Aa

“Ách tắc trong suy nghĩ của người dân còn nhiều hơn”

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 14/09/2017 - 06:10

Trao đổi với Reatimes xung quanh 7 chiến lược giải pháp chống ùn tắc giúp đơn vị liên danh Việt Nam – Nhật Bản đạt giải Nhì cuộc thi do Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội, cho rằng trao một giải thưởng “âm thầm” thì có lẽ ách tắc giao thông không giải quyết được mà ách tắc trong suy nghĩ của người dân còn nhiều hơn.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp UBND TP Hà Nội đã tổ chức trao giải cuộc thi "Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030". Trong đó giải nhì trị giá 100.000 USD thuộc về liên danh Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civi Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI).
Tuy nhiên, sau khi giải thưởng được công bố, trong dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng đề án đó không có gì mới, có đạt giải cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội.  Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, PV Reatimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường đại học Xây dựng.

PV: Thưa ông, liên quan đến thông tin và giải thưởng đang gây nhiều tranh cãi của cuộc thi "Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030", ông có thể chia sẻ với Reatimes quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Hùng: Trước tiên phải nói là giao thông Hà Nội đang phải chịu nhiều sức ép. Vấn nạn ùn tắc cũng đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân của những vấn nạn đó là do một quá trình phát triển lâu dài của đô thị không có sự đồng bộ, cũng không tính toán các phương án giải quyết nên gây ra ách tắc theo kiểu này hay kiểu khác.

Bên cạnh đó là do lượng người đổ về Hà Nội ngày càng nhiều, giao thông công cộng chưa có nhiều, phát triển manh mún rồi ý thức con người trong tuân thủ giao thông chưa cao. Mà ý thức cũng bắt đầu từ câu chuyện quy định pháp luật đưa ra và cách hành xử thực thi nó. Cả một quá trình như thế nên vấn nạn giao thông mới căng thẳng.

Về cuộc thi tìm ra giải pháp chống ùn tắc giao thông, có thể hiểu rằng ngay từ đầu, đưa ra ý tưởng cuộc thi là mong muốn thu thập các giải pháp sáng tạo, các ý tưởng mới để giải quyết vấn đề bức thiết này. Tuy nhiên, đề bài đưa ra trong cuộc thi chống ùn tắc này lại chỉ gói gọn có một tháng. Chính việc thời gian đặt ra để thi không nhiều này đã khiến ta đặt ra câu hỏi liệu hình thức cuộc thi có không bình thường hay không. Bởi một việc của Hà Nội lớn như thế, khó như thế nhưng lại được tổ chức giống như đưa ra cho có, thông báo để cho ai kịp thời thì đưa ra ý kiến, không kịp thời thì thôi.

Tại sao với ý tưởng cuộc thi như thế lại không lập một kênh, một hộp thư để những người sống ở Hà Nội đã nhiều năm, họ có trình độ, có tâm huyết, quan tâm đến giao thông có cơ hội đóng góp ý kiến? Việc đó mới là cần thiết, chứ tạo ra một cuộc thi chỉ để lấy tiếng vang hay đằng sau đó là cái gì thì không thể biết.

PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội 

Thi xong, tổng kết cuộc thi có thưởng là chuyện bình thường. Nếu làm đúng, thì thấy mức độ bài thi thế nào thì thưởng từng đó, nếu chưa được thì tính lại. Nếu thấy ý tưởng trùng lặp rồi, không có gì mới để trao giải thì phải có những hình thức khác để tìm những ý tưởng sáng tạo, đột phá hơn nữa.

Ở đây cuộc thi này làm dư luận đặt nghi vấn, phải chăng thi rồi mới thấy dở dang vì không đúng mục đích ban đầu nên trao giải cũng âm thầm. Bởi thi đã thi rồi, không trao giải thì không được nên mới phải tính đến một giải nào đó cho phù hợp. Kết quả là tiêu tốn tới mấy tỷ đồng như vậy, rồi còn chưa tính đến tiền hỗ trợ các đơn vị tham gia. 

PV: Vậy phải chăng theo ông, vì đề án đạt giải chung cuộc không mới nên Ban tổ chức cuộc thi mới không công khai các giải pháp cụ thể?

PGS. TS Nguyễn Hùng: Tôi cho rằng những giải pháp đó không có gì mới mà chỉ tổng kết lại cái cũ. Cụ thể là không khác nhiều so với đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030 đã được TP.Hà Nội ban hành trước đó. Tất nhiên cũng phải tính đến công lao động của nhóm đó đã tổng kết lại.

Với cách làm việc âm thầm như thế, có lẽ ách tắc giao thông không giải quyết được mà ách tắc trong suy nghĩ của người dân lại nhiều hơn.

