“Ngọn lửa địa ngục”
Kampong Bukit Ho Swee (“kampong” hay “kampung” có nghĩa là “làng”) là một khu dân cư chưa được quy hoạch nằm giáp ranh với khu Kampong Tiong Bahru (Singapore). Sau Thế chiến thứ Hai, Bukit Ho Swee là nơi sinh sống của gần 20.000 cư dân, sống trong những túp lều được dựng tạm bợ chủ yếu bằng gỗ và kẽm.
Khoảng 3h30 chiều ngày 25 tháng 5 năm 1961, một đám cháy nhỏ bùng phát trong một túp lều tại khu Kampong Tiong Bahru. Tuy nhiên, những cơn gió mạnh ngày hôm đó đã khiến nó bùng lên thành một ngọn lửa dữ dội, tạo thành đám cháy lớn dọc theo con đường và lan sang khu Bukit Ho Swee. Cùng với xăng dầu từ các kho hàng gần đó, ngọn lửa nhanh chóng thiêu rụi những túp lều sơ sài và những bức tường mỏng manh, nhấn chìm ngôi làng trong “ngọn lửa địa ngục”.
Bất hạnh hơn, ngày hôm đó là ngày nghỉ lễ Hari Raya Haji (Lễ Tế thần của người Singapore, thường kéo dài trong 4 ngày), do đó lính cứu hỏa được nghỉ. Ngay sau đó, lính cứu hỏa và cảnh sát được triệu tập làm nhiệm vụ bằng các chương trình phát thanh liên tục từ 5 giờ chiều, sau đó quân đội của Lực lượng Quân sự Singapore và quân đội Anh cũng được huy động. Khoảng 180 lính cứu hỏa và 20 sĩ quan trong 16 xe cứu hỏa đã được triệu tập để chữa cháy, cùng với 1.000 quân nhân được huy động để hỗ trợ kiểm soát đám đông.
Bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng cứu hỏa, đám cháy đã lan rộng khắp đường Tiong Bahru. Áp lực nước yếu, những con hẻm ngoằn ngoèo của ngôi làng và đám đông hỗn loạn khiến việc dập lửa gần như là không thể. Ngọn lửa bùng lên đỉnh điểm vào khoảng 8h tối cùng ngày; 22 xe cứu hỏa đã làm việc liên tục, cuối cùng vụ hỏa hoạn cũng được dập tắt vào đêm hôm đó.
Theo thống kê, vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng của 4 người và tàn phá một khu vực rộng 40ha, bao gồm một trường học, một nhà máy cà phê, hai nhà máy dầu, hai cửa hàng đồ cũ, hai cửa hàng lốp xe, ba bãi gỗ, ba xưởng. Cùng với đó, hơn 2.800 ngôi nhà đã bị san bằng, khiến khoảng 16.000 người mất nhà cửa và tài sản. Trên trang nhất của tờ The Straits Times xuất bản ngày 26/5/1961, bức ảnh chụp đám cháy cho thấy những đám khói đen cuồn cuộn từ Bukit Ho Swee lớn đến mức dường như che khuất bầu trời.
Bộ Phúc lợi Xã hội sau đó đã mô tả hoạt động cứu trợ là “thách thức lớn nhất từng gặp phải trong suốt 15 năm tồn tại kể từ khi Bộ được thành lập”. Khoảng 8000 nạn nhân vụ cháy đã phải tạm trú tại 5 trường học trên đường Kim Seng. Những trường học này đã phải hoạt động như những trung tâm cứu trợ trong 13 ngày sau đó. Xe tải của quân đội đã vận chuyển 6.000 chiếc chăn, 3.000 tấm nệm và các nhu yếu phẩm đến các trung tâm cứu trợ.
Nhiều tổ chức đã tham gia vào công tác cứu trợ, trong đó có Bệnh viện Đa khoa, Hội Chữ thập đỏ, Lữ đoàn cứu thương St John, Lữ đoàn Công trình, Quân đội Anh, Lực lượng Quân sự Singapore và các tổ chức tình nguyện khác. Để ngăn chặn nạn cướp bóc, khoảng 1.500 cảnh sát đã phong tỏa địa điểm cháy và tiến hành tuần tra suốt đêm, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn khu vực.
Kế hoạch tái định cư “thần tốc” sau thảm họa, đánh dấu thời kỳ chuyển đổi vật chất và xã hội
Tuy vậy, ưu tiên của Chính phủ quốc gia này không chỉ là sự cứu trợ ngắn hạn, mà ngay sau đó một kế hoạch tái thiết lập và di dời người dân đến những khu nhà ở HDB (nhà ở xã hội được xây dựng và quản lý bởi HDB - Ủy ban Phát triển Nhà ở Singapore) đã được triển khai.
