Aa

ACV nắm thế độc tôn, hàng không Việt “oằn mình” chở phí trong bão dịch

Thứ Hai, 23/03/2020 - 16:50

Muốn tăng trưởng GDP một cách bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ, cơ quan quản lý cần có những giải pháp mạnh mẽ giúp các hãng hàng không vượt qua thời kỳ khủng hoảng.

“Bật đèn xanh” cho ACV, nhiều phản ứng trái chiều

Trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đang lấy ý kiến đề xuất về “Định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Theo đề án này, Bộ GTVT lại đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) độc quyền 22 cảng hàng không, chỉ xã hội hoá 3 cảng tại Sa Pa, Lai Châu và Quảng Trị. Đây là các cảng hàng không nhỏ nằm địa bàn khó khăn, sản lượng khách tiềm năng không cao.

Tuy nhiên đề xuất này của Bộ GTVT đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành liên quan cũng như từ phía dư luận.

Góp ý về đề xuất nói trên, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản gửi tới Bộ GTVT để trả lời về đề xuất của Bộ GTVT, trong đó nêu rõ, Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không (trừ cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) đề làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chỉ thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.

Đặc biệt, về đề nghị giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đề nghị cần xem xét lại vì ACV là một công ty cổ phần, không phải là cơ quan Nhà nước để thay mặt Nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không.

Về việc giao cho ACV khai thác sân bay, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cần thiết phải qua đấu thầu chọn nhà đầu tư với công trình, dự án công được đầu tư bằng vốn nhà nước.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng không cho rằng việc duy trì vị thế độc quyền của ACV ở 22 sân bay và dự án sân bay Long Thành không phù hợp với xu thế thế giới và chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của Nhà nước.

Nói thêm về việc nếu ACV tiếp tục duy trì thế độc quyền tại sân bay, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định, cổ đông nước ngoài ở ACV sẽ tiếp tục được hưởng siêu lợi nhuận và bất công với các nhà đầu tư tiềm năng khác, cũng như bất công với các hãng hàng không và hành khách sử dụng dịch vụ.

Hàng không gồng mình “chở” phí trong “bão dịch”

Hiện tại, ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không là những đơn vị đại diện cơ quan quản lý nhà nước mà các hãng bay phải nộp phí dịch vụ hàng không.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ GTVT đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư văn bản thống kê thiệt hại sơ bộ ban đầu của các hãng hàng không nội địa là khoảng 30.000 tỷ đồng. Con số thiệt hại này có thể còn tăng lên khi hàng loạt đường bay bị cắt giảm, hành khách di chuyển bằng đường không giảm sút nghiêm trọng, số tàu bay “đắp chiếu” lên tới hơn 100 tàu. Không chỉ vậy, các hãng hàng không Việt còn thiệt hại về chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ cũng như chi phí vệ sinh phòng dịch.

Tính chung, một chiếc tàu bay đang phải “chở” hơn 20 loại phí, chẳng hạn, phí phục vụ tại nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, hay phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm... Ước tính sơ bộ tổng chi phí dịch vụ mà các hãng hàng không phải trả hàng năm lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Điều đáng nói, theo ghi nhận, hiện nay đối với những khoản phí dịch vụ hàng không Nhà nước quy định khung giá, phí thường bị áp mức kịch khung. Nếu ACV tiếp tục được “bật đèn xanh” tại 22 cảng hàng không, nhiều chuyên gia cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hãng hàng không và hành khách sử dụng dịch vụ, nhất là trong bối cảnh hàng không, du lịch là ngành quan trọng nhưng đang bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19.

Cần giải pháp kịp thời

Theo thống kê quốc tế, sự tăng trưởng ngành hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP, khi 1% tăng trưởng của hàng không sẽ tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, những năm gần đây ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8 -7%/năm.

Bởi vậy, muốn tăng trưởng GDP một cách bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ, cơ quan quản lý cần có những giải pháp mạnh mẽ giúp các hãng hàng không vượt qua thời kỳ khủng hoảng.

Trước thực trạng của ngành hàng không thời điểm hiện tại, hàng loạt biện pháp hỗ trợ đã được đề xuất, bao gồm miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không, tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường…) đến hết năm 2020 hay ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không. Điều này được kỳ vọng sẽ kích cầu du lịch cũng như giảm gánh nặng tài chính cho các hãng bay.

Trong bối cảnh này, ACV cũng được yêu cầu rà soát, chủ động hỗ trợ, cho các hãng kéo dài thời gian thanh toán hàng hóa, dịch vụ cũng như áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá, khung phí cho thuê quầy làm thủ tục, thuê mặt ở nhà ga.

Nếu Nhà nước cho phép miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, các hãng hàng không sẽ tiết kiệm được khoản chi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, hay miễn phí phục vụ vé máy bay có thể giảm cho khách hàng khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Đây sẽ là những gói hỗ trợ đáng giá nhằm giúp giảm bớt gánh nặng chi phí trên đôi cánh hãng hàng không Việt trong thời điểm khó khăn này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top