Đại dịch Covid-19 dẫn đến khủng hoảng kinh tế cho ASEAN cũng như toàn Thế giới. Báo cáo chính sách của Liên hiệp quốc (Policy Brief) phát hành vào tháng 7/2020 cho thấy, những quốc gia phát triển mạnh thương mại quốc tế như Singapore, Việt Nam, Cambodia, Malaysia và Thái Lan chịu nhiều ảnh hưởng do những chuỗi cung ứng tạm thời bị đứt gãy.
Những quốc gia phụ thuộc nhiều vào kiều hối như Philippines thiếu hụt nguồn tiền cho tiêu dùng và đầu tư. Covid-19 cũng kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng cao như tại Indonesia là 2,5 điểm %, Malaysia 1,5 điểm % và Philippines là 1,2 điểm %.
Những tác động tiêu cực là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, vẫn luôn có những doanh nghiệp ASEAN tự khẳng định bản lĩnh và tinh thần vượt qua khó khăn, đóng góp ý nghĩa cho công tác phòng chống đại dịch. Nhận định về những doanh nghiệp này, TS. Đoàn Duy Khương, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam cho biết: “Nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải đóng cửa, ngừng sản xuất, tuy nhiên cũng có rất nhiều những doanh nghiệp bằng lịch sử phát triển bền vững và những giải pháp riêng của mình đã không chỉ duy trì hoạt động mà đóng góp cho xã hội những nguồn động viên quý giá giúp các quốc gia ASEAN từng bước vượt qua đại dịch”.
Tại Singapore, các doanh nghiệp nước này không chỉ đóng góp số lượng lớn tiền mặt và các vật phẩm phục vụ phòng chống đại dịch mà còn trả lại hay từ chối những gói tài chính cứu trợ từ Chính phủ. Vào tháng 5/2020 khi đại dịch đang ở mức đỉnh tại Singapore, đã có 32 doanh nghiệp nước này trả lại khoản trợ cấp 35 triệu USD và 29 công ty khác dừng việc nhận trợ cấp từ các gói cứu trợ khác nhau.
Và tại tất cả các quốc gia khác trong khu vực, những doanh nghiệp đã làm rất tốt trách nhiệm xã hội khi luôn chủ động đóng góp cho Chính phủ bằng tiền mặt, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch.
Trong đó, Việt Nam nổi lên như một điểm của việc doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ. Hàng loạt các doanh nghiệp Việt liên tục ủng hộ công tác phòng chống dịch bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đây cũng chính là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm sáng của khu vực và Thế giới trong việc giảm bớt tác động của Covid-19.
Theo TS. Đoàn Duy Khương, việc doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ các nước trong thời kỳ khủng hoảng là điều vô cùng đáng quý, thể hiện tinh thần đoàn kết cùng vượt qua những khó khăn, chính vì vậy việc tôn vinh những doanh nghiệp ASEAN qua giải thưởng ABA năm nay trở lên đặc biệt hơn lúc nào hết.
Giữ vai trò là Chủ tịch của giải thưởng ABA 2020, Madame Nguyễn Thị Nga, Thành viên ASEAN BAC Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã trích dẫn một câu danh ngôn “Một vùng biển bình lặng không làm thể tạo nên những thuyền trưởng tuyệt vời” để hình tượng hóa những doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc trong thời kỳ Covid.
Madame Nga chia sẻ: “Covid-19 chính là thời điểm mà những doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc nhất thể hiện bản lĩnh, tinh thần kiên cường vượt qua khó khăn khi không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn đóng góp cho công tác phòng chống đại dịch. Vì vậy ABA 2020 mang một tầm vóc đặc biệt, trong một bối cảnh đặc biệt tôn vinh những doanh nghiệp đặc biệt xuất sắc của toàn khu vực”.
Gần đây nhất, trong hai cuộc đối thoại quan trọng của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) với lãnh đạo các nước ASEAN trong khuôn khổ cuộc họp ASEAN lần thứ 36 và với Bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN vào tháng 8/2020, Madame Nguyễn Thị Nga cũng đã báo cáo về tầm quan trọng của giải thưởng ABA với doanh nghiệp ASEAN.