Một ngày sau vụ hỏa hoạn, sau các phiên họp khẩn cấp với nội các cũng như Ủy ban Phát triển Nhà ở, Thủ tướng Lý Quang Diệu tiết lộ kế hoạch chuyển các nạn nhân vụ đến những căn hộ HDB đã hoàn thiện hoặc đang trong quá trình xây dựng tại các khu vực: Queenstown, Tiong Bahru, St Michael's Estate, Macpherson, Kallang và chính tại Bukit Ho Swee.
Ngày 24 tháng 9 năm 1961, Chính phủ cam kết sẽ chuyển tất cả các gia đình bị ảnh hưởng trong vụ hỏa hoạn đến nhà mới trong vòng một năm. Giai đoạn đầu tiên được đánh dấu bằng “Chiến dịch Shift”, đã di dời khoảng 6.000 người đến 1.150 căn hộ có sẵn ở Queenstown, Tiong Bahru, Alexandra và Kallang. Đến tháng 2 năm 1962, tất cả các gia đình còn lại đã được tái định cư thành công.
Chính phủ Singapore cũng đã sửa đổi Pháp lệnh Thu hồi đất để tạo điều kiện thu hồi khu đất bị tàn phá bởi ngọn lửa với giá không quá ⅓ giá trị ban đầu của khu đất trống, nhằm ngăn chặn việc chủ đất được hưởng lợi quá mức nhờ vào thảm họa. Khu vực đất đai thu hồi đã được dùng để triển khai các dự án nhà ở xã hội. HDB đã xây dựng 12.562 căn hộ vào năm 1967, đến năm 1970 đã ghi nhận có 45.066 người sống trong những căn hộ này, đa số họ là cư dân cũ của Bukit Ho Swee.
Năm 1960, Ủy ban Phát triển nhà ở (Housing Development Board - HDB) được thành lập, là cơ quan hợp pháp chính thức và duy nhất có nhiệm vụ giải quyết nhanh và ngay bài toán nhà ở xã hội để ổn định an sinh. Trong vòng chưa đầy 3 năm sau khi thành lập, HDB đã xây dựng 31.317 căn hộ. Đến năm 1965, tổng cộng 54.000 căn hộ nhà ở xã hội đã được xây xong, vượt mục tiêu 50.000 căn hộ trong chương trình xây dựng 5 năm đầu tiên.
Cho đến nay, HDB đã xây dựng 1,1 triệu căn hộ trên toàn quốc và là chủ sở hữu bất động sản nhà ở lớn nhất Singapore. Có đến khoảng 80% dân số Singapore sống trong những căn hộ do HDB xây dựng.
Bên cạnh việc tái định cư, Singapore còn đưa ra một số chương trình hỗ trợ như trợ cấp tiền thuê nhà trị giá 7 USD/người và tối đa 35 USD/gia đình. Những người thất nghiệp do hỏa hoạn sẽ được nhận được khoản hỗ trợ cho đến khi họ tìm được việc làm mới. Ngoài ra, để đảm bảo việc học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi vụ cháy không bị gián đoạn, Thư viện Quốc gia Singapore cũng đã miễn giảm học phí, cung cấp sách bài tập cũng như cho mượn sách giáo khoa miễn phí.
Từ đó, vụ cháy Bukit Ho Swee được xem là thời điểm đánh dấu, mở đường cho chương trình nhà ở xã hội của Singapore với những tác động toàn diện và mạnh mẽ hơn đến toàn bộ cư dân của nước này. Trước vụ cháy, nhiều người đã từ chối chuyển đến các căn hộ HDB được xây dựng tại khu Queenstown. Họ phản đối việc phải thay đổi lối sống của mình đến mức mặc dù hỏa hoạn bùng phát ở các khu "kampong" 2 - 3 lần một năm, người dân vẫn từ chối di dời và thậm chí còn thông báo muộn cho lính cứu hỏa để ngăn chặn sự can thiệp của chính quyền.
Nhưng sự tàn phá của “ngọn lửa địa ngục” tại Bukit Ho Swee đã khiến người dân không có bất cứ sự lựa chọn nào khác, khiến thời điểm diễn ra vụ cháy đã trở thành một bước ngoặt thay đổi suy nghĩ của họ về nhà ở.
Sau 62 năm, những thanh thiếu niên sống tại khu Bukit Ho Swee ngày ấy cũng đã ngoài 70 tuổi. Ông James Seah, cư dân cũ của Bukit Ho Swee vào thời điểm xảy ra vụ cháy chia sẻ: “Hầu hết nạn nhân của vụ cháy năm 1961 đều không thấy nhớ làng nữa vì những hiểm họa. Nhà HDB an toàn và thuận tiện hơn, có đủ điện nước và đảm bảo vệ sinh. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn giữ lại kỷ niệm về những túp lều và những con người chân chất của ngôi làng. Người Singapore ngày nay lớn lên cùng với sự phát triển về y tế, luật pháp, trật tự và giáo dục. Bukit Ho Swee là nơi nó bắt đầu.”
