu tư vào các dự án trong danh sách bị thanh tra.

"Do đó, bất cứ đề xuất nào từ các bộ ngành quản lý Nhà nước cũng cần đưa ra trên cơ sở các văn bản pháp luật, phù hợp với các quy định của Nhà nước để minh bạch hóa thị trường BĐS. Các quy định ban hành phải có tính dự báo, để dự đoán lường trước được những tình huống kinh doanh có thể xảy ra nhằm hạn chế làm xáo trộn hoạt động kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp và người dân”, PGS. TS Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top