Aa

ACB sắp sang tên loạt BĐS cấn trừ nợ tại 2 ngân hàng khác

Chủ Nhật, 17/09/2017 - 06:01

Hiện tại ACB có dư nợ tiền gửi tại 2 ngân hàng GBBank và CBBank, để cấn trừ các khoản nợ này, trong năm 2017, ACB sẽ hoàn tất sang tên loạt BĐS.

ACB muốn dứt điểm xử lý nợ xấu trong năm 2017

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa được tăng room tín dụng lên 20% cho năm 2017. Tính đến 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 11,2% so với cuối năm 2016. Để chuẩn bị cho Base 2, ngân hàng vẫn đang duy trì được tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 12,7% trong 6 tháng đầu năm 2017.

Ngày 25/8/2017 vừa qua, ngân hàng đã tổ chức hội nghị các nhà đầu tư và chuyên viên phân tích. Tại hội nghị, ACB cho rằng, hầu hết các khoản nợ còn tồn đọng sẽ được xử lý trong năm 2017. Tính đến cuối Quý II/2017, chỉ còn gần 600 tỷ đồng Nợ liên quan đến Nhóm 6 Công ty cần được xử lý. Theo lãnh đạo ngân hàng, ACB sẽ dứt điểm xử lý số dư này trong năm 2017.

Về việc xử lý nợ xấu của ACB, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự phóng rằng ACB sẽ trích lập dự phòng cho số dư còn lại trong nửa cuối năm 2017 và không ước tính ngân hàng sẽ thu hồi thêm.

Tính đến cuối tháng 06/2017, dư nợ trái phiếu VAMC của ACB là 1.411 tỷ đồng, trong đó đã trích lập 528 tỷ đồng. ACB có kế hoạch sẽ mua lại toàn bộ khoản nợ này trong H2/2017 để tự xử lý, và đưa dư nợ trái phiếu VAMC tại ngân hàng về bằng 0 trong năm nay.

MBS cho rằng số dư VAMC chưa trích lập sẽ được đưa vào bảng cân đối kế toán của ngân hàng trong năm 2017, được xử lý một phần trong 2017 và sau đó xử lý hết phần còn lại trong năm 2018.

Tính đến cuối năm 2016, ACB còn số dư tiền gửi 125 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank, hay trong thuyết minh được nêu tên là Ngân hàng B). Theo cập nhật mới nhất, ACB sẽ hoàn tất sang tên BĐS để cấn trừ cho số dư nợ này trong Quý III/2017; theo đó, số dư còn lại sẽ chỉ còn mức không trọng yếu là 30 tỷ đồng.

Riêng số dư tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank, hay trong thuyết minh được nêu tên là Ngân hàng C), theo giải thích từ phía ngân hàng, do đề án tái cấu trúc của CBBank vẫn chưa được phê duyệt nên ACB chưa thể xúc tiến hoàn thành việc chuyển giao tài sản để cấn trừ nợ. Cụ thể, tài sản cấn trừ nợ bao gồm 3 BĐS có giấy tờ công chứng và được định giá trên 400 tỷ đồng. Dự phòng hiện tại cho khoản tiền gửi này là 150 tỷ đồng.

Trong 6 tháng năm 2017, ACB ghi nhận thu nhập 340 tỷ đồng từ xử lý trái phiếu Vinalines. Ngân hàng này cũng hoàn toàn tự tin vào kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 mà không cần hy sinh NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên).

ACB đề ra mục tiêu tăng trưởng dư nợ không có tài sản đảm bảo từ 1.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong vòng 6 tháng tới, hay tương đương lần lượt 1% lên 3% dư nợ cho vay khách hàng của ACB, con số này được đánh giá là không thực sự đáng kể. 

Nhằm mục tiêu tương tự, tỷ lệ CASA của ACB được lên kế hoạch sẽ tăng lên con số 9% cuối năm nay và 20% trong dài hạn. Hiện tại, tỷ lệ CASA tại ACB là ~8%.

MBS thận trọng cho rằng vẫn sẽ có một vài áp lực lên NIM của ACB trong dài hạn, trước khi có một kế hoạch rõ ràng và quyết đoán hơn. Một trong những ngân hàng vẫn đảm bảo tăng trưởng đi kèm đảm bảo an toàn. Tỷ lệ CAR của ACB theo Thông tư 36 đạt 12,7% sau 6 tháng 2017, trong đó CAR theo Vốn cấp 1 là 8,1%. Có sự chênh lệch lớn nhờ ACB huy động được 6.500 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Tỷ lệ LDR (chỉ số dự nợ trên vốn huy động) xấp xỉ 79%.

Tổng thu nhập ngoài lãi có thể tăng 261%

MBS dự báo thu nhập lãi thuần 2017 của ACB đạt khoảng 8.179 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016. Trong tương lai, do các áp lực đã nêu, NIM của ACB khả năng sẽ bị thu hẹp nhẹ xuống mức 3,06% - 3,10%.

Trong năm nay, ACB có một vài khoản thu nhập ngoài lãi đột biến như 340 tỷ đồng thu nhập từ xử lý trái phiếu Vinalines và 378 tỷ đồng thu hồi nợ liên quan G6. Nhờ thế, tổng thu nhập ngoài lãi có thể đạt 2.422 tỷ đồng trong năm 2017, tăng trưởng 261% so với năm 2016. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ được ước tính tăng trưởng 13%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top