"Suy thoái toàn cầu và các điều kiện trong nước yếu đi, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp xấu đi và tiêu dùng suy giảm đáng kể, đã gây tổn hại cho nền kinh tế nặng nề hơn dự kiến. Triển vọng kinh tế Việt Nam còn bị đe dọa bởi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới kể từ cuối tháng 7/2020", Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nêu.
Do đó, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh giảm từ 4,8% trong Báo cáo ADO 2020 và 4,1% trong Báo cáo ADO bổ sung vào tháng 6 xuống 1,8% trong Báo cáo ADO cập nhật mới. Tuy nhiên, ADB có góc nhìn lạc quan khi nhận định mức tăng trưởng trong 2021 sẽ đạt ngưỡng 6,3%.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.
Cụ thể hơn, báo cáo dự báo tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục ở mức thấp. Theo đó, mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Tuy nhiên, theo ADB, việc đẩy nhanh đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này. "Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại", báo cáo nhấn mạnh. Được biết, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam và phần lớn trong đó là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại,...
Đối với khu vực nông nghiệp, ADB đánh giá nhóm này sẽ gặp khó khăn trong năm 2020 do thời tiết khắc nghiệt và sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu bên ngoài và nội địa đều yếu. Tương tự, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ bị kìm hãm trong 2020 do xuất khẩu yếu, hạn chế đi lại và lượng cầu nội địa giảm do mất thu nhập và việc làm, dù vậy, nhóm này sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021.
Trước những tác động trên, lạm phát dự báo có thể bị đẩy lên do giá hàng hóa cơ bản tăng và thanh khoản tăng do đẩy nhanh đầu tư công. Tuy nhiên, ADB cho rằng, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2020, thấp hơn so với mục tiêu 4,0% của ngân hàng trung ương, do tình trạng tăng trưởng và chi tiêu thấp vẫn kéo dài.
Kết luận, ADB tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Do vậy, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn được ADB đánh giá rất tích cực. "Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn", báo cáo nêu.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ADB bày tỏ lo ngại khi đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau, đó là: Căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.