Trong một bài viết trên tờ The Straits Times đăng ngày 24/5/2021 - tròn 60 năm sau vụ hỏa hoạn Bukit Ho Swee, tác giả trích dẫn lời của nhà sử học Loh Kah Seng mô tả ngọn lửa là thời điểm quyết định biến “những người chiếm đất thành công dân”.
“Nó đánh dấu sự chuyển đổi của một xã hội, từ một nhóm người có tư tưởng rất độc lập, không phải lúc nào cũng có việc làm và thậm chí dính líu đến tội phạm hoặc chủ nghĩa xã hội đen, thành những công dân sống trong các căn hộ HDB - nền tảng của quyền công dân và thay đổi các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ. Họ trở thành những nhân viên toàn thời gian, trả tiền thuê nhà thường xuyên, nuôi sống gia đình và giúp xây dựng Singapore như chúng ta biết ngày nay.” - ông Loh Kah Seng nói.
Bài viết về vụ cháy Bukit Ho Swee trên trang web chính thức của Hội đồng Thư viện Quốc gia Singapore (National Library Board of Singapore) nhận định, dự án xây dựng các căn hộ làm nơi ở cho nạn nhân vụ cháy là dự án quy mô lớn đầu tiên do HDB thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng và tái thiết lập sau vụ hỏa hoạn đã đánh dấu một thời điểm quan trọng trong chương trình giải phóng mặt bằng và nhà ở xã hội trên toàn quốc, dẫn đến sự chuyển đổi về mặt vật chất và xã hội của Singapore. Việc di dời những người dân làng cũ đến những căn hộ HDB cũng cho phép chính phủ đưa họ vào nền kinh tế chính thức do nhà nước quản lý và vận hành, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.
Có thể thấy, vụ cháy Bukit Ho Swee đã trở thành một nỗi ám ảnh khó quên của người dân Singapore, nhưng cũng là minh chứng cho thấy kỳ tích có thể được tạo ra bằng sức người, sự đoàn kết và một chiến lược toàn diện. Có lẽ, nguyên nhân sâu xa của vụ cháy không phải là một đám lửa nhỏ bùng lên trong một túp lều tạm bợ, mà là bởi sự thiếu thốn nhà ở an toàn cho người dân. Đi từ nguyên nhân đó, Chính phủ Singapore đã có giải pháp khắc phục triệt để, cung cấp nhà ở giá rẻ cho cư dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo dựng tiền đề cho định hướng “nhà ở là tài sản công” của quốc gia này./.
Năm 2018, Giám đốc Thực hành của Ban Quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu tại Ngân hàng Thế giới (World Bank) - ông Abhas Jha đã gọi chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ Singapore là “chương trình nhà ở xã hội tốt nhất” trong một bài phân tích của ông đăng trên website worldbank.org.
Ông Abhas Jha viết: "Thật khó tin nhưng vào năm 1947, Ủy ban Nhà ở Anh đã báo cáo rằng 72% trong tổng dân số 938.000 người Singapore đang chen chúc trong 80km2 của khu vực trung tâm thành phố. Khi Singapore giành được tự trị vào năm 1959, chỉ có 9% người dân nước này sống trong nhà ở xã hội. Ngày nay, 80% người Singapore sống trong những căn hộ do Chính phủ xây dựng. Có khoảng một triệu căn hộ của Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB) trên khắp quốc gia này, phần lớn tập trung ở 23 thị trấn mới trải dài quanh cung đường ven biển của thành phố."
Ông Abhas Jha cũng phân tích, Singapore đã sớm nhìn ra vấn đề rằng phát triển các khu dân cư với chất lượng sống cao là yếu tố căn cốt của việc phát triển thành phố bền vững.
Chính sách nhà ở của Singapore đã đóng góp một phần quan trọng đáng kể vào sự thịnh vượng chung của "đảo quốc sư tử" với triết lý "an cư lạc nghiệp". Không chỉ dừng lại ở những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được sở hữu nhà ở, Chính phủ Singapore cũng liên tục thực hiện những chương trình cải tạo nhà ở như Chương trình Cải thiện nhà (HIP 1, HIP 2) hoặc thu hồi để tái phát triển như Chương trình tái phát triển Khối có chọn lọc (SERS) để duy trì, nâng cao giá trị của những căn hộ HDB giá rẻ, và quan trọng hơn là giúp người dân có được một nơi ở an toàn để ổn định cuộc sống.