Aa

Agribank: Vì ai nên nỗi?

Thứ Ba, 11/06/2019 - 06:00

Agribank phục vụ chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng "điểm chết" lại là đầu tư tài chính, đau đầu trong vòng xoáy đất đai, thậm chí vướng phải tin đồn tín dụng đen.

Khi Chủ tịch không thực hiện được lời hứa

Không thể phủ nhận rằng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp khó có tỷ suất sinh lời cao, trong khi vẫn phải đảm nhiệm vai trò của một ngân hàng thực thi chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã có sự bứt phá về lợi nhuận.

Tại Agribank, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp luôn xấp xỉ 30% tổng mức tín dụng. Cùng với hệ thống hơn 2.000 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, đây là những lợi thế không nhỏ của Agribank nhằm hấp dẫn giới đầu tư.

Thế nhưng, thực tế là Agribank hiện đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những vấn đề nan giải mà ngân hàng này đang vướng phải là bài toán tăng vốn. Khi mà vốn điều lệ của Agribank đang ở mức thấp nhất so với các NHTM lớn khác, đến cuối 2018 mới đạt 30.470 tỷ đồng.

Ngoài ra, Agribank là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu mét vuông, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất; số lượng khách hàng đông nhất với số lượng khách hàng khổng lồ, có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất. Do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Nhiều năm qua, ban lãnh đạo Agribank đã nỗ lực giải quyết những khó khăn liên quan đến câu chuyện vốn và đất đai nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa theo lộ trình. Chủ tịch Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh đã từng khẳng định năm 2016 là giai đoạn đơn vị loại bỏ những tồn tại, bắt đầu từ 2017 triển khai các thủ tục để rồi nỗ lực đến năm 2018, Agribank sẽ chính thức chuyển sang hoạt động với tư cách ngân hàng thương mại cổ phần.

Thế nhưng, lời hứa đó đã không thành hiện thực bởi "căn bệnh" của Agribank có lẽ còn bắt nguồn từ những nguyên nhân khó nói khác. Và còn cả câu chuyện vốn hay thủ tục đất đai vướng mắc có liên quan đến khối nợ xấu khổng lồ tại ngân hàng này... Mà theo đánh giá của giới chuyên môn, nợ xấu của Agribank là tảng băng “3 phần nổi 7 phần chìm”.

Công ty con: Gánh nặng hay đầu tư tài chính kém?

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2018 niên độ ngân sách 2017 với hàng loạt điểm tồn tại trong hoạt động của Agribank.

KTNN đã chỉ ra rằng Agribank là một trong số những ngân hàng đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Cụ thể, Agribank đã đầu tư 2.391 tỷ đồng vào 6 công ty con tuy nhiên cổ tức/lợi nhuận được chia trong năm 2017 chỉ là 12 tỷ đồng. Đồng thời, trích lập dự phòng đầu tư tài chính bằng 30,37% giá trị đầu tư.

Agribank còn quá nhiều vấn để bứt phá

Agribank còn quá nhiều vấn để bứt phá

5 trong 6 công ty con của Agribank có lỗ lũy kế: ALC I lỗ 713 tỷ đồng, ALC II lỗ 12.464 tỷ đồng (đã xong thủ tục phá sản), Chứng khoán Agribank lỗ 469 tỷ đồng, Dịch vụ Agribank Việt Nam lỗ 113 tỷ đồng, Quản lý nợ và Khai thác tài sản lỗ 6,3 tỷ đồng.

47 tỷ đồng hoạt động đầu tư khác của Agribank vào Ngân hàng Xây dựng đã được NHNN mua lại giá 0 đồng.

Bên cạnh đó, Agribank cũng là đơn vị hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác khi hạch toán thừa lãi dự thu 136 tỷ đồng.

Phân loại nợ của Agribank được KTNN chỉ ra là chưa phù hợp. Trên cơ sở đó, cơ quan kiểm toán điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 1.254,5 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 703,6 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 3 là 55,4 tỷ đồng, giảm dư nợ nhóm 4 là 100,4 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 5 là 595,9 tỷ đồng.

Đồng thời, với việc điều chỉnh nhóm nợ, KTNN cũng cho rằng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này là chưa chính xác. KTNN đã điều chỉnh tăng chi phí dự phòng cụ thể 341,5 tỷ đồng, giảm chi phí dự phòng chung 4,9 tỷ đồng.

Gắn với Agribank còn có sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, hỗ trợ lãi suất sai quy định. Ngoài ra, ngân hàng này cũng có 9 lô đất chưa được sử dụng với tổng diện tích là 16.911m2.

Như vậy, khó khăn của Agribank không chỉ dừng lại ở nguyên nhân đầu tư tài chính quá yếu khiến hậu quả nặng nề mà còn do việc cổ phần hóa của ngân hàng này liên quan đến các vấn đề về đất đai.

Đất là từ khóa khó của Agribank

Hồi tháng 3, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo chuyên đề về “Kết quả cơ cấu lại, cổ phần DNNN năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới”.

