Báo cáo khảo sát về du lịch Asean của tập đoàn tài chính Maybank King Eng đã chỉ ra rằng số phòng khách sạn trên đầu người ở Việt Nam hiện đứng đầu khu vực Asean với mức bình quân 39,3 phòng trên 1.000 khách. Tỷ lệ này ở Thái Lan là 18,3 và Indonesia là 37,8.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Sadiq Curimmbhoy, Trưởng phòng nghiên cứu khu vực của Maybank King Eng tại Malaysia, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng đang tạo ra khoảng cách giữa du lịch Việt Nam và các thị trường khác trong khu vực.
Cụ thể, báo cáo đã chỉ ra một thực tế rằng Việt Nam đang thiếu khách sạn chất lượng, vì có tới 80% số lượng phòng khách sạn ở tiêu chuẩn dưới 3 sao.
"Hầu hết các chuỗi khách sạn đều phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ và mức thâm nhập của các thương hiệu khách sạn quốc tế chỉ là 1,4% - thấp nhất trong số các thị trường lớn ở Asean", nhóm nghiên cứu Maybank King Eng đánh giá.
Trong khi đó, tỷ lệ phòng khách sạn thương hiệu quốc tế ở Thái Lan là 6,6%, Indonesia là 6,5%, Malaysia 10,2% và của Singapore lên tới 54,8%.
"Chúng tôi đã tự hỏi tại sao chi tiêu trung bình của khách du lịch ở Việt Nam lại giảm xuống và chúng tôi chỉ có thể nghĩ rằng đã không có đủ dịch vụ chất lượng cao hơn để khách du lịch có thể móc hầu bao", ông Sadiq Curimmbhoy nhận xét.
Ngoài ra, tỷ lệ chi tiêu của mỗi khách du lịch tại Việt Nam thường thấp là do chỗ ở, phương tiện đi lại và thực phẩm rẻ hơn các nước khác trong khu vực.
"Du lịch Việt Nam vẫn sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lịch sử, hầu như không có lựa chọn cho khách du lịch mua quà kỷ niệm hoặc đặc sản địa phương mang về nhà", báo cáo của Maybank King Eng cho hay.
Tuy nhiên, theo đánh giá thì khả năng chi trả lại là một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam đối với du khách nước ngoài.
Về nhóm khách du lịch, khách du lịch Trung Quốc đã tăng mạnh và chiếm gần 1/3 số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2018. Chi tiêu trên mỗi khách trong năm 2016 - 2017 thấp hơn là do số lượng khách đến tăng nhanh hơn nhờ kết nối giao thông tốt hơn và chính sách thị thực dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ông Sadiq Curimmbhoy cho rằng, tình thế có thể sẽ thay đổi trong những năm tới, khi cả lượng khách cũng như chi tiêu cho mỗi khách du lịch đều tăng lên nhờ sự xuất hiện của những thương hiệu khách sạn quốc tế lớn tại Việt Nam.
Ước tính, trong 3 năm tới có khoảng 5.400 phòng khách sạn thuộc các thương hiệu hạng sang như The Ritz Carlton, InterContinental, Westin, Okura và những thương hiệu nổi tiếng khác sẽ gia nhập thị trường, tăng nguồn cung phòng khách sạn 5 sao lên tỷ trọng 16%, từ đó giúp thay đổi cấu trúc khách du lịch và đón chào nhiều khách du lịch phương Tây hơn.
Theo đánh giá của Maybank Kim Eng, từ văn hóa đến lịch sử, con người đến ẩm thực, từ mức độ an toàn đến chi phí ở mức trung bình, Việt Nam có đầy đủ các tiềm năng để phát triển ngành du lịch, với tăng trưởng khách du lịch trung bình hàng năm tăng 25% trong giai đoạn 2016 đến 2018.