Mới đây, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết, thành phố đã chủ trương xây dựng hai khu liên cơ quan để dồn chuyển toàn bộ các sở, ngành về làm việc.
Khu thứ nhất nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) rộng 4.000m2, hiện đã xây dựng xong một tòa nhà 18 tầng và một tòa nhà 14 tầng. Khu này đang được gấp rút lắp đặt, hoàn thiện các hạng mục để bắt đầu từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 sẽ chuyển 8 đơn vị về đây làm việc.
Theo kế hoạch, sau khi chuyển 8 cơ quan, gồm các Sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội về khu liên cơ, những trụ sở cũ của các Sở, ngành nằm tại vị trí “đất vàng” sẽ được bán đấu giá công khai để xây dựng thêm một khu liên cơ nữa tại quận Hai Bà Trưng.
Khảo sát của Reatimes cho thấy, trong 8 trụ sở, Hà Nội dự tính sẽ đem đấu giá sau khi các đơn vị này chuyển về khu liên cơ, địa điểm có vị thế đắc địa bậc nhất thuộc về trụ sở của Sở Tài chính (38B Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm) và Sở Quy hoạch Kiến Trúc (31B Tràng Thi, Hoàn Kiếm).
Cả hai địa điểm này này chỉ cách Hồ Gươm khoảng 100m. Đây là một trong những khu vực BĐS đắt giá hàng đầu ở Hà Nội hiện nay. Tiếp đến là Sở Tài nguyên và Môi trường trên phố Huỳnh Thúc Kháng.
Những khu đất còn lại của Sở Kế hoạch và Đầu tư (16 Cát Linh, Đống Đa), Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (Nhà B6A Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy) hay trụ sở Sở Khoa học Công nghệ (số 7 Nguyễn Trãi, Hà Đông), Sở Giao thông Vận tải (số 2 Phùng Hưng, Hà Đông)... cũng đều là những vị trí “vàng”.
Còn nhớ, cách khu đất của Sở Tài chính không xa, năm 2010, một nhà đầu tư đã đền bù 500 triệu đồng/m2 đất tại số nhà 25 - 27 Hai Bà Trưng nằm ở con phố trung tâm quận Hoàn Kiếm.
Hồi ấy, vào tháng 11/2004, UBND TP. Hà Nội đã quyết định thu hồi 4.072,9m2 đất tại số 22 - 24 Hàng Bài và 25 - 27 Hai Bà Trưng để xây dựng khu trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tái định cư. Trong diện tích trên có hơn 3.600m2 của Xí nghiệp nhựa Hà Nội đã được di dời và hơn 300m2 đất ở liên quan tới 17 hộ dân.
Trao đổi với báo chí thời điểm đó, ông Trần Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thời đại T&T, chủ đầu tư cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án thỏa thuận đền bù theo mức giá cao, như diện tích tầng một (thông tầng) là 500 triệu đồng/m2, đất tầng một không có nóc là 300 triệu đồng/m2 và tầng 2 là 200 triệu đồng/m2…
Ở khu vực quận Hoàn Kiếm, từ năm 2011, báo cáo của Colliers International cho biết, giá đất tại các quận trung tâm Hà Nội lên đến 27.200 USD/m2 (570 triệu đồng), đắt ngang với giá ở nhiều thành phố như Paris, Tokyo. Sau 6 năm, giá đất giao dịch thực tế càng có xu hướng dâng cao.
Thực tế ghi nhận cho thấy, đất ở thuộc các tuyến phố “vàng” như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông, Hàng Hành hay Lê Thái Tổ luôn được “hét” giá từ mức 700 triệu đến 1 tỷ đồng/m2. Mức giá này còn có sự điều chỉnh lên xuống dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như diện tích lô đất, chiều rộng mặt tiền, vị trí, sở thích của người mua...
Trao đổi với Reatimes, một nhân viên sàn môi giới BĐS Đất Xanh miền Bắc cho biết, với những vị trí đắc địa trên, 8 khu đất "vàng" của Hà Nội nếu đem đấu giá và áp đúng theo giá thị trường hiện nay, thành phố sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng.
“Giá đất hiện nay tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm có phố lên tới 1,2 tỷ đồng/m2, còn các phố khác tại các quận trung tâm như Đống Đa, Cầu Giấy hay thậm chí Hà Đông, giá đất nhiều tuyến phố cũng rơi vào mức 200-350 triệu đồng/m2”, nam nhân viên môi giới cho biết.
Theo như lời người này, mới đây, giá đất tại một số vị trí trên quốc lộ 32, một huyện xa trung tâm của thành phố là Hoài Đức, có vị trí còn bán được tới 200 triệu đồng/m2 thì những vị trí “vàng”, vị trí “kim cương” như trên, mức giá từ 300 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/m2 là không có gì lạ.
Trong khi đó, trao đổi với Reatimes về việc Hà Nội dự tính đem đấu giá các khu đất của trụ sở cũ để tạo vốn xây dựng khu liên cơ thứ hai, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cho rằng, việc bán đấu giá là xu thế cần, nhưng cần xác định các chứng chỉ quy hoạch, các chỉ tiêu quy hoạch từng khu vực trước khi bán đấu giá.
"Đừng để bán đấu giá đất không, vì với cơ chế xin cho như hiện nay lại làm tăng áp lực dân số, hạ tầng giao thông. Phải xác định chức năng sử dụng với chỉ tiêu xây dựng của từng khu vực một, rồi mới bán đấu giá. Không nên bán đấu giá đất không mà phải kèm theo chứng chỉ quy hoạch và các chức năng sử dụng đất”, ông Nghiêm nói.