Ám ảnh khủng khoảng kinh tế
Cách đây hơn 10 năm (2008), cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng đã kéo theo đổ vỡ hàng loạt hệ thống ngân hàng, tình trạng “đói” tín dụng, sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc đổ vỡ đó.
3 năm sau, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với sự lao dốc của thị trường bất động sản. Sự đổ vỡ theo hiện tượng domino đã kéo tới sự phá sản của không ít các nhà đầu tư.
Phải đến năm 2014, bất động sản mới bắt đầu phục hồi trở lại. Trong giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản Việt đã chứng kiến sự bứt tốc mạnh mẽ. Song giới chuyên gia nhận định rằng, thị trường đang trải qua sự phát triển nóng. Ở thời điểm, bất động sản Việt Nam còn non trẻ thì rủi ro của lĩnh vực có giá trị vốn hóa lớn này là không nhỏ.
Đặc biệt, bước sang năm 2018, tình trạng thừa cung bất động sản bắt đầu báo hiệu những dấu hiệu đáng lo ngại. E sợ về một chu kỳ khủng hoảng 10 năm 1 lần đã bắt đầu diễn ra. Song, kết thúc năm 2018, bong bóng bất động sản đã không xảy ra như lo ngại.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, năm 2019, nhiều người tham gia thị trường đang lo lắng kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn khủng hoảng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn từ ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tất yếu, khi bất ổn của nền kinh tế diễn ra thì một kịch bản thiếu gam màu sáng trong lĩnh vực bất động sản là điều dễ xuất hiện.
Nhà đầu tư chuyển hướng rót vốn
Bức tranh ảm đạm về nền kinh tế và sự đi xuống của thị trường bất động sản đã tác động không nhỏ đến nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Nguyễn Quang Minh (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, thay vì đổ tiền mạnh vào bất động sản, các nhà đầu tư đang có xu hướng co hẹp lại nguồn bất động sản sở hữu. “Thị trường có dấu hiệu bất ổn, nhiều nhà đầu tư sẽ có xu hướng không ôm hàng nhiều. Lãi suất ngân hàng cho vay bất động sản đang lên cao càng khiến nhà đầu tư hạn chế bỏ vốn vào lĩnh vực này”.
“Đến hiện tại, tôi cũng không dám ôm nhiều bất động sản. Thay bằng việc ăn chênh, các sản phẩm bất động sản mà tôi sở hữu đều chuyển hướng tới cho thuê lại như cho thuê văn phòng, nhà trọ…” – ông Minh chia sẻ.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư đầy an toàn dù lãi suất Ngân hàng đã gia tăng mạnh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần phải có tính toán cẩn thận và tỉnh táo khi bỏ vốn.
- TS. Đinh Thế Hiển -
Cũng như ông Minh, ông Trần Ngọc (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, tôi chỉ giữ một lô đất và một căn chung cư. Tất cả các sản phẩm bất động sản trước tôi đã thanh khoản. Khoản tiền dư thừa được chuyển vào ngân hàng”.
Thực tế, những cảnh báo về bức tranh kinh tế thiếu sáng sủa đã khiến các nhà đầu tư đề phòng hơn trong rót vốn. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng trước đã khiến nhà đầu tư hiểu rằng, việc đổ vốn ồ ạt vào bất động sản khi tài chính phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng sẽ mang tới bất lợi rất lớn trong tương lai. Thế nên, thay vì việc mở rộng hoạt động rót vốn, các nhà đầu tư chuyển hướng lựa chọn phương án kinh doanh an toàn, tạo ra dòng tiền ổn định như cho thuê.
Bất chấp ám ảnh về nền kinh tế bất ổn, giới quan sát vẫn nhận định, bất động sản vẫn là kênh rót vốn an toàn nếu như nhà đầu tư có khoản tiền nhàn rỗi lớn. Lý giải về điều này, ông Minh cho rằng, bất động sản là tài sản hữu hình và an toàn. Dù khủng khoảng kinh tế đi xuống thì bất động sản vẫn là kênh có thể mang lại khoản tiền lớn sau cơn bão khủng hoảng.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, bất động sản vẫn là kênh đầu tư đầy an toàn dù lãi suất Ngân hàng đã gia tăng mạnh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần phải có tính toán cẩn thận và tỉnh táo khi bỏ vốn.
Báo cáo của Savills Việt Nam, tại Hà Nội tình hình cho thuê căn hộ dịch vụ thường ở mức cao ổn định từ 80% - 85%. Đáng chú ý, công suất cho thuê có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây khi vượt mức 90%, báo hiệu sự tăng trưởng tốt và tiềm năng lớn trong thời gian tới.