Aa

80% dân số sinh sống trong NƠXH, đâu là lý do tạo nên thành công của Singapore?

Thứ Ba, 01/08/2017 - 06:00

Chính sách trợ cấp và ưu đãi chỉ là một phần, các biện pháp kiểm soát xã hội mới là yếu tố hàng đầu giúp Singapore gặt hái được thành công trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội.

4/5 dân số Singapore sống trong NƠXH

Singapore được coi là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Rất nhiều các quốc gia khác đã nỗ lực để phát triển được mô hình nhà ở xã hội như đảo quốc sư tử, tuy nhiên, kết quả hầu như không khả quan.

Theo trang The Economist, có đến 4/5, tương đương với 80% dân số của Singapore đang sống tại các căn hộ trong những dự án nhà ở do chính phủ xây dựng, hơn nữa, hầu hết trong số họ đều có quyền sở hữu chứ không đơn thuần chỉ là đi thuê. Các dự án nhà ở xã hội này thường tập trung ở những vùng ngoại ô, màu sắc nổi bật và tươi sáng là đặc điểm nhận diện dễ dàng nhất của các tòa nhà khiến bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy khi đặt chân đến Singapore. Những công trình này cũng đã trở thành “đặc sản” của đất nước “mẫu mực” của Đông Nam Á. 

Những người nước ngoài thông thường đều nghĩ rằng Singapore là một quốc gia giàu có, văn minh và sầm uất với những công trình hiện đại khi quốc gia này được xem là thiên đường thuế cho nhiều ngân hàng quốc tế và các công ty đa quốc gia có quy mô lớn, vì vậy những thống kê về hệ thống nhà ở quốc gia “khổng lồ” của nước này đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Trên thực tế, hệ thống nhà ở xã hội là điểm mấu chốt trong chính sách kinh tế xã hội của Singapore và là điểm neo vững chắc từ trước tới giờ của Đảng Nhân dân Hành pháp, công Đảng đã dẫn dắt đất đảo quốc sư tử đi lên từ khi độc lập. Và đồng thời, nó cũng là một mô hình mẫu mà rất nhiều quốc gia láng giềng (những nước đang phải gánh chịu hậu quả của việc đô thị hóa nhanh chóng) muốn làm theo.

Hệ thống nhà ở xã hội Singapore nằm dưới sự quản lý của Cục Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB). Cơ quan này chính thức được hình thành vào năm 1960, thay thế cho một tổ chức quy hoạch không gian đô thị do người Anh điều hành khi Singapore còn là thuộc địa của nước này.

Ban đầu HDB chỉ thực hiện chức năng xây nhà rồi cho các hộ gia đình nghèo khó thuê lại, tuy nhiên sau đó chỉ 4 năm, cơ quan này đã chuyển đổi hướng đi của mình, tập trung vào việc xây dựng các căn hộ và bán ra thị trường với số lượng lớn, đó chính là các sản phẩm nhà ở xã hội mà hiện nay 4/5 dân số Singapore đang sở hữu. Chính sách này được triển khai dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu đang còn đương nhiệm. Sau nhiệm kỳ dài hơn 30 năm của mình, từ năm 1959 đến năm 1990, ông Lý đã viết rằng, ông chỉ nghĩ việc thúc đẩy mua nhà rộng rãi sẽ trao cơ hội cho người dân được sở hữu một phần trên mảnh đất của quốc gia mình. Vì vậy, Chính phủ, nhờ quyền lực của mình, đã sử dụng một phần trong 90% diện tích lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước và dần dần biến các thôn làng với những mái nhà lụp xụp thành những khu nhà cao tầng được làm từ bê tông cốt thép.

Đâu là lý do giúp đảo quốc sư tử thành công? 

Theo thống kê của HDB, hiện tại Singapore đang có 1 triệu căn hộ trong các dự án nhà ở xã hội, phần lớn là tập trung tại hơn 20 thị trấn mới trải rộng theo hình bán nguyệt ở vùng duyên hải miền trung. Mỗi năm, Chính phủ sẽ mở bán một lô căn hộ, chủ yếu là cho người mua đầu tiên. Hầu hết các căn hộ này hoặc là có hợp đồng cho thuê dài hạn lên đến 99 năm, hoặc là có mức giá thấp hơn đáng kể so với mức giá của thị trường. Nếu không muốn mua các căn hộ này, người dân Singapore có thể có một lựa chọn khác đó là mua lại từ những người đã sở hữu nhà ở, mức giá được xác định là giá hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được. Dù là người mua đầu tiên hay người mua thứ hai, dù là mua căn hộ cũ hay căn hộ mới, miễn là nhà ở xã hội, người dân sẽ nhận được trợ cấp từ Chính phủ.

