Liệu đại dịch Covid-19 có được kiểm soát?
Đây là câu hỏi chung của toàn nhân loại, không chỉ riêng lĩnh vực bất động sản. Trong trường hợp vắc-xin phòng chống virus corona được điều chế thành công và sử dụng rộng rãi, điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu sử dụng bất động sản và niềm tin của nhà đầu tư.
Ngược lại, trong trường hợp xấu nhất, virus tiếp tục lây lan nhanh và sẽ buộc con người phải thích nghi để tồn tại cùng đại dịch. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn thói quen và phong cách sống của con người.
Vai trò của bất động sản sau đại dịch Covid-19 là gì?
Đại dịch đã chỉ ra rằng các khoản đầu tư bất động sản có thể gặp những rủi ro lớn. Tuy nhiên, trong môi trường mà các biện pháp kích thích của ngân hàng như giữ giá cổ phiếu cao và lợi suất trái phiếu thấp, thì bất động sản là lĩnh vực có thể đem lại các khoản lợi nhuận đảm bảo. Vì vậy, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo đuổi lĩnh vực bất động sản.
Liệu đại dịch sẽ đảo ngược xu hướng đô thị hóa?
Câu trả lời nhiều khả năng là không. Mặc dù đúng là đại dịch đã tạo ra xu hướng mới khi có nhiều người tìm đến các khu vực ngoại ô, nông thôn để mua nhà. Tuy nhiên, tất cả cơ hội, tòa nhà văn phòng rộng lớn, các dự án cao cấp,... hầu hết đều nằm tại những đô thị lớn. Một khi đại dịch được kiểm soát, cuộc sống và phương thức làm việc của con người sẽ quay trở lại như bình thường.
Tương lai của lĩnh vực cho thuê văn phòng?
Mặc dù tỷ lệ lấp đầy đang tăng lên, song lĩnh vực cho thuê văn phòng sẽ không thể phục hồi ngay lập tức. Hình thức làm việc từ xa vẫn sẽ được duy trì và nhiều công ty đang tính đến chuyện cắt giảm diện tích văn phòng để tiết kiệm chi phí. Vì vậy, lĩnh vực này cần nhiều sự thúc đẩy hơn để trở lại trong tương lai.
Bất động sản logistics có bị định giá quá cao?
Lĩnh vực bất động sản logistics nổi lên như những ngành nghề phát triển nhất trong năm 2020. Nhu cầu của cả nhà đầu tư và khách hàng vì vậy cũng tăng theo. Tuy nhiên, liệu giá trị của bất động sản logistics có đang ở mức quá cao?
Sự gia tăng nhu cầu trong ngắn hạn là một phần của sự chuyển dịch cơ cấu rộng rãi, qua đó đem lại nhiều lợi ích cho ngành này, UBS cho biết. Trong tương lai gần UBS dự đoán rằng lĩnh vực này vẫn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ.
Bán lẻ có còn là lĩnh vực quan trọng nữa hay không?
UBS cho rằng bán lẻ vẫn sẽ là một trong những lĩnh vực chính của bất động sản, nhưng mức độ quan trọng sẽ giảm xuống. Trước đây, ngành bán lẻ chiếm 23% trong Chỉ số Bất động sản Toàn cầu MSCI vào cuối năm 2019, nhưng sau những gì mà ngành này phải chịu trong năm 2020, con số đó chắc chắn sẽ giảm xuống.
Việc phân bổ của ngành bán lẻ thấp hơn sẽ khiến tỷ trọng danh mục đầu tư tiếp tục giảm, nhưng khi không gian bán lẻ được tái sử dụng cho các kế hoạch mới, nó vẫn sẽ giữ vị trí quan trọng trong danh mục đầu tư của các tổ chức, UBS cho biết. Tuy nhiên, sau những gì đã trải qua trong năm 2020, bán lẻ khó có thể giữ nắm giữ vị trí như trước đây.
Tương lai nào chờ đón các lĩnh vực mới như văn phòng y tế và trung tâm dữ liệu?
Mặc dù đã có những bước tiến lớn trong năm 2020, nhưng liệu các lĩnh vực mới nổi như văn phòng y tế hay trung tâm dữ liệu có thể vươn mình trở thành các lĩnh vực chủ đạo? Theo UBS, khả năng để điều này xảy ra là tương đối khó. Mặc dù vậy, khi các nhà đầu tư đang cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư, cơ hội để các lĩnh vực này phát triển là khá rộng mở.
Biến đổi khí hậu có tác động gì đến chi phí bảo hiểm bất động sản?
UBS cho biết các công ty bảo hiểm nói riêng đang quan tâm nhiều đến tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu và họ sẽ cố gắng tạo ra các mô hình mới khi định giá bảo hiểm xây dựng. UBS cũng dự đoán rằng trong một thập kỷ tới, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị tài sản bất động sản.
Tình trạng hiện tại của thị trường cho vay là gì?
UBS chia sẻ: “Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ban đầu thị trường bị đóng băng do nhiều bên cho vay phải vật lộn để bảo lãnh các giao dịch”. Số tiền kiếm được nhờ chênh lệch giữa lãi suất thấp và tỷ suất lợi nhuận cho vay cao đã bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn của thị trường, đặc biệt là đối với lĩnh vực văn phòng và bán lẻ.
Trong hai lĩnh vực này, tỷ suất lợi nhuận có tăng đôi chút trong khi tỷ lệ cho vay trên giá trị giảm từ 5% đến 10%. UBS đưa ra lời khuyên rằng sẽ là tốt nếu bạn có đủ tiền để cho vay với những tài sản có tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng cũng cần hết sức cẩn thận trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện tại.