Aa

7 lễ hội nổi tiếng đầu năm ở miền Bắc không thể bỏ qua

Thứ Sáu, 02/02/2018 - 19:01

Đi hội đầu xuân là một truyền thống của người dân Việt Nam. Mỗi dịp đầu năm, nhất là trong tháng giêng, trên cả nước có rất nhiều lễ hội được tổ chức và miền Bắc cũng không ngoại lệ. Những lễ hội xuân vừa là dịp để mọi người vui chơi, du ngoạn vừa là dịp để dâng hương cầu may mắn, lộc tài, bình an cho gia đình, người thân.

1. Hội Gò Đống Đa, Hà Nội

Hội Gò Đống Đa là một trong những lễ hội đầu năm ở miền Bắc không thể bỏ qua. Hội gò Đống Đa thường được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết hàng năm, tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Cũng giống như hội Đống Đa được tổ chức tại quê hương người anh hùng áo vải Quang Trun, Nguyễn Huệ, hội gò Đống Đa là lễ hội để tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa của đội quân Tây Sơn khi xưa.

Người dân đến với lễ hội Gò Đống Đa sẽ được tham gia nhiều trò chơi và các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như tục rước rồng lửa, lễ dâng hương, lễ đọc văn. Lễ tế ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

2. Hội chùa Keo, Thái Bình

Lễ hội chùa Keo được tổ chức tại chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Điểm đặc biệt, hội chùa Keo tổ chức 2 lần một năm. Riêng lễ hội xuân khai hội từ ngày mùng 4 Tết.

Chùa Keo là nơi thờ thiền sư Không Lộ, có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc sư. Lễ hội chùa Keo là để dâng hương lên ngài. Hàng năm lễ hội chùa Keo thu hút hàng ngàn du khách thập phương ở mọi miền tổ quốc tìm về dâng hương, du xuân, cầu may mắn, bình an.

Giống nhiều lễ hội truyền thống khác, hội chùa keo cũng có nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa truyền thống khác.

Hội chùa Keo

Hội chùa Keo

3. Hội chùa Hương, Hà Nội

Hội chùa Hương là một trong những lễ hội có quy mô lớn và kéo dài nhất trong các lễ hội ở miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Hội chùa Hương kéo dài từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch.

Hội chùa Hương được tổ chức ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Lễ hội không chỉ là dịp để bà con đến dâng hương lễ Phật cầu bình an may mắn mà còn là cơ hội để thưởng ngoạn phong cảnh non nước hữu tình nơi núi non trùng điệp, quần thể hang động rộng lớn.

4. Hội Xoan (Phú Thọ)

Kéo dài từ ngày mùng 7 đến mùng 10 tháng giêng, hội Xoan diễn ra ở làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Hội Xoan là dịp để tưởng nhớ Xuân Nương, nữ tướng rất tài giỏi thời Hai Bà Trưng.

Lễ hội Xoan bắt đầu với tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng. Theo truyền thống lễ hội, dân làng sẽ dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong.

Ở hội Xoan có có tục mổ trâu "nồi da xáo thịt" diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu tế thần sông.

Ngày cuối cùng của hội Xoan, tức mùng 10 tháng Giêng, sẽ diễn ra trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng. Các vai diễn cày bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn tại hội Xoan.  

Hội xoan

Hội xoan

5. Hội Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội

Hội Gióng được tổ chức tại đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Đúng như tên gọi, hội Gióng là dịp để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Hội Gióng mô phỏng các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến đấu chống giặc Ân với các nghi thức độc đáo như lễ dâng hương, lễ dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Hội Gióng cũng có nhiều trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, hát chèo, hát ca trù...

6. Hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Được tổ chức tại đền Bà Chúa Kho (ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) hội đền Bà Chúa Kho khai hội vào ngày mùng 4 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng

Dịp đầu năm, người dân thường tìm về hội đền Bà Chúa Kho để dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa để cầu tài cầu lộc. Đến cuối năm, lại quay về đền để trả lễ cho bà Chúa Kho. Đây là phong tục lâu đời của nhiều người dân Việt Nam, nhất là người làm ăn buôn bán.

Đền bà Chúa Kho còn là di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích khu Cổ Mễ (gồm đình, chùa, đền).

Quang cảnh hội Lim

Quang cảnh hội Lim, một trong những lễ hội nổi tiếng đầu năm ở miền Bắc không thể bỏ qua

7. Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh)

Hội Lim được tổ chức vào ngày 12 - 13 tháng Giêng hàng năm ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong lễ hội điển hình nhất của vùng Kinh Bắc nói riêng và Bắc Bộ nói chung.

Được tổ chức tại vùng đất dân ca qua họ, hội Lim là dịp tập trung các liền anh liền chị tới hát giao duyên, đối đáp, thi hát ở trên bến dưới thuyền.

Hội Lim cũng có nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, đấu cờ, đấu võ, đu tiên, thi nấu cơm, thi dệt cửi... 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top