Kế hoạch là cổ phần hoá 64 doanh nghiệp, hết năm thực hiện được 23 doanh nghiệp. Năm 2018 chậm trễ thì năm 2019 áp lực sẽ lớn hơn. Kế hoạch năm nay là cổ phần hoá 19 doanh nghiệp, trong khi còn hơn 40 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá từ năm 2018.

Khi đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản Nhà nước, đặc biệt là đất đai sẽ tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Trong đó Agribank là một điểm nhấn.

“Agribank là hệ thống ngân hàng lớn nên khởi động 1,5 năm mà phương án sử dụng đai đất chưa hoàn thành nên chưa cổ phần hoá được. Vì cổ phần hoá thì treo lại mảnh đất chưa xác định được là dùng vào mục đích gì? Ở đây, phương án phê duyệt sắp xếp, sử dụng đất đai thì theo quy định là địa phương làm phê duyệt kế hoạch mục đích sử dụng đất. Nếu địa phương không quyết liệt làm, đủng đỉnh thì các doanh nghiệp chậm là đúng. Đó là Nhà nước chủ quan”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Theo đó, với trường hợp của Agribank, tuy Bộ đã có hướng dẫn rà soát đất đai, nhưng do quy mô quá lớn, đến nay Agribank vẫn chưa rà soát, đưa ra được phương án sử dụng đất cụ thể.

Trước đó, liên quan đến phần xác định giá trị doanh nghiệp chuẩn bị cho cổ phần hoá, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Agribank cho biết ngân hàng hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng số 2,6 triệu mét vuông đất, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.

Mặc dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn ngổn ngang.

Tín dụng xấu - "khối u nhọt"  của Agribank

Ngay sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố những vấn đề tồn đọng của Agribank, ngân hàng này bất ngờ công bố kết quả kinh doanh khả quan cùng với mức nợ xấu giảm mạnh.

Theo đó, đến cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2017. Trong đó, cho vay khách hàng vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,3%. Huy động tiền gửi của khách hàng đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 9,5%.

Cuối năm 2018, số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Agribank lên tới 48.739 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.

Đáng chú ý, nợ xấu cuối năm 2018 của ngân hàng giảm 1.918 tỷ đồng so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 2,05% xuống còn 1,60%.

Tuy nhiên, bất ngờ hơn là con số nợ xấu tại VAMC giảm mạnh từ mức gần 41.000 tỷ đồng xuống còn 7.749 tỷ đồng. Số trái phiếu đặc biệt của VAMC đã được trích lập dự phòng 5.394 tỷ đồng.

Thế nhưng nếu để ý kỹ, báo cáo này chưa hẳn đã là khả quan khi mà trích lập dự phòng ngốn tới 3/4 lợi nhuận của ngân hàng. Năm qua, Agribank mạnh tay trích lập dự phòng, chi phí dự phòng lên tới 21.718 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2017.

Đây cũng là mức trích lập dự phòng cao nhất trong hệ thống ngân hàng năm 2018 và "ngốn" đến 75% lợi nhuận trước dự phòng của Agribank. Năm 2018, ngân hàng hợp nhất ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục, đạt 7.345 tỷ đồng, trong đó, ngân hàng mẹ đạt 7.551 tỷ đồng. Có thể thấy, ngân hàng mẹ Agribank vẫn đang phải gánh khoản lỗ không nhỏ cho một số công ty con.

Vẫn là câu chuyện nợ xấu, tại "Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN" ngày 21/11/2018, tại Hà Nội, chủ tịch Agribank cho biết, trong giai đoạn tái cơ cấu, Agribank phải kiện ra toà dân sự 6.500 vụ việc với tổng giá trị tranh chấp trên 4.000 tỷ đồng. Hiện đã có 3.300 bản án có hiệu lực pháp luật đang chờ các cơ quan thi hành án giải quyết. Số vụ án đang xử tại toà là 3.200 vụ, công tác thi hành án cực kỳ phức tạp, có không ít vụ kéo dài 4 - 5 năm, tài sản bán đấu giá trên 10 lần không thành.

Điều đáng nói, khi đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ pháp luật thì lập tức khách hàng ngừng trả nợ, tài sản bảo đảm không xử lý được nên xuống cấp, giá trị thu hồi không đáng kể so với số nợ vay. Có vụ hầu như mất trắng, đơn cử vụ việc liên quan đến 16 khách hàng có dư nợ trên 5.000 tỷ đồng, khi chốt thời điểm đưa vụ việc ra xét xử thì chỉ thu được 190 tỷ đồng, tương ứng 8,7%. Áp dụng Nghị quyết 42, hiện ngân hàng có 3.166 vụ khách hàng chây ì trả nợ và được phép xử lý rút gọn nhưng toà chỉ xử lý vỏn vẹn 2 vụ.

Như vậy, ngoài việc đầu tư tài chính kém năng lực, cổ phần hóa khó vì đất đai lớn, thiếu vốn thì nợ xấu là vấn đề mấu chốt nhất của Agribank.

Nhưng nhiều người lại đặt câu hỏi rằng, hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, có rủi ro đến mấy cũng không bằng các lĩnh vực khác như bất động sản, vậy vì đâu mà ngân hàng này lại chịu áp lực nợ xấu khủng khiếp? Nhiều người nghi ngờ liệu có chuyện tín dụng đen tại ngân hàng này không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top