Aa

8 nhóm khách hàng vay Đông Á Bank 31.591 tỷ đồng

Thứ Hai, 27/08/2018 - 13:11

Tài sản đảm bảo được định giá lại chỉ là 13.725 tỷ đồng.

Nhiều nhóm khách hàng của Đông Á Bank với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng khó có khả năng thu hồi. Ảnh: NĐ

Nhiều nhóm khách hàng của Đông Á Bank với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng khó có khả năng thu hồi. Ảnh: NĐ

Trong vụ án Đông Á Bank, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã xác minh thực trạng vay nợ của 8 nhóm khách hàng (bao gồm 54 khách hàng pháp nhân, 2 nhóm cá nhân và 13 khách hàng cá nhân) nêu trong kết luận Thanh tra ngày 23/7/2015 của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể:

Nhóm Nam Kim gồm 5 khách hàng (4 công ty và 1 cá nhân), tổng dư nợ 679 tỷ đồng. Tại thời điểm 15/2/2017, nhóm Nam Kim đã tất toán các khoản vay tại Đông Á Bank.

Nhóm Đặng Phước Dừa gồm 2 khách hàng doanh nghiệp, dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 6,55 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 2 con tàu đang hoạt động. Nhóm này đang trả gốc và lãi đúng hạn theo cơ cấu của Ngân hàng.

Nhóm Phát Đạt dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 8.808 tỷ đồng, gồm 4.976 tỷ đồng tiền gốc và 3.832 tỷ đồng tiền lãi. Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo hợp pháp, trị giá tài sản lớn (theo hợp đồng thế chấp trị giá 9.484 tỷ đồng, theo kết quả định giá lại là 5.397 tỷ đồng). Đại diện nhóm Phát Đạt cam kết thực hiện tích cực để thu hồi nợ trong thời gian sớm nhất.

Nhóm 586 gồm 8 công ty và 1 cá nhân, dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 5.273 tỷ đồng (gồm 3.513 tỷ đồng tiền gốc và 1.760 tỷ đồng tiền lãi). Kết quả điều tra xác định có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong việc thẩm định và cho khách hàng vay vốn. Các khoản vay có tài sản đảm bảo với trị giá 3.272 tỷ đồng, theo định giá lại là 3.181 tỷ đồng. Một số khoản vay đã được bán nợ cho VAMC. Đại diện nhóm 586 đang đàm phán để xử lý các tài sản thu hồi nợ.

Nhóm Đồng Tiến gồm 2 công ty, dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 1.432,8 tỷ đồng (gồm 1.005,9 tỷ đồng nợ gốc và 427,4 tỷ đồng tiền lãi), trị giá tài sản đảm bảo là 719,7 tỷ đồng, không đủ để trả nợ gốc.

Nhóm M&C gồm 10 công ty với dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 4.205 tỷ đồng tiền gốc và 3.354 tỷ đồng tiền lãi. Tài sản đảm bảo được định giá 1.204 tỷ đồng, không đủ để trả nợ gốc cho các khoản vay. Cơ quan điều tra nhận định nhóm M&C khó có khả năng trả nợ gốc và lãi, quá trình cho vay có nhiều dấu hiệu sai phạm.

Nhóm Tân Vạn Hưng gồm 2 công ty và 3 cá nhân với dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 593 tỷ đồng tiền gốc và 453,8 tỷ đồng tiền lãi. Tài sản đảm bảo là bất động sản, được định giá 181,9 tỷ đồng, không đủ điều kiện để trả nợ gốc và lãi cho khoản vay. Đây là nhóm khách hàng có nhiều sai phạm, tính chất phức tạp, khoản vay chồng chéo, không hợp tác cùng Đông Á Bank để xử lý nợ.

Nhóm Hiệp Phú Gia có 20 khách hàng (14 doanh nghiệp, 6 cá nhân) với dư nợ tới ngày 31/7/2017 là 6.864 tỷ đồng (4.164 tỷ đồng gốc và 2.700 tỷ đồng lãi). Tài sản đảm bảo 6.043 tỷ đồng, được định giá lại là 3.013 tỷ đồng, không đủ để trả nợ cho các khoản vay. Nhóm Hiệp Phú Gia có hai nhóm: Nhóm Công ty TNHH Hiệp Phú Gia là "sân sau" của ông Trần Phương Bình và nhóm CTCP Vốn Thái Thịnh có quan hệ làm ăn với ông Bình, do ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, điều hành.

Địa ốc Phát Đạt đã phải 'bán' hai dự án The EverRich 2&3 để trả nợ vay. Trong ảnh là dự án The EverRich 2 chụp từ cầu Phú Mỹ. Bên trái là dự án Saigon Peninsula. Ảnh: NĐ

Địa ốc Phát Đạt đã phải "bán" hai dự án The EverRich 2&3 để trả nợ vay. Trong ảnh là dự án The EverRich 2 chụp từ cầu Phú Mỹ. Bên trái là dự án Saigon Peninsula. Ảnh: NĐ

Kết quả điều tra 8 nhóm khách hàng nêu trên xác định tổng dư nợ gốc và lãi tính đến thời điểm 31/7/2017 là 31.591,4 tỷ đồng, gồm 19.085,4 tỷ đồng nợ gốc và 12.505,9 tỷ đồng tiền lãi; tổng giá trị tài sản đảm bảo theo hợp đồng thế chấp là 25.454,6 tỷ đồng, được định giá lại tại thời điểm 31/7/2017 (bởi Đông Á Bank hoặc Exima định giá thời điểm tháng 5/2016) là 13.724,9 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, trong giai đoạn điều tra của vụ án, nhiều nhóm khách hàng đã chủ động hoàn trả nợ cho Đông Á Bank, như nhóm Nam Kim hay Phát Đạt.

Cuối năm ngoái, hai pháp nhân có liên hệ tới một tập đoàn bất động sản lớn ở khu vực phía Nam đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh các dự án The EverRich 2&3 (Quận 7) với CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt, và chuyển cho doanh nghiệp này khoảng 6.000 tỷ đồng để thanh toán các chi phí đầu tư và trả nợ vay, trong đó có khoản vay của Đông Á Bank.

Đón đọc...

Nội dung bài viết dựa trên Kết luận điều tra lần 1 ngày 2/4/2018 của cơ quan CSĐT - Bộ Công an về vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á".

Ngày 31/7 vừa qua, VKSND Tối cao lần thứ hai trả lại hồ sơ cho cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra lại vụ án. Theo đó, VKSND Tối cao yêu cầu Bộ Công an thay đổi tội danh của một số bị can và làm rõ hành vi của một số người liên quan đến vụ án xảy, nếu đủ cơ sở thì xử lý hình sự.

Sự liên quan tới vụ án của các cá nhân, pháp nhân trong phạm vi bài viết này sẽ phụ thuộc vào phán quyết của Toà án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top