Cụ thể, riêng trong tháng 9/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 701 triệu USD, giảm 13,6% so với tháng trước. Dẫn đến giá trị xuất khẩu nhóm ngành này đạt 2,86 tỷ USD trong quý 3, giảm 1,57 tỷ USD so với quý 2 (4,43 tỷ USD).
Tuy vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này là 11,11 tỷ USD vẫn có tốc độ tăng khá cao 30,6% tương ứng tăng 2,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ đem về kỷ lục mới, ngành lâm nghiệp mới đây đón nhận tin vui từ thị trường Mỹ khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Thỏa thuận này chính thức khép lại vụ Điều tra 301 của Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.
Hiện Mỹ cũng là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với 6,39 tỷ USD, tăng 40,7%. Tiếp theo là các thị trường Trung Quốc đạt 1,13 tỷ USD, tăng 23,2%; Nhật Bản đạt 1,03 tỷ USD, tăng 11,15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian qua, ngành gỗ Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch Covid-19, ảnh hưởng đến sản xuất, chi phí nguyên liệu, vận chuyển đều tăng. Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, với tốc độ tăng trưởng khá như hiện nay, khôi phục sản xuất được đẩy nhanh trong 3 tháng cuối năm thì ngành gỗ và lâm sản có thể đạt mục tiêu kim ngạch 14,5 tỷ USD, thậm chí có thể sẽ cán đích 15 tỷ USD.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã được cải thiện khá tốt thông qua phát triển rừng trồng, đến nay đã chủ động được 75% nhu cầu nguyên liệu hàng năm. Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, lũy kế 9 tháng, đã trồng 174.695 ha rừng, đạt 75,9% kế hoạch năm, bằng 141% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm trồng rừng đặc dụng đạt 348 ha; rừng phòng hộ 821 ha và rừng sản xuất 170.526 ha.
Về khai thác, cả nước đã khai thác từ rừng trồng tập trung được khoảng 13,581 triệu m3, đạt 62,8% so với kế hoạch, bằng 146% so với cùng kỳ.