Lấy ví dụ về dự án Punggol được Chính phủ mở bán năm nay, dự án này nằm ở một khu vực ngoại ô xa xôi, nơi đã có rất nhiều dự án HDB khác được xây dựng trước đó. Giá mỗi căn hộ ở Punggol trung bình ở mức 217.000 USD. Với dự án này, Chính phủ Singapore đã cho thử nghiệm một khoản trợ cấp mới, theo đó, người mua khi mua căn hộ tại Punggol sẽ được hỗ trợ 55.200 USD. Tuy nhiên đây là thị trường sơ cấp, còn trên thị trường thứ cấp, giá sẽ đắt hơn 1/5 đến ¼. So với mức giá căn hộ do khu vực tư nhân cung cấp thì con số do Chính phủ đưa ra rẻ hơn gấp ba lần. Hầu hết những dự án tư nhân thường chỉ bán được cho giới siêu giàu trong nước hay người nước ngoài.

Có người cho rằng dù giá cả ở mức thấp, nếu đem thu nhập hàng tháng ra trả có thể sẽ trang trải được chi phí mua nhà, tuy nhiên, cuộc sống của người dân sẽ gặp khó khăn khi tiền mua nhà đã chiếm hết số tiền dành cho các nhu cầu sinh hoạt khác. Vậy tại sao người dân Singapore vừa có thể mua được nhà lại vừa có thể ổn định cuộc sống? Đây chính là mấu chốt trong chính sách nhà ở xã hội của đảo quốc sư tử.

Theo đó, số tiền mà người dân tại quốc gia này sử dụng để mua nhà ở xã hội một phần được hỗ trợ từ chính phủ, một phần khác được hỗ trợ từ Quỹ Tiết kiệm Trung Ương (Central Provident Fund - CPF). Đây là một đề án tiết kiệm quốc gia bắt buộc do Chính phủ ban hành. Dựa trên đề án này, hàng tháng, tất cả người lao Singapore phải trích ra 20% tổng thu nhập/tháng của mình để gửi vào CPF, riêng những chủ doanh nghiệp hay người sử dụng lao động phải đóng thêm 17% nữa, tức là 37%. Người dân có quyền được sử dụng số tiền mà mình đã tiết kiệm để thanh toán các khoản nợ mua nhà hàng tháng. Bên cạnh đó, HDB sẽ cung cấp những khoản vay thế chấp giá rẻ, nhờ đó, người mua sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Với việc áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, hệ thống nhà ở xã hội của Singapore đã đạt được nhiều thành công và được biết đến là quốc gia không có người vô gia cư. Đứng cạnh những tòa nhà cao tầng sang trọng, những khu nhà ở xã hội trông có vẻ mờ nhạt nhưng chúng rất sạch sẽ, an toàn và quan trọng nhất là đủ rộng cho nhu cầu ở người dân. So với dự án nhà ở xã hội ở các thành phố lớn khác trên thế giới như Hồng Kông, London, …HDB cho biết, trung bình mỗi người mua đầu tiên trong các dự án nhà ở xã hội chỉ phải dành ra chưa đến ¼ tổng thu nhập của gia đình để trang trải cho các khoản vay thế chấp.

Không chỉ người dân, các dự án HDB đối với Chính phủ Singapore cũng là một giao dịch “có lời”. Theo số liệu thống kê, tính từ khi HDB ra đời vào những năm 1960 cho đên nay, Chính phủ nước này mới chỉ phải chi ra 20,6 tỷ USD để trợ cấp cho người mua nhà ở xã hội. Tính riêng trong giai đoạn 2015-2016, khoảng 2,4% tổng ngân sách quốc gia, tương đương với chỉ 13,3 tỷ USD để bù đắp mức thâm hụt ở HDB.

Bên cạnh đó, các chính sách và tài liệu hướng dẫn về quy định liên quan đến mua, thanh toán và sở hữu nhà ở xã hội của nước này cũng làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trong các khoản chăm sóc sức khỏe người già hay trợ cấp lương hưu. Hầu hết người dân Singapore đều muốn sở hữu một căn hộ và tiết kiệm được một khoản tiền trước khi nghỉ hưu. Vì vậy, họ sẵn sàng nghỉ hưu muộn để đạt được mục đích này. Do đó, thời gian nghỉ hưu sẽ giảm bớt, gánh nặng lên phúc lợi an sinh xã hội dành cho người già sẽ nhẹ hơn. Ngoài ra, có một quy định rằng nếu bất cứ người nào mua căn hộ gần cha mẹ hoặc ông bà mình sẽ được giảm giá, điều này nhằm khuyến khích con cái chăm sóc cha mẹ, bớt đi trách nhiệm cho xã hội.

Hơn thế, Chính phủ Singapore có thể nhờ hệ thống nhà ở này để định hình phong cách sống của người dân Singapore. Luật pháp sẽ quy định ai là người được mua và ai sẽ là người không được mua. Đối tượng nào được hưởng ưu đãi lớn hơn, đối tượng nào không được ưu đãi. Ví dụ, hiện nay, Singapore đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp, do đó những cặp vợ chồng khi mua nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên nhiều hơn. Những người độc thân chỉ có thể mua nhà trong các dự án HDB khi họ đã ở ngưỡng tuổi 35 mà vẫn chưa kết hôn. Điều này có nghĩa là những người dưới 35 tuổi chỉ có hai lựa chọn, một là sống với gia đình, hoặc là thuê hoặc mua một căn hộ ở các dự án tư nhân với mức chi phí đắt đỏ. Những bà mẹ sinh con ngoài giá thú cũng sẽ không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội tại Singapore.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top