81,4% doanh nghiệp tiêu cực về triển vọng kinh doanh cuối năm 2023
Ban IV vừa gửi kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với nhận định “doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn”.
“Có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%", báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do ông Trương Gia Bình, Trưởng ban ký gửi.
Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.
Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.
Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Theo Ban IV, có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.
Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.
Và trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP.HCM thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đã phân định 4 nhóm khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Thiếu đơn hàng đứng đầu nhóm khó khăn
Đứng đầu là khó khăn về đơn hàng (59,2%). Thứ hai là khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%); Thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%) là 2 nhóm khó khăn tiếp sau.
Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
"Vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế", Báo cáo phân tích.
Đây là lý do dù hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế, nhưng nhiều khó khăn của doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm.
"Đợt khảo sát cũng ghi nhận rất nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp mang tính cấp bách, hướng đến tháo gỡ các nút thắt ngay trước mắt nhằm củng cố niềm tin và gia tăng nội lực để doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay", Báo cáo tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ./.