Mùa kinh doanh quý cuối năm của ngân hàng: Vì sao người đột phá, kẻ báo lỗ nặng?
9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận có xu hướng tăng trưởng cao bao trùm ở đa số các ngân hàng thương mại, người người nhà nhà công bố kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, vào những tháng cuối cùng của năm, trong khi một số bứt tốc mạnh mạnh mẽ thì một số khác lại ngậm ngùi báo lỗ.
Điều này có phần mâu thuẫn bởi Quý 4 vẫn hay được xem là mùa kinh doanh cao điểm và sôi động nhất năm của ngành ngân hàng, thời điểm mà nhiều nhà băng tận dụng nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng cao để đẩy mạnh cho vay, cải thiện kết quả kinh doanh.
Điển hình cho sự bứt tốc trong quý cuối năm là ở VPBank. Trong quý 4/2018, lợi nhuận trước thuế của nhà băng đạt 3.074 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, lợi nhuận quý 4 tăng hơn 50% so với trung bình 3 quý đầu năm và đóng góp tới hơn 1/3 cho lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, có 4 ngân hàng báo lỗ trong quý 4 là VietinBank, Eximbank, VietCapital Bank, Saigonbank với những lý do khác nhau, bởi những yếu tố khách quan lẫn nội tại.
LS Trương Thanh Đức: Sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai
Về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, LS Trương Thanh Đức cho rằng gần như toàn bộ những thành công, thành quả, thành tích, thành tựu cải cách và phát triển kinh tế đều là nhờ sự sửa sai. Vậy thì rất cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nói riêng, các Luật khác nói chung và sửa càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt.
Theo ông Đức, gần như toàn bộ những thành công, thành quả, thành tích, thành tựu cải cách và phát triển kinh tế đều là nhờ sự sửa sai. Vậy thì rất cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nói riêng, các Luật khác nói chung và sửa càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt.
Trước hết, về tổng quan thì nội dung sửa đổi qua 3 năm thi hành luật là khá nhiều, với dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng cộng 75 điều luật trên tổng số 289 điều của 2 Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và 9 luật khác. Ngoài ra, đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật Đầu tư vào năm 2016.
Nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Ví dụ doanh nghiệp Nhà nước từ chỗ là 100% vốn Nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% (khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật).
Chủ tịch VNREA: Chính sách phát triển nhà ở xã hội cần nhấn mạnh vào cơ chế tài chính
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, “Làm nhà ở xã hội quan trọng nhất vẫn là hai yếu tố có đất và có tiền. Đất thì không thiếu, chúng ta có thể quy hoạch đất, lấy ra từ 20% trong các dự án xây dựng tại mỗi địa phương còn vốn xây dựng vẫn là câu chuyện cần tính toán. Hơn nữa trong luật cũng có quy định dành 20% trong tổng quỹ đất đất phát triển nhà và đô thị làm nhà ở xã hội. Theo điều tra năm 2013, riêng Hà Nội và TP.HCM có 20 nghìn ha đất, 20% tương ứng là 4.000ha đất dành cho nhà ở xã hội.
Mặt khác, đi kiểm tra rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện, nguyên nhân không phải do doanh nghiệp mà do không có phê duyệt của thành phố, vi phạm quy định của Thủ tướng. Có những chỗ quy hoạch vào góc không đền bù. Nếu có đền bù thì giấu, không làm, đợi thu hồi để chuyển mục đích sử dụng làm dự án khác. Thậm chí, có tư tưởng cho rằng việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ làm hụt thu ngân sách của địa phương vì sẽ phải miễn thu tiền sử dụng đất”, ông Nam cho hay.
Cùng với quỹ đất, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cũng nhắc tới yếu tố tài chính để phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: “Phải hỗ trợ vốn chứ không có đất doanh nghiệp cũng không làm được. Chính sách phát triển nhà ở xã hội cần nhấn mạnh vào cơ chế tài chính, tạo nguồn lực bằng tiền cho doanh nghiệp xây nhà, cho người dân vay để mua. Ví dụ các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% dư nợ cho vay nhà ở xã hội. Hay như giao nhiệm vụ cho ngân hàng chính sách cho vay mua nhà ở xã hội thì phải quy định hàng năm ngân sách phải cấp bao nhiêu % ngân sách. Ngày xưa chúng tôi đề nghị dùng 1% ngân sách để xây nhà ở xã hội thì mỗi năm cũng được hàng nghìn tỷ rồi”.
Thanh tra việc chuyển đổi nhà đất công tại Đà Nẵng: Đụng đâu sai đó
Tổng Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận việc thanh tra 52 cơ sở nhà đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, phát hiện số tiền sai phạm hơn 156,3 tỷ đồng.
Tại Kết luận Thanh tra số 34/KL-TTCP nêu rõ: Từ năm 2010-2016, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã thực hiện việc chuyển đổi đối 52 cơ sở nhà đất thuộc TP quản lý sang mục đích khác. Trong đó, bán lại cho bên thuê 31 cơ sở thu về ngân sách nhà nước hơn 424 tỷ đồng; bán trực tiếp 08 cơ sở thu hơn 123 tỷ đồng; bán trực tiếp 8 cơ sở thu hơn 135 tỷ đồng; cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi 5 cơ sở thu hơn 84 tỷ đồng.
Trong số 52 cơ sở nhà đất của các tổ chức, cá nhân sau khi UBND TP Đà Nẵng bán và chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ), có 44 cơ sở nhà đất đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trong đó, có 33 cơ sở nhà đất được cấp với mục đích đất ở đô thị.
Ngoài ra, có 5 cơ sở nhà đất được UBND TP Đà Nẵng cho phép chuyển tên khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ mà không thực hiện nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ là vi phạm các quy định về Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Thanh tra Chính phủ kết luận, trong 52 cơ sở nhà đất được bán, chuyển sang mục đích sử dụng khác, có 8 cơ sở nhà đất bên thuê được mua không thông qua đấu giá liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
“Tổng hợp kết quả kiểm tra, việc xác định giá thu tiền sử dụng đất của 52 cơ sở nhà đất phát hiện số tiền sai phạm hơn 156,3 tỷ đồng”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Hà Nội xin cơ chế đặc thù để có thể lập 4 quận mới
Mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết đang lập đề án để thành lập 4 quận mới là Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức vào năm 2020.
Tuy nhiên, Hà Nội cho biết 4 huyện này vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt đủ điều kiện để chuyển thành quận. Cụ thể như cân đối thu chi ngân sách, đầu tư hạ tầng khung, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị, đường đô thị được chiếu sáng, đất cây xanh công cộng…
Do đó, Hà Nội sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính để tạo nguồn lực đầu tư giúp các huyện phát triển lên quận.
Việc điểu chỉnh tổng thể quy hoạch 4 quận trên, Hà Nội cho biết sẽ kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa thông qua việc thuê tổ chức nước ngoài thực hiện. Mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch tại 4 quận này là giảm mật độ, tăng chiều cao.