Chung cư Hei Tower: Cư dân lo lắng thảm họa cháy nổ có thể đến bất kỳ lúc nào
Chiều 28/3, cư dân tại khu chung cư Hei Tower xuống đường căng băng rôn kêu cứu, bởi sau nhiều lần kiến nghị chủ đầu từ và ban quản lý chung cư đều không được giải quyết.
Được biết, tòa nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở Hei Tower (Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội) là dự án do liên doanh Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực Hà Nội làm chủ đầu tư.
Chia sẻ với Reatimes, cư dân tại Hei Tower cho biết, họ đã bức xúc từ nhiều năm nay, khi chủ đầu tư đã chiếm dụng tầng mái tòa nhà (tầng 26) là diện tích sử dụng chung của cư dân để cho Trill Group thuê với mục đích kinh doanh quán Bar, Caffe,... tước đi quyền sở hữu của các hộ cư dân.
Trước đó vào tối 27/3, Ban quản lý tòa nhà cùng một số cư dân cũng đã tiến hành kiểm tra công tác PCCC tại tầng 26, nơi chủ đầu tư đang cho Trill Group kinh doanh cũng như tầng B1 của tòa nhà và phát hiện một cửa thoát hiểm đã bị chặn, mở thông lên tầng mái để phục vụ cho hoạt động của quán cà phê, một cửa thoát hiểm khác bị tháo bỏ tại tầng kỹ thuật ngay dưới quán cà phê tầng 26. Tủ báo cháy trung tâm ở chế độ không hoạt động, cùng nhiều đầu báo cháy ở hầu hết các tầng đều không hoạt động.
6.110 tỷ đồng là mức khởi điểm đấu giá Sài Gòn One Tower
Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá dự án đầu tư cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Sài Gòn One Tower) với mức khởi điểm là 6.110 tỷ đồng.
Như vậy, sau 7 tháng bị ngân hàng thu giữ làm tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, dự án nằm trên khu đất vàng tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi (quận 1) sẽ được mang ra đấu giá.
Tài sản cụ thể gồm quyền sở hữu 14.954 m2 diện tích thương phẩm của khu căn hộ cao cấp, quyền sở hữu và khai thác kinh doanh toàn bộ công trình xây dựng tầng hầm, khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và công trình phụ trợ.
Giá khởi điểm dự kiến của khối tài sản này là 6,110 tỷ đồng. Doanh nghiệp đăng ký làm tổ chức bán đấu giá tài sản phải đề xuất phương án đấu giá khả thi, chứng minh cơ sở vật chất nơi diễn ra buổi đấu giá và kê khai các hợp đồng đã đấu giá thành công từ 100 tỷ đồng trở lên…
MBB lên kế hoạch sáp nhập PGBank, không thoái hết vốn tại MIC
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) vừa tiến hành ĐHĐCĐ thường niên (29/3) với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2017. MBB cũng dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức trên 11%.
Đáng chú ý, lần đại hội này, MBB tiếp tục xin ủy quyền cho HĐQT thông qua việc tìm kiếm, triển khai các cơ hội sáp nhập. Về vấn đề này, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái tiết lộ, MBB đang nghiên cứu và tìm kiếm một số ngân hàng phù hợp trong đó có PGBank. Hiện, hai bên vẫn đang tiến hành trao đổi và chưa đi đến giao ước văn bản cụ thể nào.
Mặt khác về vấn đề nới room và tìm kiếm đối tác chiến lược, ban lãnh đạo cho biết, ngân hàng đã triển khai trong nhiều năm nhưng không dễ để thực hiện. Do đó, thời gian tới, ngân hàng sẽ mở rộng đối tượng chào bán hơn ra các quỹ đầu tư lớn, các tổ chức tài chính lớn.
Ngoài ra, MBB cũng thông qua việc thành lập ngân hàng 100% vốn tại Lào và Campuchia trên cơ sở chuyển đổi từ chi nhánh.
"Bỏng tay" đất ven biển Đà Nẵng
Theo khảo sát của phóng viên, giá đất tại khu vực ven biển Đà Nẵng tăng cao vượt ngưỡng dự báo của nhiều người.
Đơn cử như đường Phạm Văn Đồng hiện nay đang có giá khoảng 150 triệu đồng/m2, đường Võ Nguyên Giáp tuỳ theo khu vực có giá khoảng 200 – 300 triệu đồng/m2, Nguyễn Văn Thoại dao động trong khoảng 160 – 180 triệu đồng/m2… giá tăng khoảng 20% so với năm 2017 dù năm 2018 chỉ mới qua được 3 tháng.
Đặc biệt, khu vực được định hướng thành lập thành lập “Khu phố Tây” - phục vụ du khách xuyên đêm An Thượng được định hướng không gian và hoạt động mang âm hưởng của phố South Bank, giới hạn bởi 4 đoạn đường gồm Võ Nguyên Giáp - Hoàng Kế Viêm - Châu Thị Vĩnh Tế và Ngô Thì Sĩ giá cũng cao chót vót.
Ví dụ như đường Hoàng Kế Viêm đang dao động trong mức 130 triệu đồng/m2; đường Châu Thị Vĩnh Tế đang có mức giá 90 – 110 triệu/m2,…
Việc tăng giá nêu trên cũng là xu hướng chung của thị trường bởi Báo cáo Thị trường Bất động sản năm 2017 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam mới đây, thì giá cả đất nhà ở tại Đà Nẵng biến động khá mạnh, tăng khoảng 7-8 lần so với năm 2012 và tăng khoảng 25% trong năm 2017 so với năm 2016.
Nguyên nhân là do tính ổn định của thị trường và hạ tầng xã hội tốt làm cho người di cư đến Đà Nẵng ngày một đông và lượng giao dịch khu trung tâm cũng cao hơn năm 2016 khoảng 20 – 30%, giao dịch chủ yếu là mua đi bán lại các dự án đã bán hết hàng.
Điều chỉnh hệ số K: "Điều chỉnh ra sao cũng không để người dân thiệt thòi"
UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 trên địa bàn TP, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2018. Tuy nhiên, việc định giá đất (ĐGĐ) vẫn luôn là đề tài “nóng” được bàn luận. Thực tế, những bất cập trong việc ĐGĐ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp và người dân vẫn là câu chuyên chưa bao giờ cũ.
Trao đổi với Reatimes, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), mức điều chỉnh hệ số K do thành phố mới ban hành là khá hợp lý. Bởi giá đất hiện nay được công bố chỉ bằng 40% giá thị trường, cộng thêm hệ số K tăng 0,1 lần, nếu so với giá thị trường mới chỉ bằng 1/3, nghĩa là vẫn còn một khoảng cách rất xa. Theo đó, mức tăng này cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đối với các cá nhân, tổ chức. Đặc biệt là với hộ gia đình, cá nhân khi hợp thức hóa nhà đất.
Còn theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, chuyên gia bất động sản: “Việc điều chỉnh hệ số K của mỗi địa phương là phụ thuộc theo từng khu vực, tuyến đường, vị trí phù hợp với thị trường và sự phát triển kinh tế xã hội tại khu vực đó. Việc điều chỉnh hệ số mới sẽ khác hệ số cũ nhưng điều chỉnh ra sao thì cơ quan quản lý cũng không thể để người dân chịu thiệt thòi quyền lợi. Vì trước nay, nhiều lúc người dân bức xúc vì không có cơ sở nào để định giá đền bù rồi việc chậm làm sổ đỏ”.