Để đảm bảo tính minh bạch và uy tín của giải thưởng, Deloitte Việt Nam đã được lựa chọn trở thành đối tác chiến lược cho ABA. Với vị thế là công ty tiên phong trong lĩnh vực Tư vấn và Kiểm toán với kinh nghiệm 30 năm tại thị trường Việt Nam và là một trong bốn hãng cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng đầu Thế giới với mạng lưới hoạt động rộng khắp, Deloitte đã phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức, VCCI, ASEAN BAC và các đối tác uy tín khác để xây dựng lên một hệ thống giải thưởng với cấu trúc và cách thức chấm điểm khoa học nhất nhằm lựa chọn được những doanh nghiệp và doanh nhân xứng đáng nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong một bối cảnh đặc biệt của 2020, cùng với sự chuyên nghiệp của những nhà tổ chức cùng sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo ASEAN, doanh nghiệp toàn khu vực có thể xem đây là cơ hội để vinh danh những nỗ lực đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế mà còn đóng góp cho xã hội giảm những tác động xấu của Covid 19.
Hiện nay, doanh nghiệp ASEAN có thể đăng ký tham gia Giải thưởng ABA 2020 qua website https://aba2020.vn
Phỏng vấn TS. Đoàn Duy Khương, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI.
PV: Thưa ông, doanh nghiệp ASEAN đã đóng vai trò thế nào trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của khu vực?
TS. Đoàn Duy Khương: Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là điều bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên thực hiện bởi đây chính là một phần tối quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 diễn ra, bản thân doanh nghiệp cũng phải gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản xuất suy giảm, nhân công thiếu hụt, chuỗi giá trị đứt gẫy thì việc doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ các nước trong thời kỳ khủng hoảng là điều vô cùng đáng quý, thể hiện tinh thần đoàn kết cùng vượt qua những khó khăn của doanh nghiệp đối với đất nước.
Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) đã cùng các đối tác trình lên Lãnh đạo Cấp cao của các quốc gia ASEAN báo cáo của Hội đồng với tên gọi: Con đường Phục hồi và Hy vọng cho ASEAN. Trong Báo cáo đề xuất thành lập Ủy ban đặc biệt chuyên trách về Covid-19 gồm các thành viên là quan chức cấp cao các nước ASEAN và Thành lập Quỹ ASEAN để phục hồi kinh tế và ứng phó đại dịch. Báo cáo cũng bao gồm 225 khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp giúp mang lại niềm tin vào các hoạt động kinh doanh, giúp đảm bảo các biện pháp phòng ngừa y tế, chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu không bị gián đoạn, cung cấp các giải pháp an toàn cho các ngành bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương.
Ngoài ra ASEAN BAC Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 đang triển khai Dự án Di sản của ASEAN BAC: Mạng lưới khởi nghiệp Công nghệ số (Digital STARS) với mong muốn tạo ra một môi trường kinh doanh hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam và trên toàn ASEAN. kết quả dự kiến của Dự án trong năm 2020: 1) Cổng thông tin về Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN: Công nghệ số www.digital-stars.vn ; 2) Báo cáo khảo sát về ảnh hưởng của Covid tới doanh nghiệp và ứng phó thông qua ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam; và 3) Chương trình công bố Danh bạ giải pháp Chuyển đổi số Việt Nam - Digital STARS Showcase 2020.
Đến thời điểm hiện nay, tôi cho rằng rất nhiều doanh nghiệp ASEAN đang thực hiện tốt những vai trò của mình trong việc hỗ trợ cộng đồng khi không chỉ đảm bảo ổn định lao động có việc làm mả còn đóng góp rất nhiều nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh.
PV: ABA là giải thưởng thường niên của ASEAN BAC với lịch sử 14 năm, vậy xin ông cho biết ABA năm nay mang ý nghĩa đặc biệt nào khác so với những giải thưởng ABA trước đó?
TS. Đoàn Duy Khương: Như tôi đã chia sẻ, những doanh nghiệp đang thực hiện rất tốt vai trò của mình trong hoàn cảnh khó khăn nhất đóng góp cho xã hội. Và với những sự cống hiến đó, xã hội cần phải có những sự tôn vinh đặc biệt dành cho doanh nghiệp, và đây chính là điều mà ABA 2020 hướng đến.
Với việc tham gia vào ABA 2020, doanh nghiệp ASEAN sẽ được tôn vinh, lan tỏa tới cộng đồng những giá trị quan trọng và đáng quý nhất mà doanh nghiệp đã gây dựng được trong thời gian qua. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn lớn vì đại dịch Covid-19, ABA 2020 năm nay có hạng mục giải thưởng đặc biệt để vinh doanh các doanh nghiệp không chỉ bị động ứng phó mà còn chủ động vượt qua và chiến thắng Covid 19.