PV: Chi tiết vào đề án dành giải thưởng chung cuộc có thể thấy có 7 "gạch đầu dòng" giải pháp, nhìn nhận chung thì trong đó có những giải pháp đang được triển khai nhưng vẫn chậm. Ví như chuyện phát triển giao thông công cộng, xe bus nhanh, cấm xe máy... 

PGS. TS Nguyễn Hùng: Có một trong những giải pháp đó tôi và một số chuyên gia đã không đồng ý từ năm 2006, đó là chuyện làm bus nhanh. Nguyên nhân là bởi đường xá của Hà Nội cũng như giao thông rất phức tạp, bus nhanh sẽ không đem lại hiệu quả giảm ùn tắc dù ý tưởng này rất tốt.  Nhưng khả năng và hiệu quả thực tế chưa nhiều.

Cho đến nay khi bus nhanh đi vào thực tế nhưng dường như không nhanh nhiều hơn so với bus thường và cũng không giúp giảm bớt được xe máy và các phương tiện khác. 

PV: Theo ông, Việt Nam sẽ mất bao lâu để hiện thực hóa ý tưởng 2 tỷ đồng này?

PGS. TS Nguyễn Hùng: Thực ra, chúng ta cần nhìn sang giao thông nước khác rồi ứng dụng về Việt Nam, chỉ là chúng ta có làm được như họ hay không hay mỗi thứ làm một tí. Các giải pháp chống ùn tắc giao thông đó chúng ta đã làm và vẫn đang làm đó thôi, lộ trình đang đi có đúng hướng hay không và kết quả thế nào, trong bao lâu thì chỉ có thể đợi.

PV: Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của việc hiện thực hóa các ý tưởng giảm ùn tắc ở Hà Nội? 

PGS. TS Nguyễn Hùng: Vấn đề chống ùn tắc ở Hà Nội cũng giống như tất cả các vấn đề khác của Việt Nam từ kinh tế, văn hóa cho đến xã hội. Và việc xây dựng các ý tưởng rồi thực hiện để chống ùn tắc giao thông Hà Nội là không hề khó. Chỉ cần có một giải pháp tổng thể, đồng bộ nhất quán và khách quan.

Tổng thể là phải nắm được quy hoạch, xem kết nối như thế nào. Làm dự án giao thông là phải nghĩ đến chuyện kết nối với nhau, phải giải quyết được chuyện liên thông ở các vùng khác nhau. Nguyên tắc là các đường hướng tâm phải nối các đường vành đại lại chứ không phải "năm cha ba mẹ".

Muốn giao thông không bị tắc nghẽn thì cần phải xây dựng tuyến đường xuyên tâm và tuyến đường này phải lớn, nhưng điều này Hà Nội lại chưa làm được. Bên cạnh đó cần phải mở những đường có kết nối ô vuông tạo hình bàn cờ để giải tỏa trong trường hợp bị tắc.

Thứ nữa là không thể không đồng bộ, ví như nói cấm xe máy thì giải pháp đồng bộ với nó là phải tạo ra hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, song song với đó là phải mở đường, bố trí với đó là nâng cao dân trí, tăng cường pháp luật rồi chuyển giờ làm việc. Có thể tạo ra văn phòng ảo để người ta ít phải đi ra ngoài làm việc mà có thể làm ngay tại nhà.

Nhất quán thế nào? Đó là trước đã làm thế nào thì sau cứ thế mà làm. Ví như một vỉa hè, trước lát thế này rồi sau đổi sang thế khác thì có khi lại thành ra lộn xộn. Ngoài ra thì phải khách quan chứ không thể để bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm. 

PV: Cùng bàn về câu chuyện giải quyết tình trạng ùn tắc trong nội đô, có nhiều quan điểm cho rằng nên tính đến việc di dời các trụ sở bộ ngành, bệnh viện, trường học ra ngoài ngoại thành, sẽ góp phần giảm ùn tắc và còn tối ưu hơn các phương án đạt giải cuộc thi kể trên. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?  

PGS. TS Nguyễn Hùng: Đề án đưa các bệnh viện, trường học ra ngoại thành để giảm ách tắc đã có từ lâu và được đánh giá là tốt. Nhưng theo tôi nếu các trụ sở cũ không có vấn đề gì, không gây ách tắc giao thông thì cứ giữ nguyên vì nếu tính toán cặn kẽ thì chuyện di dời cũng khá tốn kém. Chưa kể phía sau đó còn có nhiều câu chuyện như quy hoạch không tốt, rồi câu chuyện đền bù, câu chuyện xây gì trên "đất vàng"... 

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top