Dự án chậm triển khai là một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong quá trình phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, những năm qua, quá trình xử lý các dự án này lại không đạt được đột phá hay mang lại kết quả như kỳ vọng.
Theo thống kê, tính tới nay, toàn thành phố có tới 700 dự án có sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, tổng diện tích đất được cấp cho các dự án trên là hơn 5.000ha, gây lãng phí to lớn về nguồn lực.
Trước thực trạng này, mới đây ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án nói trên.
“Phải kiên quyết thu hồi, chấm dứt và hỗ trợ thu hồi các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ì, kéo dài và coi đây là việc làm thường xuyên, định kỳ hàng năm”, ông Thanh yêu cầu.
Đối với các dự án đầy đủ thủ tục, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng ý cho triển khai ngay theo phân kỳ và từng bước; ngoài ra phải thống kê, phân loại các dự án theo quy định, lựa chọn địa phương còn tồn tại nhiều dự án để kiểm tra, rà soát. Ông Thanh đề nghị các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, xử lý các dự án lớn chậm triển khai và phân cấp, phân rõ trách nhiệm cho từng đơn vị.
“Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng cũng quyết liệt thu hồi ngay các dự án chậm triển khai. Dù dự án quan trọng đến đâu cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bày tỏ ủng hộ và đánh giá rất cao về chủ trương, chỉ đạo nêu trên của UBND TP. Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, bình luận: “Động thái này đã thể hiện tính quyết liệt, khẩn trương của thành phố trước các dự án chậm triển khai; đồng thời thúc đẩy các dự án đang vướng mắc nhằm đảm bảo quy hoạch, tiến độ phát triển kinh tế của Thủ đô”.
TS. Nguyễn Văn Đính cũng kỳ vọng với quyết tâm cao, việc xử lý các dự án chậm triển khai trong thời gian tới sẽ có được kết quả tốt.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội nêu ra chủ trương thu hồi các dự án chây ì, “quây tôn chiếm đất”. Song, có nhiều lý do khiến quá trình xử lý các dự án chậm triển khai trở thành việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Một trong số đó là thành phố chưa công khai, minh bạch thông tin của các dự án này.
Vì thế, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng để tăng cường hiệu quả cho việc xử lý, thành phố Hà Nội cần công khai thông tin của 700 dự án chậm triển khai, từ lịch sử pháp lý đến tiến độ trên thực địa. Điều này vừa tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp có dự án chậm tiến độ, vừa giúp công chúng có thể tham gia vào quá trình giám sát, đẩy nhanh tiến trình giải quyết.
Theo giới chuyên gia, các dự án “đắp chiếu” kéo dài đã gây ra các hệ lụy nặng nề, như làm người dân trong vùng dự án chịu tác động tiêu cực, nhà nước thất thu ngân sách và diện mạo đô thị trở nên nhếch nhác.
Bên cạnh đó, các dự án chậm triển khai trên diện rộng còn làm môi trường đầu tư của Thủ đô trở nên kém hấp dẫn, nhiều rào cản. Nhiều nhà đầu tư có năng lực không có hoặc rất khó tạo lập được quỹ đất, trong khi những nhà đầu tư yếu kém lại dễ dàng có đất rồi để hoang hóa. Đất đai là yếu tố không thể sản sinh, việc hàng trăm dự án chậm triển khai sẽ khiến Hà Nội rơi vào nghịch cảnh có nguồn lực nhưng không thể phát triển. Vì vậy, xử lý các dự án này có ý nghĩa của việc khơi thông, đánh thức nguồn lực cho thành phố.
Tuy vậy, có một khía cạnh mà các chuyên gia cũng lưu ý, đó là tránh tình trạng “vơ đũa cả nắm”, “đánh lẫn cháo với bùn” trong việc xử lý, thu hồi các dự án chậm triển khai. Bởi có những dự án chậm triển khai do lỗi của chủ đầu tư, song cũng có dự án bị vướng mắc bởi nguyên nhân khách quan như thủ tục hành chính chậm trễ, quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc gặp phải các sự kiện bất khả kháng. Do đó, trong việc giải quyết cần linh hoạt để bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, tránh tạo ra các xung đột lợi ích.
Thời gian qua, Reatimes cũng đã nhiều lần phản ánh về vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, đặc biệt là Thành phố Hà Nội nơi được được xem là “tấc đất tấc vàng” nhưng lại đang tồn tại khá nhiều dự án “treo” hàng chục năm. Điều này không chỉ khiến cho người dân phải chịu đựng cuộc sống vất vưởng, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, người dân trong vùng quy hoạch rơi vào khốn đốn, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.
Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng, các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp, công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm, ngoài ra còn trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án.
Theo đánh giá của HĐND TP Hà Nội, nguyên nhân của việc chậm triển khai là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của UBND TP Hà Nội chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nhiều chủ đầu tư dự án chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư chưa tốt; vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích.
Liên quan tới vấn đề này, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo xử lý dứt điểm với tình trạng dự án treo, chậm tiến độ. Vào tháng 7/2022, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương rà soát, kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo".
Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án. Việc này sẽ phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bộ Xây dựng được giao hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng; xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch, thẩm định dự án đầu tư xây dựng cần tăng sự tham gia của người dân. Năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý, nhân sự phải được thẩm tra kỹ.
Bộ Xây dựng cũng cần xây dựng cơ chế thu hút và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục, công trình giao thông; kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, xử lý cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho Nhà nước, nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.