Hiện ACV đang có hơn 2.177 triệu cổ phiếu đang lưu hành với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
ACV là doanh nghiệp có quy mô khai thác vận chuyển, quản lí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. ACV có 9 công ty con, công ty liên kết, liên doanh. ACV trực tiếp khai thác 22 Cảng hàng không, bao gồm 08 Cảng hàng không Quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Chu Lai, Phú Quốc, Cần Thơ và 14 Cảng hàng không địa phương: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Đồng Hới, Vinh, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân.
Báo cáo tài chính quý IV/2018 của ACV cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.179,7 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2018 đạt 16.140 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế riêng quý cuối năm 2018 đạt 1.229 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 6.078 tỷ đồng.
So với năm 2017, lợi nhuận năm 2018 của ACV tăng hơn 40%. Tuy vậy, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, triển vọng của ACV năm tới còn phụ thuộc các vấn đề đường băng khi yếu tố này còn vẫn hạn chế.
Dự kiến tăng trưởng lượng hành khách (pax) quốc tế thấp hơn cho năm 2019 và 2020 khi thực tế, tăng trưởng kém khả quan cho lượng hành khách quốc tế cùng việc điều chỉnh giả định thời gian và chi phí thực hiện dự án nhà ga hành khách T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất (SGN).
Cụ thể năm 2019, giả định tăng trưởng hành khách trong nước tăng trưởng 2,6%, tăng trưởng pax quốc tế 0,5%, tăng trưởng doanh thu hàng không 16% và tăng trưởng doanh thu ngoài hàng không 14%. Điều này dẫn đến tăng trưởng doanh thu dự báo của ACV đạt 16% lên 19.000 tỷ đồng và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cổ đông mẹ tăng 14% đạt 7.100 tỷ đồng.
Có thể điều chỉnh giảm dự báo 2019 nếu vấn đề đường băng không có tiến triển trong ngắn hạn. Hiện ACV vẫn được giả định sẽ có quyền ghi nhận doanh thu cất và hạ cánh từ 6 tháng cuối năm 2019 trở đi, đóng góp đáng kể dự báo tăng trưởng doanh thu hàng không năm 2019. Nếu đưa giả định này sang năm 2020, với các yếu tố khác được giữ nguyên, dự báo EPS 2019 sẽ được điều chỉnh giảm 7,7% xuống 2.843 tỷ đồng.
Nhà ga hành khách T3 Sân bay Tân Sơn Nhất nhiều khả năng sẽ được khởi công năm 2020 thay vì 2019 như giả định trước đây vì dự án vẫn còn trong quá trình nghiên cứu khả thi.
VCSC giả định đến năm 2023 dự án sẽ được hoàn thành với chi phí 11.000 tỷ đồng so với giả định trước đây là 10.000 tỷ đồng. Dự kiến T3 sẽ giúp công suất hành khách sân bay Tân Sơn Nhất tăng thêm 71%. Năm 2018, sân bay này đã phải hoạt động với 137% công suất hành khách.
Dù triển vọng tăng trưởng pax quốc tế năm 2019 tiếp tục thấp nhưng sẽ phục hồi vào năm 2020 lên mức 11% vì con số trong 6 tháng đầu năm 2018 cao, ngay trước khi ACV bàn giao phần lớn quyền kiểm soát nhà ga hành khách quốc tế tại Sân bay Quốc tế Cam Ranh vào cuối quý II/2018.
ACV sẽ được hưởng lợi chính trong dài hạn từ sự bùng nổ ngành du lịch và hàng không của Việt Nam, dù rằng danh mục sân bay của ACV không có quyền kiểm soát hai cảng hành khách quốc tế tại sân bay Đà Nẵng (DAD) và Cam Ranh (CXR). Trong năm 2018, hai cảng hàng không đã ghi nhận tăng trưởng pax quốc tế mạnh mẽ lần lượt 55% và 43%.